Thật lạ, giờ chuyện xây nhà, trồng cây siêu tốc… để chờ đền bù giải phóng mặt bằng đã không còn hiếm. Thế nhưng, vẫn có người tự nguyện hiến cả nghìn m2 đất làm đường giao thông.
1. Những năm qua, khi Chương trình xây dựng nông thôn mới được phát động, nhiều hộ dân khắp mọi miền đã góp sức cùng Nhà nước biến những vùng đất hẻo lánh, đi lại khó khăn trở nên khang trang, đường sá thuận lợi hơn.
Mới đây, nhiều phóng viên đã tìm đến phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài (Bình Phước) để gặp một người nông dân hiến 4.000m2, chưa kể trên đất hiện hữu có vườn cao su đang mùa lấy mủ để cùng chính quyền làm nên một con đường mới. Lão nông được người dân “gán” cho biệt danh “lão gàn” ấy là ông Phùng Tiến Quang.
Ông Quang đã bàn bạc với vợ con thống nhất chặt cây, hiến đất mà không nhận tổng số tiền thiệt hại lên tới gần 4 tỷ đồng để nắn lại con suối Tà Băng. Để mỗi năm, nước suối không dâng lên làm chết cả trăm ha cây hoa màu, bà con không còn cảnh đi lại ngập lụt, vất vả vì có đường mới.
Không chỉ riêng ông Quang mà ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng có những gia đình sẵn sàng di dời nhà ở, hiến đất làm đường. Cá nhân họ dù bị thiệt hại nhưng bù lại, cơ hội để có cuộc sống tốt đẹp lại rộng mở hơn trước rất nhiều. Nhiều người khác cũng được hưởng lợi.
2. Trái với việc làm của lão nông ở Bình Phước, tại Bình Thuận, tình trạng người dân ồ ạt trồng cây, xây dựng công trình trái phép trong hành lang cao tốc Bắc - Nam (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc huyện Bắc Bình) chờ đền bù diễn ra tràn lan, trong khi chính quyền địa phương chưa có giải pháp ngăn chặn kịp thời…
Những căn nhà méo mó bằng tôn dựng lên không người ở, những vườn cây bỗng nhiên mọc lên như mạ… Cứ thế, người dân để đó chờ đền bù.
Việc ngăn chặn tình trạng trồng cây lâu năm trên phạm vi giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc luôn gặp nhiều khó khăn do người dân viện lý do thời điểm họ trồng chưa có thông báo thu hồi đất. Do vậy, họ có quyền trồng cây trên đất canh tác của mình. Khi nào địa phương có thông báo thu hồi đất mới có cơ sở để kiểm đếm quản lý.
Không chỉ ở Bình Thuận, Gia Lai, khi tuyến đường Hồ Chí Minh tuyến tránh TP Pleiku đang trong giai đoạn hình thành cũng xảy ra tình trạng hàng chục hộ dân xây nhà kiên cố, công trình hạ tầng để trục lợi đền bù.
Tại dự án xây dựng tuyến đường điện 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2, mặc dù biết chính xác tuyến đường điện đi qua, nhưng ông Nguyễn Hoà, khi còn làm Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng đã tham mưu cho UBND huyện cấp giấy phép xây dựng cho 6 hộ dân ở thôn 4, thị trấn Phú Hòa. Trong số ấy có mẹ ruột của ông Hòa.
Tất cả đều biết rõ những công trình này xây lên rồi cũng phải đập bỏ. Những vườn cây trồng lên rồi cũng sẽ bị nhổ đi. Nhưng họ vẫn làm vì có thể trục lợi đền bù. Dù tiền đền bù cũng là tiền thuế của chính họ và nhiều người dân khác đang ngày đêm đóng góp xây dựng đất nước này.
3. Vậy, làm thế nào để không còn tình trạng người thì hiến đất, người thì trục lợi?
Ngoài việc chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng phải nghiêm minh, làm việc công tâm, thì cần nhanh chóng khắc phục tình trạng quy hoạch thiếu và yếu.
Sự chậm chạp trong chuyển đổi của ngành quy hoạch sẽ khiến đất nước không chỉ trả giá ngày một, ngày hai mà là cả tầm nhìn vài chục năm.
Những công trình trọng điểm quốc gia luôn phải tốn một chi phí rất lớn cho đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, công tác quy hoạch, cắm mốc giải phóng mặt bằng đa phần thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, cứ dự án đến đâu mới làm đến đó. Đã có biết bao nhiêu con đường, những công trình Nhà nước hình thành buộc phải sử dụng biện pháp cưỡng chế đất đai; những cuộc khiếu kiện kéo dài cả thập niên vẫn không có kết quả chung giữa lợi ích người dân và lợi ích quốc gia.
Trong xu thế đất nước ngày một phát triển, nếu không có tầm nhìn để quy hoạch sớm, thì trong tương lai gần những công trình cao tốc khó có thể hoàn thành đúng tiến độ. Sẽ có những con đường ngoằn ngoèo không phải do địa hình mà do những công trình dân sinh không thể dùng biện pháp cưỡng chế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận