Nhiều lo ngại về các biện pháp trừng phạt mà phương Tây mới áp đặt nhằm vào Nga sẽ khiến căng thẳng miền Đông Ukraine gia tăng. |
Sẽ có biện pháp đáp trả
Trong đó, 14 cá nhân và tổ chức của Nga cùng 6 nhân vật của Cộng hòa Luhansk và Donetsk tự xưng ở miền Đông Ukraine bị cáo buộc ủng hộ lực lượng đòi độc lập ở Ukraine, 2 người Ukraine bị cáo buộc có dính líu tới cựu Tổng thống Ukraine Victor Yanukovich. Ngoài ra, 12 ngân hàng, nhà máy và các công ty khác của Nga cũng bị Mỹ bổ sung vào danh sách trừng phạt với cáo buộc có “liên quan tới Crimea”. Các cá nhân và tổ chức trong danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ sẽ bị phong tỏa tài khoản, bị cấm giao dịch với công dân và các công ty Mỹ.
Đại diện Bộ Tài chính Mỹ cho biết, động thái này thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine và sẽ không rút lại các biện pháp trừng phạt cho đến khi Nga thực thi đầy đủ cam kết thỏa thuận hòa bình Minsk, bao gồm việc hồi trả quyền kiểm soát cho Ukraine đối với đường biên giới quốc tế với Nga.
Ngay lập tức, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố, Mỹ đang thi hành chính sách mâu thuẫn và thù địch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ song phương. Ông Peskov cũng nhấn mạnh sự tiếp tục của một “quan điểm không thân thiện”. Moscow sẽ phân tích quyết định mà Mỹ vừa thông qua, sau đó sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả.
Các biện pháp trừng phạt trên được đưa ra một ngày, sau khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định kéo dài lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thêm 6 tháng nữa (tới ngày 31/7/2016) liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Lệnh trừng phạt chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực như tài chính, dầu mỏ và các lĩnh vực quân sự cũng như các cá nhân cụ thể.
Phản ứng trái chiều
Nhiều nhà quan sát cho rằng các biện pháp trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến trình hòa bình đang đạt được gần đây tại Ukraine. Hôm qua, Đại diện nước cộng hòa nhân dân tự xưng Luhansk cho rằng, quyết định trừng phạt nhằm vào Nga thể hiện thái độ đối đầu của Mỹ với tiến trình hòa bình tại Donbass. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, quyết định của Mỹ và EU sẽ khuyến khích Ukraine vi phạm thỏa thuận hòa bình Minsk.
Bản thân EU thừa nhận rằng các biện pháp chống Moscow cũng gây tác động tiêu cực với cả nền kinh tế châu Âu.
Cùng ngày, tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten (Đức) nhận định: chính sách của phương Tây không thúc đẩy quá trình khắc phục khủng hoảng ở Ukraine. Việc gia hạn biện pháp trừng phạt sẽ chỉ kích động chính sách hiếu chiến của chính quyền Kiev. Có thể dễ dàng nhận thấy, càng nhận được sự ủng hộ của phương Tây, Kiev càng đưa ra những phát biểu hiếu chiến. Trong khi đó, Moscow đã nỗ lực giải quyết xung đột và luôn luôn để ngỏ đối thoại.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa ra chỉ thị phải thu từ Ukraine tất cả các khoản nợ liên quan tới khoản vay 3 tỷ USD (đáo hạn ngày 20/12), bao gồm các hình phạt đối với các khoản thanh toán trễ, đồng thời yêu cầu phải thuê luật sư và chuẩn bị khiếu kiện để thu hồi khoản tiền này. Trước đó, Nội các Ukraine hôm 18/12 áp đặt lệnh cấm thanh toán các khoản nợ 3 tỷ USD cho Nga. |
Trong khi đó, Nghị sĩ Đức Sahra Wagenknecht nhận định, gia nhập EU sẽ không giúp ích được gì cho Ukraine mà sẽ dẫn đến sự phân cực trong nội các và không thể cải thiện sự phồn vinh của nước này. Đón nhận thêm các quốc gia yếu kém là không hợp lý, khi điều này cũng chẳng giúp ích gì cho họ. “Các kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy việc các quốc gia chậm phát triển gia nhập Eurozone thường dẫn đến sự phân cực cũng như sụt giảm dân số”, bà Wagenknecht nói.
Tổng thống Nga Putin mới đây trấn an những lo ngại khi các biện pháp trừng phạt kéo dài có thể tác động đến cuộc sống của người dân, đồng thời cam kết chính phủ sẽ hỗ trợ cho những ngành bị ảnh hưởng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận