Tàu chiến Shaposhnikov đang ở gần lãnh hải Australia hộ tống ông Putin dự Hội nghị G20 |
Căng thẳng bao trùm
Một số nhà phân tích cho rằng, quan hệ giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây chưa thể hạ nhiệt do Tổng Thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama dù cùng tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Trung Quốc mới đây nhưng không có cuộc gặp chính thức nào mà chỉ chào hỏi xã giao chóng vánh. Theo ông Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin, vì thời gian ngắn nên hai bên không trò chuyện về các vấn đề đang gây chia rẽ.
"Rõ ràng có những mối quan ngại sâu sắc về hành động của Nga tại Ukraine. Nhưng khi đề cập tới sự thịnh vượng của thế giới, các luật lệ thuế khóa, cách thức quản lý tài chính quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu thì tôi nghĩ sẽ là điều tốt nhất nếu có sự tham dự của Nga”. Ông Tony Abbott - Thủ tướng Australia |
Với tư cách là Chủ tịch G20, Australia từng phải đối mặt với lời kêu gọi cấm ông Putin tham dự với những cáo buộc Nga đứng sau phe ly khai miền Đông Ukraine bắn rơi máy bay MH17 của Malaysia Airlines. Tuy nhiên, phía Australia nói rằng, sự có mặt của ông Putin tại Brisbane là vấn đề giữa 20 quốc gia thành viên và không chỉ phụ thuộc vào mỗi Australia. Australia không có quyền đơn phương quyết định điều đó. Quan hệ Nga - phương Tây, đặc biệt là Mỹ trở nên căng thẳng sau khi Nga sáp nhập Crimea và nhóm G7 quyết định loại Nga ra khỏi nhóm.
Thủ tướng Australia Tony Abbott nhấn mạnh: “G20 là một diễn đàn kinh tế, chứ không phải là diễn đàn về các vấn đề an ninh. Nó cũng không thích hợp để các bên bày tỏ mối bất bình về chiến lược và an ninh. Vì thế các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kinh tế vẫn là trọng tâm chính trong quan hệ giữa các nước cũng như hành động của mỗi nước về mặt địa chính trị”.
Đưa tàu chiến hộ tống
Trong khi đó, ngày 13/11, bốn chiến hạm là khu trục hạm Nguyên soái Shaposhnikov, tàu kéo cứu hộ Fotiy Krylov, tàu chở dầu Boris Butoma, tuần dương hạm tên lửa dẫn đường Varyag dẫn đầu, đã có mặt trên vùng biển quốc tế, gần lãnh hải của Australia. Đội tàu chiến này xuất phát từ Nga hôm 23/10. Một số tờ báo của Australia cho rằng, động thái này có nguy cơ gây căng thẳng trong quan hệ Nga - Australia.
Theo phân tích của Bộ Quốc phòng Australia, nhóm tàu chiến của hải quân Nga được cho là “hộ tống Tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane”. Động thái này được cho là nhằm “thể hiện sức mạnh” của Nga trước thềm Hội nghị G20. Bộ Quốc phòng Australia cũng khẳng định, việc tàu quân sự đi lại tự do trên vùng biển quốc tế là phù hợp với quy định của luật quốc tế. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Australia vẫn điều tuần tra và máy bay trinh sát để giám sát nhóm tàu của Nga.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Nga điều động các tàu chiến hộ tống nguyên thủ nước này tới các cuộc họp quốc tế. Tàu hải quân Nga cũng từng được triển khai kết hợp với những hội nghị cấp cao quốc tế, như Hội nghị APEC ở Singapore năm 2009. Năm 2010, một tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương cũng tháp tùng Tổng thống Nga Medvedev khi đó trong chuyến thăm của ông tới San Francisco.
Hội nghị cấp cao G20 diễn ra trong bối cảnh đời sống chính trị, kinh tế thế giới tồn tại nhiều khó khăn. Nhiều nền kinh tế bị chi phối bởi những cuộc xung đột triền miên. Ngoài ra, trên thực tế, G20 đang đối mặt với những chỉ trích ngày càng gay gắt, rằng đây chỉ là một diễn đàn “nói suông” và hội nghị ở Brisbane năm nay cũng không thoát khỏi nỗi ám ảnh đó. Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng, G20 Brisbane 2014 cũng sẽ thảo luận về vấn đề phục hồi kinh tế toàn cầu như cải cách quy định tài chính, hiện đại hóa hệ thống thuế quốc tế, cải cách các thể chế toàn cầu, đẩy mạnh phục hồi thị trường năng lượng, các biện pháp củng cố hệ thống trao đổi thương mại toàn cầu và chống tham nhũng. |
Thuỳ Linh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận