Người biểu tình bỏ chạy khi cảnh sát bắn hơi cay tại thị trấn Ferguson ngày 26/11 |
Biểu tình tại 170 thành phố
Các cuộc biểu tình ở Ferguson nổ ra ngay sau khi bồi thẩm đoàn tại hạt St. Louis thuộc bang Missouri (Mỹ) tuyên vô tội đối với viên cảnh sát da trắng Darren Wilson - người đã bắn chết thanh niên da màu Michael Brown cách đây ba tháng tại thị trấn 21 nghìn dân này.
Vụ việc đã làm bùng phát làn sóng biểu tình tại hơn 170 thành phố trên toàn nước Mỹ, phản đối tình trạng cảnh sát da trắng thường có những hành vi phân biệt đối xử dẫn tới cái chết của các đối tượng là người thuộc các sắc tộc thiểu số. Khói lửa bốc lên khắp nơi, mảnh kính văng ra từ cửa các nhà hàng, tòa nhà và xe cộ bị đập phá. Hơn 400 người đã bị bắt.
"Trong lúc cãi cọ, xô xát với Michael Brown đang ngồi trong xe hơi, tôi đã hai lần nhằm bắn anh ta nhưng súng bị hóc. Lúc đó, tôi tự nhủ là lần bóp cò thứ ba thì súng phải nổ, nếu không anh ta sẽ cướp lấy súng của tôi và nếu điều này xảy ra, tôi sẽ chết. Tôi bóp cò và súng đã nổ. Tôi vẫn hành xử như thế, ngay cả khi Brown là người da trắng”. Cảnh sát Darren Wilson |
Một số chuyến bay đến Ferguson tối 25, 26/11 đã phải hủy bỏ sau khi có tiếng súng nổ ở gần khu vực sân bay. Các cuộc biểu tình khiến cho Cơ quan Quản lý hàng không liên bang (FAA) phải hạn chế một số chuyến bay tới Sân bay quốc tế Lambert-St. Louis của bang Missouri. Theo FAA, các chuyến bay đã được chuyển hướng khỏi một khu vực gần Ferguson với lý do để đảm bảo môi trường an toàn cho các hoạt động thực thi pháp luật và do có thông tin về những phát súng bắn lên không trung từ Ferguson.
Những người biểu tình chặn tất cả các xe cộ tại những con đường đông đúc ở khu Manhattan. Quảng trường Times, cầu Brooklyn, Harlem cũng chật cứng người biểu tình chặn cầu, đường hầm dẫn vào thành phố, những tuyến giao thông trọng yếu khác cũng bị tắc nghẽn. Cảnh sát phải xịt hơi cay giải tán đám đông. Tại TP Oakland, người biểu tình chặn luồng giao thông trên đường cao tốc chính. Còn ở Atlanta, cảnh sát bắt giữ 21 người biểu tình chặn luồng giao thông.
Nga chỉ trích Mỹ
Vụ việc cũng đã châm ngòi cho cuộc tranh luận trên toàn nước Mỹ về nạn phân biệt chủng tộc, khiến Bộ Tư pháp phải vào cuộc điều tra Sở Cảnh sát Ferguson. Một người biểu tình ở New York nói: “Nhiều người trong chúng tôi xuống đường vì Michael Brown, nhưng thiếu niên này chỉ là một trong hàng nghìn nạn nhân” và “Sinh mạng người da đen cũng đáng giá”, theo CNN. Tờ Le Figaro của Pháp nhận định: Giữa cộng đồng người da đen và cảnh sát, vẫn còn mối nợ nặng nề. Triệu chứng “họ” với “chúng tôi” vẫn còn ăn sâu trong xã hội” và “việc một cảnh sát bắt 10 phát vào người mà anh ta chất vấn cho thấy văn hóa cảnh sát suy đồi”.
Theo khảo sát của USA Today, ít nhất 70 sở cảnh sát trên toàn quốc bắt người da đen nhiều gấp 10 lần người da trắng. Nghiên cứu của Hãng ProPublica cho biết, thanh niên da đen có nguy cơ bị cảnh sát bắn chết cao gấp 21 lần người da trắng.
Trong một tuyên bố ngày 27/11 liên quan đến vụ việc tại Ferguson, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, Mỹ “nên tập trung vào các vấn đề bảo vệ nhân quyền trong nước” hơn là đi thuyết giáo các nước khác. Đây là tuyên bố thứ hai của Bộ Ngoại giao Nga liên quan đến vụ việc Ferguson. Đại diện Bộ Ngoại giao Nga phụ trách vấn đề nhân quyền Konstantin Dolgov cho rằng, “vụ việc cho thấy những vấn đề nhân quyền tại Mỹ” và “sự bùng nổ làn sóng phẫn nộ của công chúng và cách phản ứng không tương xứng của các cơ quan thực thi pháp luật đã xác nhận một lần nữa rằng đây không phải là một trường hợp đơn lẻ mà là sai lầm có hệ thống trong nền dân chủ Mỹ, vốn không thể vượt qua chia rẽ sắc tộc, kỳ thị và bất bình đẳng sâu sắc”. Trước đó, Mỹ thường xuyên chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin đàn áp những người bất đồng chính kiến.
“Người dân có quyền bày tỏ sự bất bình đối với mọi phán quyết của tòa án, song quyền này không được dẫn đến việc vi phạm quyền con người hay làm tổn hại đến lợi ích của cá nhân hoặc xã hội”, ông Zeid Al-Hussein - Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc nói.
Thanh Huyền
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận