Thùy Dung |
Bất ngờ giải nghệ ở tuổi 23 khi đang là tay vợt nữ số 1 Việt Nam, Thùy Dung chuyển sang kinh doanh. Thế nhưng khi đã là bà chủ của hệ thống nhà hàng có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, “nữ hoàng banh nỉ” lại gây sốc khi gác lại tất cả để làm một biên tập viên và MC truyền hình.
Từ một người học việc, sau ba năm, người đẹp tennis đã trở thành một gương mặt nổi bật trên lĩnh vực truyền thông vốn đầy khác lạ với dân thể thao.
“Nữ hoàng” bỏ vị trí độc tôn ra thương trường
Nếu tiếp tục đeo đuổi nghiệp tennis, chắc chắn đến giờ tài năng sinh năm 1987 từng lọt Top 1.000 đơn nữ thế giới này vẫn có thể trụ vững ở vị trí số 1 Việt Nam. Trong suốt bảy năm, kể từ ngôi vô địch quốc gia đầu tiên ở tuổi 16, Dung hoàn toàn vô đối tại các sân chơi quốc nội, cũng như là tay vợt Việt Nam duy nhất có khả năng vươn ra quốc tế. Thế nên, cả làng banh nỉ đã dậy sóng khi Dung bất ngờ chia tay sân đấu ở tuổi 23 khi đang ở đỉnh cao phong độ, bỏ lại niềm đam mê lớn, vị thế độc tôn, cùng bao công sức và số tiền khủng mà gia đình đầu tư đã lên tới gần chục tỷ đồng.
Mọi người đều nuối tiếc, còn bản thân chị lại rất thanh thản. Chị hiểu rằng dù có cố gắng cũng không thể đua tranh với các đối thủ thế giới, bởi những hạn chế về thể chất, về xuất phát điểm muộn màng trên con đường chuyên nghiệp, gắn với cách nghĩ cách làm bất cập của banh nỉ Việt. Quan trọng hơn, đó là thời điểm có lẽ không thể phù hợp hơn để cô gái Hà thành rẽ sang con đường mới mà mình đã nung nấu từ lâu: Mở nhà hàng ăn vặt cao cấp, tấn công vào giới trẻ Sài thành.
Ngoài sự xinh đẹp, kiến thức cùng kinh nghiệm thể thao, Thùy Dung còn có lợi thế lớn khi có thể sử dụng tốt tới ba ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Thái). Đây chính là một thành quả đặc biệt mà chị có được qua nhiều năm xuất ngoại tập huấn thi đấu liên tục, và bản thân rất có ý thức trau dồi. |
Năm 2010, từ số vốn 200 triệu đồng được bố mẹ cho “vay”, Dung đã một mình vào TP. HCM cùng một người bạn mở một nhà hàng chuyên đổ ăn vặt. Điều đặc biệt, chị trực tiếp chuẩn bị và thực hiện toàn bộ các hoạt động của nhà hàng, từ thuê địa điểm, tuyển nhân viên, thiết kế mô hình đến xây dựng thực đơn, chế biến và phục vụ khách.
Nhờ đánh đúng vào loại hình đang rất được ưa chuộng với chất lượng cao, lại thêm danh tiếng đặc biệt của bà chủ nên nhà hàng của Dung lập tức hút khách. Đến năm 2013, qua ba năm, Dung đã sở hữu một chuỗi nhà hàng AIYA chuyên đồ ăn vặt cao cấp gồm ba chi nhánh, cùng hai nhà hàng kem sữa trên đất Sài thành đều rất đông khách. Theo tiết lộ, mỗi tháng bà chủ trẻ có lợi nhuận tối thiểu 100 triệu đồng.
Từ bà chủ tiền tỷ tới MC và biên tập viên truyền hình
Năm 2013, giữa lúc việc kinh doanh đang phát đạt và bận rộn nhất, Thùy Dung lại gây ngạc nhiên lớn khi liên tục xuất hiện trên truyền hình với vai trò một MC rồi biên tập viên truyền hình. Đáng nói hơn, chị không chỉ tham gia cộng tác mà còn cập bến hẳn VTV với mục tiêu phấn đấu làm một MC giỏi ở lĩnh vực thể thao.
Nhập cuộc với những lợi thế riêng như “vốn liếng thể thao”, sự quen thuộc rồi kể cả ngoại hình, giọng nói song cuộc thử sức mới của Dung không dễ dàng chút nào. Có rất nhiều cái mới chị phải làm quen, như sự chặt chẽ về thời gian, quy trình sản xuất hay các đặc thù của truyền hình. Thời gian đầu, Dung đã luôn gặp khó, chính xác hơn còn thất bại, vì vẫn mang tư duy và cung cách của một tay vợt hiếu thắng vào công việc. Phải sau vài cú vấp, chị mới vỡ ra vấn đề để điều chỉnh và thích nghi dần.
Như lời Dung, không còn cách nào khác, chị phải khởi động lại toàn bộ từ vị trí của một người học việc đúng nghĩa. Hoa khôi tennis ngày nào cũng bạc mặt từ sáng sớm đến tối mịt, hết ở trường quay lại xuống hiện trường, với đủ thứ việc lớn nhỏ rồi về nhà còn tranh thủ xem truyền hình nước ngoài, đọc sách để tham khảo.
Cuối cùng, người học việc ấy đã khẳng định được mình. Các chương trình mà Dung làm MC, tham gia biên tập đều đặn lên sóng với hình ảnh một MC thể thao duyên dáng và cá tính, chất giọng trầm ấm, cách dẫn tự nhiên, hiện đại. MC gốc tuyển thủ này cũng thực hiện rất “ngọt” nhiều talk show cả trực tiếp lẫn gián tiếp, không chỉ ở sở trường tennis mà còn rất đa dạng. Chị cũng đã trực tiếp triển khai thành công nhiều phóng sự gây tiếng vang, điển hình như đề tài về mô hình kết hợp giữa ngành thể thao với địa phương, gia đình trong việc phát hiện, đào tạo tài năng hay góc khuất phía sau chuyện các trẻ em thành phố không mặn mà với con đường thể thao chuyên nghiệp, cho dù rất có năng khiếu.
Qua ba năm, Thùy Dung từ một vận động viên danh tiếng trở thành một MC, biên tập viên nổi bật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận