Khám phá

Nga liên tục gặp rắc rối trên không: "Pháo đài" ở độ cao 400km rệu rã?

13/10/2023, 11:37

Chưa đầy một năm, Nga phải đối mặt với 3 sự cố kỹ thuật trên không.

Reuters dẫn thông tin từ Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) cho hay, mô-đun Nauka đa năng của Nga gắn với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vừa gặp sự cố rò rỉ hệ thống làm mát dự phòng dùng để điều chỉnh nhiệt độ trên tàu cho các phi hành gia.

"Mô-đun Nauka thuộc phân khúc ISS của Nga vừa bị rò rỉ chất làm mát từ mạch tản nhiệt (dự phòng) bên ngoài. 

Sau khi xem xét, sự cố không gây ảnh hưởng đáng kể, nhiệt độ vẫn bình thường trong khu vực bị ảnh hưởng" - Cơ quan vũ trụ Nga cho biết trong một bài đăng trên Telegram.

Nga gặp rắc rối trên không, 3 lần gây thất vọng: - Ảnh 1.

Phần mô-đun Nauka của Nga gắn với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Ảnh: NASA Johnson/Kayla Barron/Mark T. Vande Hei

Roscosmos cho biết phi hành đoàn và ISS "không gặp nguy hiểm" sau sự cố này.

Nauka, có nghĩa là "khoa học" trong tiếng Nga và còn được gọi là Nâng cấp mô-đun phòng thí nghiệm đa năng (MLM). Mô-đun này được phóng lên ISS vào năm 2021.

Các mảnh chất làm mát đông lạnh phun vào không gian đã được nhìn thấy trong nguồn cấp dữ liệu trực tiếp chính thức của Phòng thí nghiệm quỹ đạo do NASA đưa ra cùng ngày.

NASA, cơ quan quản lý ISS cùng với Nga, vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức.

Chương trình không gian Nga gặp bế tắc?

Đây là vụ rò rỉ mới nhất và là vụ rò rỉ thứ ba trong thời gian chưa đầy 1 năm mà người Nga phải giải quyết trong không gian gần đây.

Cuối năm 2022, vụ rò rỉ xảy ra trên tàu Soyuz MS-22 buộc phi hành đoàn phải thay thế tàu vũ trụ và chuyến đi về nhà của phi hành đoàn bị trì hoãn 6 tháng. 

Vài tháng sau đó, tàu vũ trụ chở hàng Progress MS-21 của Nga cũng gặp sự cố tương tự. Progress MS-21 đã cập bến ISS từ tháng 10/2022.

Tờ The Moscow Times nhận định, 3 sự cố rò rỉ trong vòng chưa đầy 1 năm của Nga đã đặt ra những câu hỏi mới về độ tin cậy của chương trình không gian của nước này ngay cả khi các quan chức cho biết các thành viên phi hành đoàn không gặp nguy hiểm.

Alexandr Misurkin

Hình ảnh tên lửa đưa tàu Nga lên vũ trụ. Ảnh: Alexandr Misurkin/Forumastronautico.it

Mặc dù Roscosmos đưa ra nguyên nhân ban đầu của sự cố rò rỉ là do thiên thạch siêu nhỏ tấn công. Tuy nhiên, khi sự cố liên tiếp xảy ra đã khiến nhiều người nghi ngờ khả năng chúng bị thiên thạch lao vào.

Nhà phân tích vũ trụ Jonathan McDowell thuộc Đại học Harvard (Mỹ) nói với AFP rằng: "Ba hệ thống làm mát của tàu Nga bị rò rỉ. 

Nguyên nhân của vụ rò rỉ lần thứ nhất - dù là do chủ quan hay khách quan - đều có thể được chấp nhận. Đến lần thứ hai, có thể là trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng trục trặc đến lần thứ ba thì lỗi đã mang tính hệ thống".

"Các sự cố chỉ nhấn mạnh độ tin cậy ngày càng giảm của các hệ thống không gian của Nga. Khi bạn thêm chúng vào bối cảnh cuộc thăm dò Mặt trăng Luna-25 thất bại của họ vào tháng 8/2023, quả thực mọi chuyện không còn tốt đẹp cho lắm nữa" - Ông Jonathan McDowell nói.

Trong bối cảnh liên quan, tại Đại hội Hàng không Quốc tế (IAC) diễn ra ở thủ đô Baku của Azerbaijan hồi đầu tháng 10/2023, dưới sự tham gia của hơn 5.000 người, Trung Quốc đã không nhắc đến Nga trong loạt sứ mệnh tiền đề để xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) - một dự án vốn được hai nước cùng khởi xướng giữa năm 2022.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc "quay lưng" với Nga sau thất bại của Luna-25. Số khác lại cho rằng, động thái của Trung Quốc ngầm kêu gọi nhiều đối tác khác tham gia dự án ILRS dày công.

Trên thực tế, lĩnh vực vũ trụ của Nga, vốn là niềm tự hào của quốc gia này, đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong nhiều năm, từ thiếu kinh phí, thất bại và sự cố liên tục, The Moscow Times nhận định.

Nga gặp rắc rối trên không, 3 lần gây thất vọng: - Ảnh 2.

Trạm ISS là địa điểm hợp tác hiếm hoi giữa Mỹ và Nga. Ảnh: NASA

Trạm ISS, một phòng thí nghiệm khoa học quỹ đạo có kích thước bằng một sân bóng đá cách Trái đất khoảng 400km, đã liên tục là nơi ở/làm việc của các phi hành đoàn quốc tế trong hơn hai thập kỷ.

Với việc Mỹ phụ trách mạng lưới điện của trạm ISS và Nga chịu trách nhiệm chính về các động cơ cho phép ISS di chuyển trên quỹ đạo, thì sự phụ thuộc lẫn nhau của Nga và Mỹ trên ISS thể hiện mối quan hệ hợp tác "còn cần nhau" giữa hai cường quốc này.

Cấu trúc của trạm ISS đã cũ kỹ kể từ khi có phi hành đoàn đầu tiên vào năm 2000 và NASA đang chuẩn bị "nghỉ hưu" vào khoảng năm 2030 bằng cách tài trợ sớm cho việc phát triển những trạm kế thừa do tư nhân xây dựng, vì NASA ưu tiên đưa con người trở lại Mặt trăng hơn, Reuters thông tin.

Nguồn: The Moscow Times, Reuters, The Guardian

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.