Vườn hoa trên đường lên núi Hàm Rồng. |
Đặt chân đến trung tâm thị trấn Sa Pa thơ mộng, hữu tình, ngước mắt về phía xa, du khách sẽ trông thấy mỏm đá vươn cao tựa như đầu rồng thoắt ẩn thoắt hiện giữa làn mây trắng mờ ảo. Đó là núi Hàm Rồng, nàng tiên xinh đẹp của thành phố trong sương.
Hàm Rồng hùng vĩ với sự tích bí ẩn
Xuất phát từ thành phố Lào Cai khi trời tờ mờ sáng, men theo tuyến đường huyết mạch QL4D với những khúc quanh co, uốn lượn lưng chừng núi khoảng 33km, một tiếng sau, chúng tôi đặt chân tới thị trấn Sa Pa. Không khí mát lành, trong trẻo với chút gió lành lạnh mang theo hương hoa đặc trưng của mùa đông miền núi cao như chào mừng những vị khách đến với mảnh đất thơ mộng.
Nằm ngay giữa trung tâm “thành phố trong sương”, phía sau khách sạn Hàm Rồng, một dãy núi cao khoảng 1.800m so với mực nước biển với dáng vẻ uốn lượn “rồng cuộn hổ ngồi” thấp thoáng sau làn sương mờ ảo, bí ẩn thu hút ánh nhìn là núi Hàm Rồng.
Không phải ngẫu nhiên, ngọn núi này lại mang tên Hàm Rồng. Nếu quan sát kỹ, du khách sẽ nhận thấy hình dáng ngọn núi giống như chú rồng với chiếc đuôi gác lên Cổng Trời (giáp xã Hầu Thào và Sa Pả), đầu rồng nằm ngay thị trấn Sa Pa với “hàm răng rồng” là những mỏm đá khổng lồ hướng về phía Tây Nam đỉnh Hoàng Liên Sơn.
Chị Chảo Thị Mẩy (người dân bản địa) cũng là người đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến đi cho biết, người dân nơi đây vẫn hay rỉ tai nhau về sự tích hòn núi xinh đẹp này. Tương truyền, thuở hồng hoang, trong lúc cơn đại hồng thủy đang ào ạt dâng sóng, có đôi rồng mải quấn quýt nhau mà không hay biết gì. Tới khi choàng tỉnh, hoảng hốt rời nhau rồi quẫy mình bay lên thì không kịp nữa rồi. Rồng nàng, rồng chàng tức thì bị chia cắt mỗi con rời ra một nơi. Cho đến bây giờ, rồng nàng tuy hóa đá nhưng bản năng sinh tồn còn mãnh liệt vẫn cố ngước nhìn theo rồng chàng bên phía Hoàng Liên Sơn ở trời Tây.
Khung cảnh thần tiên giữa núi rừng
Thị trấn Sa Pa xinh đẹp từ núi Hàm Rồng nhìn xuống. |
Để lên được đỉnh núi Hàm Rồng, phải mất gần một giờ đồng hồ leo qua đoạn đường dài hơn một cây số với những bậc đá dẫn qua các khu vườn lan 1, vườn lan 2, Trạm viễn thông Sa Pa, vườn hoa Sa Pa, Sân Mây, Cổng Trời. Một khung cảnh thần tiên hiện lên giữa không gian núi rừng thoáng đãng, tiếng chim hót vang giúp chúng tôi quên đi những mệt mỏi chốn thị thành xô bồ, tấp nập.
Đặt chân đến khu vườn lan 1, bạn có thể ngắm toàn cảnh nhà thờ cổ Sa Pa mà theo lời chị Mẩy giới thiệu nó được coi như biểu tượng của du lịch Sa Pa, địa danh gắn với “thành phố trong sương” từ những ngày đầu mới được khám phá, nay đã gần 100 tuổi ẩn mình bên những rặng sa mu đại thụ. Cả khu vườn với hơn 200 loài lan bốn mùa đang đua nhau khoe sắc tươi thắm mặc tiết trời cuối đông khô lạnh. Đây được coi là địa điểm lý tưởng dành cho những người yêu lan. Bạn có thể thỏa thích ngắm nhìn, chụp ảnh bên những nhành lan kiếm trần mộng hay lan tiêu thân gỗ có hoa dài như chiếc chuông,…
Tiếp tục vượt qua những bậc đá, chúng tôi bắt gặp Trạm viễn thông Sa Pa cao gần 2.000m so với mực nước biển. Ngước ra xa, đỉnh núi Phan-xi-păng cao 3.143m hiện lên sừng sững với những mỏm núi nhấp nhô giữa làn mây bồng bềnh.
Tiếp đến là vườn hoa Sa Pa nằm giữa khu vực chính của khu du lịch sinh thái núi Hàm Rồng. Một bình nguyên thu nhỏ như hiện ra trước mắt với nhiều loài hoa đẹp và độc đáo của xứ lạnh được di thực từ nước ngoài về trồng tại đây như hoa cẩm tú cầu, hoa thược dược đỏ rực hay những đóa mẫu đơn đa sắc cùng hàng trăm cây hoa anh đào Nhật Bản khoe sắc bên cạnh vườn đào phai cổ thụ 30-40 tuổi rực hồng cả góc trời.
Địa điểm có thể giúp bạn ngắm và ghi lại những bức hình toàn cảnh thung lũng Sa Pa huyền ảo thoắt ẩn, thoắt hiện giữa những cụm mây trắng bồng bềnh, trôi lạc theo làn gió đó là sân Mây. Sau giây phút thả hồn ngắm nhìn nàng thơ Sa Pa, chúng tôi băng qua Khu Thiên thạch lâm rộng mênh mang với lớp lớp đá đan xen nhau. Chị Mẩy cho hay: “Người xưa cho rằng, những mỏm đá nhấp nhô kia là những móng vuốt và lông vây của rồng nàng thủy chung, hướng ánh nhìn tiếc nuối, nhớ thương, mong ngóng về rồng chàng phía trời Tây. Tuy nhiên, du khách tới đây có thể thỏa sức sáng tạo hình ảnh khác cho những lớp đá muôn hình vạn trạng kia, cả những câu chuyện thần bí ẩn náu sau hốc đá phía xa xa”.
Lần theo vách đá, địa điểm cuối cùng, chúng tôi tìm đến đó là cổng trời. Lúc này, những tia nắng hiếm hoi của trời đông bắt đầu rọi xuống như tô điểm thêm vẻ đẹp cho nàng rồng đá. Giữa nơi đất trời gặp gỡ, mây quấn quýt làm bạn với đá, tiếng cười khúc khích của những cô gái Dao đi hái lá trở về, thấp thoáng phía xa hình ảnh thiếu nữ H’Mông với chiếc váy xòe thổ cẩm sặc sỡ, phóng tầm mắt nhìn xuống là toàn cảnh thành phố trong sương. Tất cả vừa đủ để tạo nên chất liệu cho một bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp.
Khu du lịch Hàm Rồng rộng gần 150ha đã khai thác triệt để nét hoang sơ của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc. Năm 2009, Dự án Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng được UBND tỉnh Lào Cai cấp phép xây dựng, do Công ty Cổ phần Du lịch cao su Hàm Rồng làm chủ đầu tư. Đến cuối năm 2016, do chậm tiến độ thi công, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của công ty này. Hiện nay, núi Hàm Rồng được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là điểm du lịch của huyện Sa Pa. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận