Theo Ria Novosti, Nga đang chuẩn bị thiếp lập hệ thống trao đổi tin nhắn văn bản giữa phi công và điều độ viên không lưu (ngoài phương pháp liên lạc vô tuyến).
Hiệp hội “Vận tải và hậu cần kỹ thuật số Nga” (CTL) cho biết, hiện nay, phương tiện tương tác duy nhất giữa phi công và điều độ viên không lưu là giao tiếp bằng giọng nói qua liên lạc vô tuyến.
Ở khu vực châu Âu, Hoa Kỳ và châu Á hiện đang áp dụng công nghệ giao tiếp không dùng giọng nói theo kênh liên lạc kỹ thuật số.
Khi công nghệ này được áp dụng tại không phận Liên bang Nga, các điều độ viên và phi hành đoàn có thể trao đổi tin nhắn kỹ thuật số được hiển thị trên màn hình ở dạng văn bản. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết việc liên lạc qua kênh thoại analog vẫn được giữ lại.
Từ 2020 sẽ bắt đầu thiết lập các hành lang hàng không kỹ thuật số, nhằm tăng cường tính an toàn và chính xác về lịch trình các chuyến bay, đảm bảo tính cạnh tranh của không phận của Nga đối với các chuyến bay quá cảnh và giảm mức chi phí nhiên liệu.
Giai đoạn đầu tiên của dự án là tạo ra mạng lưới thông tin dẫn đường hàng không quốc gia và các trạm liên lạc kỹ thuật số mặt đất chuyên dụng do Nga sản xuất để tương tác với điều độ viên và phi công, đây chính là cơ sở hạ tầng của các hành lang không lưu kỹ thuật số.
Ông Viktor Solomentsev, trưởng nhóm công tác CTL, Phó Tổng giám đốc công ty Azimut cho biết, Tổng công ty nhà nước về tổ chức giao thông hàng không tại Nga và công ty Azimut sẽ thiếp lập một khu vực thử nghiệm trong năm nay trên không phận Moscơ và St. Peterburg.
Sau đó, tất cả các tuyến bay quốc tế sẽ áp dụng công nghệ này, trước hết là các tuyến bay xuyên Siberia tuyến Cực Bắc và tuyến phía Đông. Theo nhà chức trách Nga, hình thức tương tác kỹ thuật số giữa điều độ viên và phi công sẽ giúp tăng cường an toàn cho các chuyến bay, nâng cao năng lực vận tải hàng không, cũng như cung cấp các dịch vụ dẫn đường hàng không liền mạch, không bị gián đoạn, giảm tải công việc cho phi hành đoàn và bộ phận điều độ kiểm soát không lưu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận