Ngày 4/9, trang thông tin về quân sự, quốc phòng The War Zone cho biết đã tiếp cận được một số ảnh chụp vệ tinh căn cứ không quân Engels ở tỉnh Saratov nằm sâu trong lãnh thổ Nga, cho thấy phần thân trên của ít nhất 5 máy bay ném bom Tu-95MS Bear-H và ít nhất ba máy bay ném bom Tu-160 Blackjack được che phủ bằng lốp ô tô.
Ngoài ra, lốp ô tô còn được xếp trải dài che phủ phần cánh một số máy bay Tu-95.
Ngày 5/9, hãng tin CNN cũng cho biết, ảnh chụp vệ tinh căn cứ không quân Engels do hãng Maxar cung cấp cho thấy hai máy bay ném bom chiến lược Tu-95 được che chắn bằng lốp ô tô.
Những máy bay ném bom này do Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga vận hành, đã đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai tên lửa hành trình không kích các mục tiêu tại Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại quốc gia láng giềng.
Theo trang thông tin về quân sự, quốc phòng The War Zone, động thái trên của các lực lượng Nga diễn ra ngay sau khi Ukraine thông báo đã cải biến tên lửa hành trình chống hạm Neptune để tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
The War Zone lập luận rằng việc các lực lượng Nga che chắn máy bay ném bom bằng lốp ô tô có thể nhằm gây nhiễu tên lửa của Ukraine trong quá trình xác định và nhắm mục tiêu.
Phân tích cụ thể hơn, The War Zone cho biết với những tên lửa hành trình sử dụng công nghệ hệ thống so sánh điện tử - quang học (DSMAC - Digital Scene Matching Area Correlator), khi đến gần mục tiêu, tên lửa sẽ sử dụng cảm biến hồng ngoại để quét mặt đất bên dưới nhằm tìm kiếm vật thể có hình dạng giống hình ảnh vệ tinh của mục tiêu được tải sẵn trong bộ nhớ.
Đối với tên lửa hành trình, công nghệ này còn có tên gọi khác là nhận dạng mục tiêu tự động (ATR - Automated Target Recognition).
Theo phân tích của The War Zone, việc sử dụng công nghệ DSMAC/ATR mang lại lợi thế đáng kể cho phiên bản tấn công trên mặt đất của tên lửa Neptune, khiến loại vũ khí này khó bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga phát hiện và đánh chặn.
Trao đổi với The War Zone, một quan chức Ukraine xác nhận phiên bản tên lửa Neptune tấn công trên mặt đất được trang bị hệ thống định hướng GPS do Ukraine phát triển để điều hướng tên lửa tới vị trí đã được thiết lập trước.
Sau đó, tên lửa sẽ triển khai thiết bị dò tìm hình ảnh dựa trên cảm biến hồng ngoại để tìm kiếm mục tiêu giống với hình ảnh được tải sẵn trong bộ nhớ. Trong trường hợp tên lửa không thể xác định được mục tiêu có hình dạng giống hình ảnh lưu trữ trong bộ nhớ, tên lửa sẽ hủy tấn công.
Do đó, việc sử dụng lốp ô tô che phủ máy bay có thể làm giảm tín hiệu hồng ngoại của máy bay, khiến tên lửa hành trình sử dụng công nghệ DSMAC/ATR gặp khó khăn trong việc xác định mục tiêu.
Hãng tin CNN dẫn lời một số chuyên gia cho biết việc các lực lượng Nga che chắn máy bay bằng lốp ô tô cũng có thể nhằm tạo lớp bảo vệ các phương tiện khỏi các cuộc tập kích bằng UAV của Ukraine và khiến máy bay khó bị phát hiện hơn, đặc biệt vào ban đêm.
Tuy nhiên, trang The War Zone chỉ ra quá trình phủ rồi dỡ bỏ lốp xe khi phương tiện thực hiện nhiệm vụ khá mất thời gian. Trong khi lốp xe là vật liệu dễ bắt lửa, có thể gây hỏa hoạn lớn trong trường hợp căn cứ bị tấn công chỉ bằng UAV cỡ nhỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận