Theo thông tin phía Đức đưa ra sau cuộc trao đổi giữa hai nguyên thủ, Tổng thống Putin đồng ý rằng việc thanh toán khí đốt xuất khẩu của Nga trước mắt có thể thực hiện bằng đồng Euro hoặc USD qua giao dịch với ngân hàng Gazprombank, bên không chịu các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Gazprombank sau đó sẽ chuyển đổi việc thanh toán sang đồng ruble.
Phát ngôn viên Chính phủ Đức cho biết, lúc đó, ông Scholz không đồng ý với quy trình này nhưng đã yêu cầu Moscow thông tin bằng văn bản giải thích rõ ràng quy trình chuyển đổi tiền tệ.
Và phía Nga cho biết “chuyên gia của hai nước sẽ thảo luận thêm”.
Cơ sở thuộc dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 (hiện đã bị phía Đức ngừng quá trình cấp phép) tại Lubmin, Đức. Ảnh - AP
Theo thông báo từ Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã giải thích với Thủ tướng Scholz lý do Chính phủ Nga yêu cầu một số quốc gia thanh toán khí đốt bằng đồng ruble là “dựa trên thực tế những vi phạm luật pháp quốc tế trong đó dự trữ ngoại hối nhà nước của Ngân hàng Nga bị các quốc gia thành viên EU đóng băng".
Tuy nhiên, ông Putin khẳng định việc chuyển đổi loại tiền thanh toán sẽ không gây bất lợi cho các nhà nhập khẩu năng lượng của Đức.
Đức đang phụ thuộc vào Nga tới hơn 50% lượng khí đốt và 1/3 lượng dầu mỏ nhập khẩu. Thủ tướng Scholz từng đưa ra nhận định nguồn cung năng lượng từ Nga “cần thiết” với nền kinh tế Đức. Do đó, Đức khá chần chừ trong việc trừng phạt lĩnh vực năng lượng Nga so với Mỹ và một số quốc gia châu Âu khác.
Tuy nhiên, Đức hỗ trợ vũ khí cho Ukraine và ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine. Do đó, Đức bị Moscow coi là một trong số các quốc gia “không thân thiện” và sẽ phải thanh toán khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng ruble.
Nga đã cảnh báo, các quốc gia từ chối yêu cầu này sẽ bị cắt nguồn cung.
Song, theo thông báo mới nhất, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết quá trình chuyển đổi sang thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble sẽ cần thời gian vì "lý do kỹ thuật”.
Như vậy, quy định này sẽ chưa có hiệu lực ngay từ ngày 31/3 như dự kiến ban đầu, qua đó, các đối tác nhập khẩu sẽ có thời gian để điều chỉnh.
Các quốc gia “không thân thiện” là những nước đã áp đặt các lệnh trừng phạt và đóng băng dự trữ ngoại hối nhà nước của Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các quốc gia này bao gồm Mỹ, các nước thành viên EU, Canada, Australia, Nhật Bản và một số quốc gia khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận