Các binh sĩ diễu hành trên Quảng trường đỏ trong lễ tổng duyệt cho lễ diễu binh mừng ngày Chiến thắng 9/5 |
Ảnh hưởng tới các chiến dịch
Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển cho rằng, với hầu bao dành cho lĩnh vực quân sự bắt đầu được thắt chặt, nhiều khả năng các chiến dịch quân sự của Moscow sẽ bị ảnh hưởng trước tiên.
Trong những năm qua, Nga đã không ngừng phô trương sức mạnh quân sự bao gồm việc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và can dự vào cuộc xung đột Syria.
Tuy nhiên, chi tiêu quân sự của Nga năm 2017 giảm 1/5, chỉ còn khoảng 66,3 tỷ USD, đối nghịch với xu hướng tăng chi tiêu quân sự toàn cầu.
Dựa theo kế hoạch chi tiêu của Chính phủ Nga đến năm 2020, chi tiêu quốc phòng của Nga trong năm 2018 dự kiến sẽ chỉ ngang với mức của năm 2017 hoặc thậm chí giảm đôi chút do điều chỉnh theo lạm phát, ông Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao phụ trách Chương trình chi tiêu quân sự tại SIPRI nhận định - theo báo Reuters của Anh hôm 2/5.
Ông Wezeman cho rằng, việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng có tác động trực tiếp đến các chiến dịch quân sự của Nga.
“Moscow rõ ràng cảm thấy phải thể hiện họ vẫn là một cường quốc bằng cách thực hiện các chiến dịch như ở Syria hay tăng cường sức mạnh hải quân ở Đại Tây Dương. Nhưng tôi chắc chắn rằng, sẽ có sự cắt giảm đáng kể ngân sách cho các hoạt động này”, Reuters dẫn lời ông Wezeman ngày 2/5.
Nguyên nhân của việc cắt giảm này được giới phân tích nhìn nhận là do tài chính của Nga vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau 2 năm suy giảm kinh tế sau ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt kinh tế liên tiếp của phương Tây cùng với sự sụt giảm giá dầu toàn cầu.
Thời gian gần đây, sự phục hồi phần nào của giá dầu thô đã giúp nền kinh tế xứ bạch dương tăng trưởng 1,5% trong năm 2017. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với mục tiêu 2% của chính phủ.
Đầu tư nhiều hơn cho an sinh - xã hội - giáo dục
Tổng thống Vladimir Putin đang kêu gọi cải thiện mức sống và chi tiêu nhiều hơn cho các dự án hạ tầng xã hội như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Một số quan chức Chính phủ Nga trước đó đã kêu gọi giảm chi tiêu quốc phòng để tăng ngân sách cho những lĩnh vực này.
Điện Kremlin cũng cho biết, hồi tháng 3 vừa qua, chính quyền Nga đã cắt giảm ngân sách quốc phòng xuống dưới mức 3% GDP trong 5 năm tới.
Việc giảm tới 20% ngân sách quốc phòng năm 2017 đã khiến Nga phải nhường vị trí thứ ba về chi tiêu quốc phòng cho Arab Saudi.
Hiện, Nga đã tụt xuống vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng những nước chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, cường quốc quân sự Mỹ vẫn đứng đầu về chi tiêu quốc phòng, chiếm tới 35% chi tiêu quốc phòng toàn cầu và có xu hướng tăng ngân sách cho lĩnh vực này trong năm 2018.
Nga chuẩn bị cho duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng Một màn trình diễn các máy bay tối tân nhất của Không quân Nga trong đó có tiêm kích tàng hình Su-57 sẽ được tổ chức như một phần các hoạt động kỷ niệm ngày Chiến thắng 9/5 tại Nga năm nay. Dù ngân sách quốc phòng của Nga năm 2018 có xu hướng giảm, nhưng những vũ khí mạnh nhất của quân đội Nga đang được chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 73 năm ngày Chiến thắng phát xít (9/5) trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại vào ngày 9/5 tới. Năm nay, đoàn xe cơ giới trong lễ duyệt binh sẽ bao gồm 190 phương tiện tối tân, định hình cho tương lai lục quân Nga và sự tham gia của 73 máy bay tối tân các loại. Nhiều khí tài mới như tổ hợp robot chiến đấu đa năng Uran-9 và robot phá mìn Uran-6 cũng góp mặt trong sự kiện năm nay. Đây là lần đầu Bộ Quốc phòng Nga trình diễn các khí tài này trong lễ duyệt binh trên Quảng trường đỏ, đánh dấu việc đưa chúng vào biên chế quân đội. Thùy Dương |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận