Thế giới

Nga muốn có lực lượng gìn giữ hòa bình tại Đông Ukraine

07/09/2017, 07:05

Nga đã trình một dự thảo nghị quyết tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình...

4

Các nhà quan sát của OSCE tại miền Đông Ukraine

Nga đã trình một dự thảo nghị quyết tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) để triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình (LLGGHB) đảm bảo an ninh cho các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đang làm việc tại miền Đông Ukraine - hãng tin RT dẫn lời đại diện của Nga tại Liên hợp quốc, bà Vasily Nebenzya cho biết ngày 6/9.

Góp phần giữ hòa bình tại miền đông Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin là người đưa ra ý tưởng trên tại cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh các nước mới nổi (BRICS) tại TP Hạ Môn, Trung Quốc. Lãnh đạo Nga cho rằng, sự hiện diện của LLGGHB hay nói cách khác là người đảm bảo an ninh cho tổ chức OSCE, chắc chắn phù hợp và không nhận thấy bất cứ điều gì sai trái.

Ông Putin nhấn mạnh, mục đích duy nhất của nhiệm vụ này là tập trung “đảm bảo an toàn cho các quan sát viên OSCE” và chỉ nên hoạt động trên tuyến liên lạc giữa các lực lượng Kiev và lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine”. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng, quyết định về việc triển khai nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại khu vực phía Đông Ukraine không thể thực hiện nếu không có sự tham vấn trực tiếp với các đại diện của các nhóm nổi dậy Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng.

Ông chủ Điện Kremlin tự tin, nếu đạt được tất cả các điều kiện này, nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại miền Đông Ukraine chắc chắn sẽ đóng góp lớn vào việc giải quyết xung đột tại khu vực.

Phản ứng trái chiều

Ý tưởng của Tổng thống Nga nhận được sự hoan nghênh từ OSCE và nhiều nước trong khu vực châu Âu. Hãng tin RT dẫn lời một quan chức OSCE cho biết: “Áo - nước Chủ tịch luân phiên của OSCE rất hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm đảm bảo duy trì an ninh và hòa bình tại Ukraine”.

Quan chức này cho biết thêm, tình hình an ninh tại miền Đông Ukraine “sẽ cải thiện đáng kể nếu cả hai bên hoàn thành trách nhiệm đã được ghi trong Thỏa thuận Minsk”. Thỏa thuận Minsk thứ hai do các nước: Ukraine, Nga, Pháp, Đức soạn thảo dưới sự bảo trợ của OSCE vào năm 2015, tạo cơ sở để tiến tới ngừng bắn giữa lực lượng Chính phủ Ukraine và lực lượng nổi dậy ở khu vực này.

Nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình

Hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình trải dài từ hoạt động quân sự ở mức thấp để bảo đảm các sứ mệnh cứu trợ nhân đạo, tháo gỡ bom mìn, thực thi ngừng bắn, giải giáp các bên tham chiến. Trong trường hợp cần thiết, lực lượng này có thể hỗ trợ quản lý hành chính, giúp tái thiết các quốc gia được coi là yếu kém. Khác với hai thế hệ trước, thế hệ lực lượng gìn giữ hòa bình hiện tại có thể hoạt động hoàn toàn độc lập với Chính phủ nước sở tại, nghĩa là không cần có sự chấp thuận của các bên.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel cũng hoan nghênh ý tưởng của Nga. Ông cho rằng, việc triển khai thành công LLGGHB của Liên hợp quốc có thể là “bước đi quan trọng đầu tiên để tiến tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Nga”. Ông cho rằng, việc thực hiện đề xuất của Nga có thể đặt nền móng cho “một thời kỳ hòa hoãn mới” trong quan hệ giữa châu Âu và Nga. Các đại diện của lực lượng nổi dậy tại miền Đông Ukraine cũng thể hiện sẵn sàng thỏa thuận về vấn đề này.

Tuy nhiên, đề xuất của nhà lãnh đạo Nga ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Ukraine. Nghị sĩ Vladimir Aryev - người đứng đầu của phái đoàn Ukraine tại Hội đồng Nghị viện của Ủy ban châu Âu cho biết, lãnh đạo Ukraine ủng hộ ý tưởng đưa LLGGHB tới miền Đông nhưng bác bỏ hình thức thực hiện mà Nga đề xuất. Ông cho biết: Việc Tổng thống Nga nhấn mạnh phải phối hợp với các lực lượng nổi dậy tại miền Đông Ukraine trong triển khai LLGGHB tới đây trên thực tế nhằm hợp pháp hóa Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng.

Ông Aryev tuyên bố, Ukraine sẽ “không bao giờ đồng ý với hình thức đó”. Đồng thời, ông cũng cho rằng, không nên có sự góp mặt của bình lính Nga trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại đất nước của ông, vì như vậy chẳng khác nào “hợp pháp hóa” sự hiện diện của binh lính Nga tại Ukraine.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.