Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ vừa công bố báo cáo khảo sát lần 3 thực hiện với gần 350 DN và 15 hiệp hội nhằm nhận diện rõ hơn các khó khăn của DN khi dịch bệnh bùng phát lần 2.
Theo đó, kết quả cho thấy, 20% DN cho biết đã phải tạm dừng hoạt động; 76% DN không cân đối được thu chi; 2% DN đã giải thể và chỉ có 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Bên cạnh đó, có khoảng 47% DN phải cắt giảm lao động, tỉ lệ DN cắt giảm trên 50% lao động chiếm 33% số DN trong diện được tham khảo và có trả lời.
Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đến là ngành nông sản, nhựa, công nghệ thông tin... Thậm chí, những ngành vốn được coi là ít chịu ảnh hưởng nhất là bán lẻ, chủ nhiều siêu thị cũng cho biết bị giảm khoảng 50% doanh thu.
Qua thực tế trên, Ban IV đề nghị quá trình làm chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ DN là ưu tiên hàng đầu, chính sách phải nhanh ban hành và điều kiện phù hợp thực tế, được thực thi nhanh.
Cụ thể, gói hỗ trợ tới đây cần tạo động lực cho doanh nghiệp. Thay vì hỗ trợ DN đã kiệt quệ, đổ vỡ thì nên hướng tới chính sách giúp DN tiết giảm dòng tiền chi ra.
Theo đề xuất của của tổ tư vấn thuộc Ban IV, sức chống chịu của phần lớn DN hiện giờ rất mỏng, đặc biệt dòng tiền để duy trì hoạt động đang là vấn đề vô cùng khó khăn, nên đề nghị miễn, giãn, hoãn, giảm các khoản chi bằng các chính sách như giảm thuế thu nhập DN 30% cho tất cả DN trong năm 2020; Miễn nộp phí công đoàn trong năm 2020 và 2021.
Báo cáo cũng đề cập đến việc, Quốc hội có thể xem xét giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020, thậm chí kéo dài sang 2021, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu tiêu dùng sau dịch”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận