Đến với Phú Quốc ngày nay, bên cạnh những địa điểm du lịch sang trọng hiện đại được các tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư, thu hút lượng lớn khách du lịch khắp nơi đổ về vui chơi, nghỉ dưỡng thì du lịch khám phá ở những khu rừng nguyên sinh, cắm trại qua đêm trên đỉnh núi ngắm nhìn trọn vẹn đảo ngọc đang hút hồn du khách.
Ngọn “Tiên Sơn Đỉnh” nằm ở Hàm Ninh cách trung tâm Dương Đông khoảng 10km. “Tiên Sơn Đỉnh” ngọn núi cao 550m so với mặt nước biển, để lên đỉnh du khách phải mất gần hai giờ đồng hồ, trải qua nhiều chặng dừng chân và “thở ra khói”. Sau khi băng mấy trăm mét đường bằng phẳng từ tỉnh lộ 46, ngước nhìn đích đến “trùng trùng điệp điệp” cây cổ thụ xanh mướt và ngán lối đi là những tảng đá to nhô về phía biển. Ảnh: Duy Tường
Đặt chân đến Phú Quốc, từ sân bay du khách di chuyển khoảng 3km theo hướng xã Hàm Ninh để chinh phục ngọn núi “Tiên Sơn Đỉnh”.
Vượt chặn đường dài, qua đoạn dốc thẳng đứng, len lỏi qua những phiến đá đầy rêu xanh và dương xỉ. Cùng với đó là những cây đa cổ thụ sừng sững trên tảng đá khổng lồ tua tủa rễ vươn dài xuống đất tìm sự sống. Ảnh: Duy Tường
Khi đến đỉnh, du khách thỏa thích chọn view đẹp tạo dáng chụp ảnh. Một du khách đến từ tỉnh Đắk Nông thích thú: “Thật là tuyệt khi đứng giữa đất trời, dang rộng cánh tay hít bầu không khí trong lành, nghe tiếng chim hót. Ngắm nhìn xa xa những “con chim sắt” lần lượt hạ, cất cánh. Ảnh: Duy Tường
Dọc đường mòn và trên đỉnh núi, du khách sẽ thấy một số bao đựng rác thải nhựa dành cho du khách bỏ rác thải. Các dây thừng và thang sắt, thang cây tđể leo lên phiến đá cao. Tất cả những thứ “tiện ích” mà du khách thấy và được sử dụng miễn phí được thi công bởi người dân bản địa, mến khách. Ảnh: Duy Tường
Truyện xưa ở Phú Quốc kể lại rằng, có một ông lão rất là hiền từ, nhân hậu sống trong một cái hang đá trên đỉnh ngọn núi này. Ông đi làm rẫy trồng chuối và tu hành. Ngay cả người trong vùng cũng rất là hiếm khi gặp ông xuống núi. Nếu ông cần đến thực phẩm thì ông sẽ gánh một gánh củi xuống núi, để đó rồi về. Người dân sẽ mang thực phẩm đến rồi để lại ở để đó và gánh củi về dùng...
.... Người dân đổi thực phẩm gì ông cũng nhận không quan trọng nhiều ít. Dân chúng ở đây cũng chẳng biết tên ông là gì, họ gọi ông là ông Đạo Đụn. Thế rồi lâu lâu, người dân không còn thấy ông Đụn xuống núi nữa. Họ liền theo con đường mòn đến hang đá, họ thấy ông Đạo Đụn đã chết từ lâu rồi. Người dân cho rằng ông đã biến thành Tiên. Ảnh: Duy Tường
Để tận hưởng hết cảnh đẹp ở “Tiên Sơn Đỉnh”, du khách dựng lều ngủ qua đêm, để cảm nhận cuộc sống thanh bình, ngắm trăng, đếm sao trời chờ sáng mai ngắm bình minh, đón chào tia nắng đầu tiên. Ảnh: Duy Tường
Leo núi, khám phá, trải nghiệm, cũng là một cách tái tạo năng lượng tích cực cho cuộc sống vốn xô bồ hàng ngày. Du khách sẽ cảm nhận, mọi mệt nhọc đều tan biến khi đến với Phú Quốc. Ảnh: Duy Tường
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận