Báo cáo tài chính bán niên của HVG sau soát xét chênh lệch quá lớn so với báo cáo do công ty tự lập trước đó khiến nhiều nhà đầu tư ngã ngửa - Đồ họa: Bảo Anh |
Lãi, lỗ chênh lệch hàng trăm tỷ
Báo cáo tài chính (BCTC) bán niên Công ty Cổ phần (CTCP) Hùng Vương (HVG) của “vua cá tra” Dương Ngọc Minh vừa được kiểm toán soát xét. Kết quả chênh lệch quá lớn so với báo cáo do công ty tự lập trước đó khiến nhiều nhà đầu tư “ngã ngửa”.
Theo đó, kiểm toán đã điều chỉnh hàng loạt chỉ tiêu tài chính của HVG như doanh thu thuần giảm 288 tỷ đồng còn 4.992 tỷ đồng. Đáng lưu ý là các công ty liên doanh liên kết lỗ hơn 11 tỷ đồng thay vì lãi hơn 11 tỷ đồng như báo cáo công ty tự lập. Bên cạnh đó, chi phí quản lý cũng bị điều chỉnh tăng 56 tỷ đồng lên hơn 121,7 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng hơn 50,5 tỷ đồng. Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp âm gần 51 tỷ đồng chứ không phải dương hơn 45 tỷ đồng...
Chung cuộc, HVG bị tăng lỗ thêm 116 tỷ đồng lên gần 380 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Cổ đông công ty mẹ cũng tăng lỗ thêm 208 tỷ đồng lên hơn 377 tỷ đồng. Tổng cộng đến hết quý II/2018, HVG lỗ luỹ kế hơn 697 tỷ đồng, nợ 8.557 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu 2.158 tỷ đồng.
Tình hình tài chính không mấy sáng sủa, nhất là nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn khiến kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty này. Điểm đáng chú ý, đây không phải lần đầu HVG bị kiểm toán điều chỉnh các chỉ tiêu tài chính. BCTC bán niên hai năm liên tiếp trước đó là 2017 và 2016, HVG cũng bị kiểm toán điều chỉnh lần lượt lỗ tăng thêm 140 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 49 tỷ đồng thay vì lãi hơn 308 tỷ đồng.
Lỗ của HVG và cổ đông công ty mẹ tăng mạnh lần lượt 116 tỷ đồng và 208 tỷ đồng sau soát xét |
HVG cho biết, tập đoàn đang trong quá trình tái cơ cấu. Trong đó, công ty phải bán 100% vốn tại Thực phẩm Sao Ta (ghi nhận lãi hơn 213 tỷ đồng); thoái hơn 50% vốn tại Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (ghi nhận lãi hơn 187,2 tỷ đồng); thanh lý lô đất 765 Hồng Bàng, TP.HCM tại công ty con (ghi nhận lãi hơn 229 tỷ đồng), đóng cửa một số cửa hàng, nhà máy chế biến thủy sản không hiệu quả; thỏa thuận với ngân hàng về vốn…
Mạnh tay với trường hợp cố tình “làm xiếc” số liệu
Trong đợt công bố BCTC bán niên năm nay, hàng loạt doanh nghiệp rơi vào cảnh tương tự CTCP Hùng Vương. Đơn cử như CTCP Xây dựng Sông Hồng (ICG) lỗ tăng thêm 26% lên 7,2 tỷ đồng sau soát xét (cùng kỳ lãi 75 triệu đồng). Hay CTCP An Trường An (ATG) từ lãi nhẹ sang lỗ hơn 5,7 tỷ đồng sau soát xét do kiểm toán điều chỉnh tăng chi phí quản lý từ hơn 693 triệu đồng lên hơn 6 tỷ đồng; tăng chi phí lãi vay từ 218 triệu đồng lên 607,5 triệu đồng. Bên cạnh khoản lỗ lũy kế 10 tỷ đồng, CTCP Coma 18 (CIG) bị giảm lợi nhuận 6 tỷ đồng so với BCTC tự lập trước đó. CTCP Tập đoàn Đại Châu (DCS), lãi ròng bị giảm 69%, còn 1,3 tỷ đồng…
Giá lao dốc, cổ phiếu bị kiểm soát Từ giữa tháng 6/2017, cổ phiếu HVG bị đưa vào diện cảnh báo. Ngày 19/1, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HSX) đã đưa HVG vào diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 và 2017 lỗ 49,3 tỷ đồng và lỗ 712,96 tỷ đồng. Sau khi nhận được báo cáo tài chính bán niên 2018 của HVG, HSX tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát với cổ phiếu này. Giá cổ phiếu HVG giảm mạnh từ trên 5.800 đồng thời điểm công bố báo cáo soát xét về còn 3.450 đồng hiện nay. Do vi phạm công bố thông tin, ATG đã bị đưa vào diện cảnh báo từ 6/8 vừa qua. Cổ phiếu ATG cũng “tuột dốc” kể từ giữa tháng 9/2017 tới nay, từ trên 4.000 đồng hiện còn 1.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Với cổ phiếu ICG, sau khi công bố BCTC bán niên và giải trình chênh lệch, chỉ vài phiên giao dịch, giá ICG liên tục giảm từ 6.800 đồng về còn 6.500 đồng/cổ phiếu. |
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, các sai lệch giữa BCTC trước và sau kiểm toán của doanh nghiệp thường là những số liệu liên quan đến các ước tính kế toán như: Trích lập dự phòng, khấu hao, phân bổ, hàng tồn kho, hay ghi nhận doanh thu chi phí không đúng niên độ… Tuy nhiên, ngoài lý do về chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm của bộ phận kế toán, luật sư Hà cho rằng, ý thức minh bạch của doanh nghiệp chính là vấn đề đáng bàn. “Nhiều doanh nghiệp trên sàn có động thái can thiệp vào BCTC để “làm đẹp” hồ sơ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, vay vốn, chứng minh năng lực tài chính với đối tác, khách hàng”, ông Hà nhận định.
Ngoài ra, dẫn quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 60, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, nếu doanh nghiệp bị lỗ trong 3 năm liên tiếp sẽ bị buộc hủy niêm yết, ông Hà không loại trừ khả năng doanh nghiệp tìm cách “làm đẹp” số liệu tài chính để không bị thua lỗ triền miên, dẫn đến bị buộc phải rời sàn. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp cố ý “nhào nặn” số liệu thì chế tài xử lý hiện mới chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính.
“Để thông tin đến với nhà đầu tư được rõ ràng, chính xác hơn, theo tôi, cần mạnh tay với những doanh nghiệp thường xuyên sai phạm để đảm bảo tính răn đe, giúp thị trường chứng khoán ngày một minh bạch hơn”, ông Hà nêu quan điểm. Đồng thời, luật sư này cũng cho rằng, cần tổ chức thường xuyên hơn nữa các cuộc hội thảo hoặc tọa đàm về các sai sót thường gặp trong việc lập BCTC của các doanh nghiệp niêm yết và đại chúng. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ có thể tránh được những sai sót trong việc lập BCTC.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận