Ngày 14/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, sau quá trình trùng tu, điện Thái Hòa sẽ được khánh thành, đón khách tham quan trở lại từ ngày 23/11.
Tại đây, nhiều nghệ nhân, thợ lành nghề đang ngày đêm miệt mài, tỉ mỉ thực hiện các công đoạn trùng tu cuối cùng, sơn son thếp vàng lên hệ thống cột gỗ...
Du khách vào tham quan Đại Nội Huế những ngày này thích thú chiêm ngưỡng điện Thái Hòa trùng tu sắp hoàn thành.
Điện Thái Hòa là được xem là biểu tượng quyền lực của triều Nguyễn. Đây là nơi đặt Bửu Tán ngai vàng triều Nguyễn, cũng là nơi đã diễn ra các hoạt động lễ nghi triều chính của triều đình nhà Nguyễn trong 143 năm tồn tại.
Bửu Tán là cái lộng quý báu, trang trí trên ngai vua, thể hiện sự uy nghi, trang trọng và linh thiêng của không gian vua ngự.
Dưới thời vua Gia Long, Bửu Tán được làm từ vải gấm. Đến năm 1923, nhân dịp lễ “Tứ tuần đại khánh”, vua Khải Định đã cho làm Bửu Tán bằng gỗ thếp vàng để thể hiện sự xa hoa, quyền quý.
Bửu Tán được chạm khắc tinh xảo với hình ảnh chín con rồng uốn lượn, trong đó con rồng lớn nhất ở chính giữa miệng ngậm chữ “Thọ”.
Hình tượng điêu khắc "cửu long" tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng, sự trường thọ và phúc đức.
Quanh các góc có tua rủ mềm mại, uyển chuyển, tạo nên tổng thể vô cùng lộng lẫy và oai nghiêm.
Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích Cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay. Ngôi điện này lưu giữ hệ thống văn thơ theo hình thức trang trí “nhất thi, nhất họa” độc đáo đã được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Điện Thái Hoà và Bửu Tán cũng là điểm nhấn kiến trúc độc đáo, là nơi lưu giữ trọn vẹn giá trị văn hóa của triều Nguyễn trong lòng Quần thể di tích Cố đô Huế.
Điện Thái Hòa được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung Môn. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay.
Trước tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, mặc dù qua nhiều lần tu bổ, trùng tu nhưng ngôi điện đã bị xuống cấp nghiêm trọng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa với tổng mức đầu tư hơn 128 tỷ đồng.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trùng tu điện Thái Hòa không chỉ đơn thuần là tái hiện một công trình kiến trúc, mà còn là hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa được thực hiện từ tháng 11/2021 và dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2025. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các đơn vị triển khai dự án, sau gần 3 năm trùng tu, điện Thái Hòa hiện nay đang hoàn thành những công đoạn cuối và sẽ được khánh thành vào ngày 23/11 tới đây – cũng là dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.
Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế Với những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh được UNESCO vinh danh, đến nay Thừa Thiên - Huế là tỉnh thành duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản thế giới, gồm 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận