Thị trường

Nga cấm xuất khẩu xăng, giá xăng dầu trong nước có tăng sốc?

29/02/2024, 13:49

Lệnh cấm xuất khẩu xăng của Nga được cho là sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả trên thị trường toàn cầu. Theo dự báo, giá xăng dầu trong nước cũng sẽ có biến động nhất định do đồng pha với giá xăng dầu thế giới.

Nga cấm xuất khẩu xăng

Vừa qua, phát ngôn viên của thủ tướng Nga xác nhận nước này chính thức áp lệnh cấm xuất khẩu xăng trong 6 tháng. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/3 và sẽ không áp dụng đối với khối lượng cung cấp đã thỏa thuận cho các nước thuộc Liên minh kinh tế Á – Âu (bao gồm Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) và các nước Mông Cổ, Uzbekistan, Abkhazia và Nam Ossetia.

Ngay sau khi có thông tin trên, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/2, giá dầu đã lên mức cao nhất trong một tháng qua khi dầu WTI tăng 1,66% lên 78,87 USD/thùng; dầu Brent tăng 1,21% lên 82,66 USD/thùng.

Nga cấm xuất khẩu xăng, giá xăng dầu trong nước có tăng sốc?- Ảnh 1.

Giá xăng dầu trong nước sẽ "đồng pha" với giá xăng dầu thế giới.

Lệnh cấm xuất khẩu xăng của Nga diễn ra trong bối cảnh thị trường nước này bắt đầu bước vào mùa cao điểm về nhu cầu nhiên liệu. Tại Nga, tính từ đầu năm đến nay, giá trên sàn giao dịch đối với xăng AI-92 và AI-95 cùng dầu diesel đã tăng từ 8-23%, kéo theo giá bán lẻ nhiên liệu cũng tăng.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga áp lệnh cấm xuất khẩu xăng. Vào tháng 9/2023, chính quyền Putin cũng từng ban hành lệnh cấm tương tự với xăng và dầu diesel do giá bán buôn tăng mạnh. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng, Nga đã dỡ bỏ lệnh cấm này khi thị trường nội địa dư thừa nguồn cung, giúp giá bán nhiên liệu trên sàn giao dịch giảm đáng kể.

Nga đang là một trong 5 nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, nhưng việc xuất khẩu xăng của quốc gia này chỉ ở quy mô nhỏ, khoảng 100.000 thùng/ngày. Trong năm 2023, Nga đã sản xuất được 43,9 triệu tấn xăng, trong đó xuất khẩu khoảng 5,76 triệu tấn. Các khách hàng nhập khẩu xăng dầu lớn nhất của Nga là các quốc gia châu Phi, UAE.

Giá xăng dầu trong nước liệu có tăng?

Động thái mới nhất của Nga đang dấy lên nhiều quan ngại trên thị trường năng lượng toàn cầu. Nhiều chuyên gia nhận định lệnh cấm xuất khẩu xăng của Nga sẽ tác động tiêu cực đến thị trường thế giới do thiếu nguồn cung và đẩy giá xăng dầu tăng cao.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho hay, quyết định cấm xuất khẩu xăng của Nga sẽ ảnh hưởng một phần tới nguồn cung toàn cầu do Nga là nước xuất khẩu xăng dầu hàng đầu thế giới và sắp tới giai đoạn tiêu thụ phục hồi.

"Thêm vào đó, xung đột chính trị tại Trung Đông vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, buộc Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) nhiều khả năng sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng. Các nước phương Tây cũng đang tăng cường áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các tàu chở dầu của Nga, nhằm giảm bớt doanh thu từ dầu thô vốn phục vụ cho mục đích quân sự, nên rủi ro nguồn cung gián đoạn từ Nga chắc chắn sẽ cao hơn", ông Quỳnh nhận định.

Nga cấm xuất khẩu xăng, giá xăng dầu trong nước có tăng sốc?- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, mặc dù giá xăng có thể sẽ tăng nhưng không đột biến do công suất dự phòng sản xuất dầu của nhiều quốc gia đang khá dồi dào nên có thể dễ dàng bù đắp một phần thiếu hụt này. Thay vào đó ẩn số chính tác động lên diễn biến giá của thị trường xăng dầu vẫn sẽ là căng thẳng địa chính trị và kế hoạch của nhóm OPEC trong thời gian tới.

Về phía Việt Nam, ông Quỳnh nhận định, quyết định cấm xuất khẩu xăng trong vòng 6 tháng của Nga nhìn chung sẽ không có tác động trực tiếp tới nguồn cung xăng dầu của nước ta.

Trên thực tế, trong năm 2023, 81% tổng lượng nhập khẩu xăng dầu của nước ta từ ba quốc gia là: Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Trong khi đó, nguồn cung dầu thô hàng đầu cho hai nhà máy lọc dầu trong nước bao gồm Dung Quất và Nghi Sơn lại chủ yếu đến từ Kuwait.

Tuy nhiên, vì Việt Nam vẫn đang là quốc gia nhập siêu xăng dầu nên diễn biến giá ở thị trường trong nước cơ bản vẫn sẽ "đồng pha" với giá xăng dầu thế giới.

"Khi nguồn cung bị thắt chặt do lệnh cấm của Nga và chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+, giá năng lượng thế giới có khả năng tăng lên. Khi đó, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu xăng với chi phí cao hơn trong khi các nhà máy lọc dầu trong nước cũng sẽ đối mặt với áp lực giá nguồn cung đầu vào", Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam nói.

Nhận định về thị trường xăng dầu trong nước thời gian tới, ông Quỳnh cho rằng, trước chính sách cấm xuất khẩu xăng của Nga, cùng điều kiện quốc tế khó lường, các doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường thế giới. Giá xăng dầu trong nước thời gian tới có thể nhỉnh hơn so với trung bình hai tháng đầu năm.

Tính đến cuối tháng 2/2024, giá xăng dầu trong nước có 4 đợt điều chỉnh, trong đó, giá xăng RON 95 tăng 2.990 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 2.980 đồng/lít và giá dầu diesel tăng 3.230 đồng/lít.

Theo Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, bình quân trong 2 tháng đầu năm 2024, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3% so với cùng kỳ năm ngoái.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.