Lính thủy đánh bộ của Mỹ tham gia tập trận chung với các lực lượng của Na Uy, Anh hồi tháng 3 vừa qua |
Quan hệ với Na Uy sẽ căng thẳng
Quyết định cho phép mở rộng sự hiện diện của lính thủy đánh bộ Mỹ tại căn cứ quân sự Værnes, thuộc lãnh thổ Na Uy của Chính phủ nước này sẽ làm xấu đi mối quan hệ với nước láng giềng Nga và có thể gây leo thang căng thẳng ở khu vực phía Bắc với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hãng tin Reuters ngày 25/6 theo giờ Việt Nam dẫn lời Đại sứ quán Nga tại Oslo cho biết.
“Chúng tôi cho rằng, động thái này đã đi ngược lại cam kết không cho phép binh lính nước ngoài đồn trú tại Na Uy trong thời bình”, Đại sứ quán Nga cho biết trong thông báo. Vì vậy, “động thái này biến Na Uy thành đối tác khó lường, cũng có thể làm leo thang căng thẳng, đẩy tình hình khu vực phía Bắc với liên quân NATO rơi vào tình trạng bất ổn”, thông báo nói thêm.
Đây là phản ứng gay gắt từ phía Nga trước thông báo của Chính phủ Na Uy về việc gia hạn thời gian cho phép 330 lính thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú tại Na Uy cho đến cuối năm 2018. Thời gian đồn trú gấp 2 lần so với thời gian phía Na Uy và Mỹ đồng thuận ban đầu.
Trước đó, khoảng cuối tháng 10/2016, khi Na Uy đồng ý cho quân Mỹ đồn trú trong 1 năm, Phó chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Nga, ông Frants Klintsevich đã cảnh báo quân đội Na Uy rằng, việc triển khai binh sỹ Mỹ tại căn cứ Værnes là một phần trong kế hoạch tăng cường quân sự của Mỹ và úp mở việc Na Uy có thể trở thành mục tiêu bị tấn công hạt nhân nếu tình hình bị đưa đẩy đến mức độ chiến tranh.
“Chúng tôi chưa bao giờ đưa Na Uy vào danh sách các mục tiêu tấn công của vũ khí chiến lược. Nhưng nếu tình hình diễn biến tới mức đó, người dân Na Uy sẽ phải gánh chịu hệ quả”. Theo ông Klintsevich, Điện Kremlin coi sự hiện diện của 330 lính thủy đánh bộ Mỹ tại Na Uy là mối đe dọa quân sự trực tiếp.
Na Uy gia nhập NATO vào năm 1949 sau khi cam kết với Liên Xô (cũ) rằng, họ sẽ không bao giờ cho phép quân đội nước ngoài đồn trú tại nước này nhằm xoa dịu những lo ngại của Moscow.
Không đồng tình từ nội bộ Na Uy
Về phần mình, Na Uy khẳng định mục đích của việc triển khai chỉ nhằm đào tạo quân sự, bác bỏ những cáo buộc cho rằng đây là một động thái quân sự trực tiếp nhắm vào Nga. Họ nhấn mạnh, vị trí quân đội Mỹ đang đồn trú tại Na Uy cách biên giới Nga 1.500km. Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Ine Eriksen Soereide khẳng định: “Đây là biện pháp mang tính phòng vệ”.
Quyết định trên của Chính phủ Na Uy vốn do thiểu số phe cánh hữu-trung dung đưa ra, đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các đảng đối lập của Na Uy nhưng lại đối mặt chỉ trích từ phe cực tả. Một số người chỉ trích như ông Lars Haltbrekken, thuộc đảng Xã hội (phe Cực Hữu) cho rằng: “Động thái triển khai này chứng tỏ Chính phủ Na Uy đang lo cách để được Mỹ và khối NATO yêu thích hơn là thực hiện chính sách an ninh một cách có trách nhiệm”.
Mối quan hệ giữa Nga và Na Uy vốn rất căng thẳng khi cả hai bên cáo buộc nhau thực hiện các động thái quân sự có tính chất khiêu khích. Na Uy lâu nay là căn cứ quân sự của binh lính NATO để thực hiện các bài huấn luyện trong thời thiết cực lạnh. Hiện nay, Mỹ đã triển khai một lượng lớn các thiết bị quân sự của NATO tại Na Uy. Phần lớn thiết bị đặt dưới đường hầm trong núi. Đợt triển khai binh lính Mỹ vào Na Uy diễn ra hồi tháng 1/2017, đánh dấu lần đầu tiên lực lượng nước ngoài đồn trú tại một nước thành viên NATO kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận