Xã hội

Ngại thi hành án dân sự, nhờ xã hội đen đòi nợ

27/02/2014, 19:02

Hoạt động thi hành án dân sự đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp phải nhờ cậy xã hội đen để đòi nợ.

Hoạt động thi hành án dân sự đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp phải nhờ cậy xã hội đen để đòi nợ.

Đó là khẳng định của luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư Hà Nội) tại hội thảo “Luật Thi hành án dân sự - góc nhìn từ doanh nghiệp” do Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Bộ Tư pháp tổ chức sáng 26/2.
 
Tại hội thảo, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế T.Ư cho rằng, môi trường kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nếu như tư pháp không bảo đảm được các quy định của pháp luật được xét xử và kết luận một cách có căn cứ, minh bạch, công bằng. Đi vào vụ việc cụ thể là phiên tòa xét xử sơ thẩm siêu lừa Huyền Như mới đây, ông Doanh cho rằng, tác động kết quả phiên tòa này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
 

Trong số 15 doanh nghiệp khi được hỏi, có tới 7 doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình xác minh tài sản, kê biên, bán tài sản; Thủ tục thi hành án phức tạp; 7 doanh nghiệp thấy bản án khó thi hành. Và 3/15 doanh nghiệp nếu gặp vụ việc tương tự sẽ không khởi kiện nữa.

Theo quan điểm của TS. Lê Đăng Doanh, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm sắp tới về vụ án siêu lừa Huyền Như, tòa vẫn kết luận như phiên sơ thẩm thì nhiều khách hàng sẽ “chạy trốn” khỏi VietinBank và có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng về ngân hàng. “Sổ tiết kiệm to đùng 250 tỷ đồng có đầy đủ giấy tờ, chữ ký mà tòa lại bảo VietinBank không có trách nhiệm gì. Nếu người ta suy luận ra, VietinBank còn như thế thì các ngân hàng khác sẽ ra sao? Từ đó sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng về ngân hàng hết sức nghiêm trọng, bởi khách hàng sẽ không được đảm bảo và mất niềm tin vào ngân hàng”, TS. Doanh cho biết.  

“Đối với vụ án Huyền Như, kết luận của tòa sẽ gây ra một gánh nặng rất lớn đối với việc thi hành án dân sự. Tôi cho rằng, nếu tòa phúc thẩm vẫn giữ nguyên kết quả đó thì đến 10 luật thi hành án dân sự cũng không thể thi hành được”, TS. Doanh khẳng định.

Trong khi đó, luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hoạt động thi hành án dân sự đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp phải nhờ  cậy nhờ xã hội đen để đòi nợ. “Có những bản án kéo dài hàng chục năm, thậm chí cả đời không được thi hành khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp bức xúc, mất lòng tin vào hệ thống pháp luật. Việc thi hành án kém hiệu quả khiến nhiều doanh nghiệp tìm đến xã hội đen với chi phí lớn để bảo đảm quyền lợi là không ít. Điều này ảnh hưởng đến trật tự xã hội, gây tâm lý lo lắng, thiếu an toàn cho doanh nghiệp”, ông Tiền nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Sơn - đại diện của Công ty Ready Mix cho biết, ngành tư pháp cần phải có những quy định chặt chẽ, chi tiết, các chế tài phải rõ ràng trong các luật dân sự và hình sự, bởi quy định hiện hành vẫn còn “lỗ hổng” khiến nhiều doanh nghiệp khó xác định đâu là vấn đề dân sự và hình sự. Theo ông Sơn, Luật Thi hành án dân sự hiện nay khó khả thi bởi đơn vị thi hành án họ làm hay không làm là quyền của họ. “Tôi đề nghị phải có những biện pháp rất rõ ràng và chế tài cụ thể, trường hợp như thế nào là dân sự, như thế nào thì chuyển thành hình sự. Chúng tôi hiện cũng có nhiều hợp đồng cho vay khó đòi nhưng đưa ra tòa thì lại tốn kém thêm, tòa xử xong chuyển sang thi hành án lại mất thêm khoản tiền nữa mà cuối cùng vẫn không đòi được”, ông Sơn cho hay.

Đình Quang
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.