Nội chiến Syria và sự bất đồng giữa Nga - Mỹ là nguyên nhân của dòng người di cư tới châu Âu. |
Trong khi châu Âu đang loay hoay đối phó, hàng nghìn người Syria bất chấp mạng sống của bản thân vẫn đổ về trên những chuyến tàu vượt biển Địa Trung Hải đầy nguy hiểm. Trong khi đó, Nga - Mỹ vẫn bất đồng về Syria.
Châu Âu chứ không phải vùng Vịnh
Milad, 29 tuổi, nha sỹ người Syria di cư, đã có chuyến di cư mạo hiểm trên con tàu bằng gỗ đông cứng người và trên chuyến xe tải của những kẻ buôn lậu. Sau bốn lần thất bại, đến lần thứ 5 anh mới qua được biên giới Anh để tới London. Khi được hỏi vì sao ly hương, anh cho biết: “Khi những quả bom lơ lửng trên đầu và tiếng súng nổ bên tai, bạn sẽ không thể làm việc, kiếm tiền nuôi sống bản thân. Đó không phải là điều dễ dàng. Bạn đợi hai hay ba năm và rồi mọi thứ chẳng thay đổi. Bạn cứ thử hỏi những người đã từng trải qua chiến tranh, thật không dễ chút nào. Chẳng ai quan tâm đến bạn, đến cuộc sống của bạn. Vậy bạn phải cố gắng để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, một nơi sống tốt hơn trên thế giới này”. Để đến được nước Anh, Milad đã tốn khoảng 5 nghìn USD.
Thế nhưng, tại sao lại là châu Âu mà không phải là những nước vùng Vịnh giàu có? “Rất nhiều người Syria muốn tới các nước vùng Vịnh, vì đó là những nước phát triển, họ giàu có và họ nói tiếng Arab. Nhưng họ đóng cửa với chúng tôi”, Milad cho biết.
Saudi Arabia, Qatar, Kuwait hay Bahrain đã bị chỉ trích vì không tiếp nhận người tị nạn Syria. Trên thực tế, các công dân Syria vẫn có thể vào các nước vùng Vịnh theo đường visa du lịch nhưng phí tổn rất lớn và xác suất thành công không nhiều. Những nước này cho biết, họ đã tài trợ hàng trăm triệu đôla hỗ trợ nhân đạo và ủng hộ các trại tị nạn ở Jordan và phía bắc Iraq. Theo họ, đó là giải pháp dài hạn hơn cho những người tị nạn Syria, bởi khi cuộc nội chiến kết thúc, họ có thể quay trở về nhà một cách dễ dàng.
Nơi Nga - Mỹ đối đầu
Các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ tại Syria từ năm 2011 đã khiến nước này rơi vào cuộc nội chiến bất ổn. Những bất đồng giữa một bên là Mỹ và phương Tây ủng hộ phe đối lập với một bên là Nga ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Basar Al-Assad khiến cho cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia này càng rơi vào bế tắc.
Cộng thêm sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) năm ngoái, khiến tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Nội chiến từ năm 2011 tới nay khiến hơn 10,6 triệu người Syria mất nhà cửa. Con số này tương đương một nửa dân số Syria thời kỳ trước chiến tranh.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình RT của Nga ngày 15/9, Tổng thống Al-Assad khẳng định, cho dù châu Âu có tiếp nhận người tị nạn hay không, sẽ không thể giải quyết được căn nguyên của khủng hoảng. Nếu châu Âu thực sự quan tâm đến hoàn cảnh của những người tị nạn đáng thương thì hãy dừng ngay việc ủng hộ, hỗ trợ lực lượng đối lập Syria.
Cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RT của Tổng thống Syria được công bố chỉ vài ngày sau khi các quan chức Mỹ bày tỏ quan ngại rằng, Nga đang gia tăng sự hiện diện quân sự tại Syria và đẩy mạnh hỗ trợ chính quyền Basar Al-Assad. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng, Mỹ muốn thấy Nga can dự mang tính xây dựng hơn với Liên minh quốc tế đang chiến đấu chống lực lượng IS. Trước những phản ứng của phương Tây về động thái mới đây của Nga tại Trung Đông, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa khẳng định lập trường của nước này khi nhấn mạnh, cuộc chiến chống khủng bố không thể thiếu sự tham gia của quân đội Syria.
Hôm qua, theo Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain, làn sóng di cư từ khu vực Trung Đông, trong đó phần lớn từ Syria cho thấy sự thất bại trong chiến lược đẩy lùi IS và chương trình huấn luyện 16 nghìn tay súng nổi dậy chống Chính phủ trị giá gần 500 triệu USD. Cuộc nội chiến tại Syria đã kéo dài sang năm thứ 4, khiến 240 nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, chính quyền của Tổng thống Obama đang cân nhắc đề xuất của Nga tiến hành một cuộc đối thoại cấp quân sự để tránh những sai sót và hiểu nhầm giữa hai bên về vấn đề Syria.
Thế nên, các nhà quan sát cho rằng, trước mắt, dòng người từ Syria tới châu Âu chưa thể ngừng lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận