Cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tuần tra phòng chống dịch Covid-19 trong đêm đông
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Xin mượn hai câu thơ trong bài “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng để tả về đường tuần tra của cán bộ, chiến sĩ chốt canh phòng chống dịch Covid-19, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh).
Mướt mồ hôi trong đêm đông 7 độ C
Thiếu tá Trần Văn Sông, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh) ái ngại nhìn tôi trước lời đề xuất được đi tuần và cùng ngủ lại một đêm với chốt kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19.
Sau bữa ăn tối, tôi được các cán bộ, chiến sĩ của trạm tiễn ra đến tận cửa. Trước lúc chia tay, Thượng úy, Phó Trạm trưởng đưa tôi chiếc mũ quân nhân rồi dặn: “Trong rừng lạnh lắm, đồng chí đội thêm vào cho ấm. Nhớ là phải hết sức cẩn thận, không được chủ quan. Lạnh hoặc mệt quá thì phải báo ngay để anh em đưa vào chòi gác dọc đường gần nhất nghỉ ngơi rồi quay lại”.
Chốt taluy dương nằm trên một con dốc thoai thoải, cách trạm kiểm soát khoảng 1km. Dù được dựng tạm bằng tăng, bạt nhưng rất ngăn nắp và sạch sẽ. Lúc tôi có mặt, các cán bộ, chiến sĩ đã chuẩn bị xong và sẵn sàng lên đường.
Ca tuần của chúng tôi có 5 cán bộ, chiến sĩ do đích thân chốt trưởng, Đại úy Nguyễn Hải Lộc dẫn đầu. Đúng 19h30 xuất phát, tôi như đứa trẻ hớn hở, hồi hộp xen lẫn lo lắng.
Dù được Đại úy Lộc “mách nhỏ”, phải giữ sức vì đường còn rất dài và lắm dốc, nhiều khe nhưng tôi vẫn cứ muốn vượt lên để thấy rõ hơn hình ảnh người lính tiến về phía trước.
Dưới ánh đèn pin, những đôi chân khỏe khoắn dẫm lên những thớ đá sắc lạnh, bước đi dũng mãnh; những ánh mắt long lanh như nhìn xuyên màn đêm đen kịt để kịp phát hiện, chặn bắt những đối tượng vượt biên trái phép, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người dân.
Chút nắng giữa đông vào hồi chiều không đủ làm hanh khô con đường tuần tra. Sình lầy, trơn trượt khiến việc di chuyển khó khăn hơn. Nước lạnh làm đôi chân tôi tê dại, nhưng vẫn bám kịp đoàn.
Đi được khoảng gần 1km thì trước mặt, con đường mòn bị đất đá trên đồi sạt xuống chắn ngang. Nghĩ tới những vụ sạt lở hồi giữa năm 2020 ở miền Trung… tôi thoáng chút ớn lạnh.
Càng lên cao, đường càng hẹp, khúc khuỷu và dốc. Đôi chân tôi bắt đầu đuối dần. Đại úy Nguyễn Hải Lộc phải “tiếp sức” mới vượt qua được các vách đá. Sương mù khiến cho không khí đặc quánh lại, việc hít thở càng khó. Cả 6 anh em mồ hôi nhễ nhại, chảy từng dòng trên trán, tấm áo lót mỏng phía trong cũng đã ướt đẫm trong khi điện thoại báo nhiệt độ ngoài trời xuống 7 độ C.
Càng đi, tôi càng bị tụt lại phía sau, đôi chân nặng nề chỉ muốn khụy ngã. Một cán bộ nở nụ cười hiền hậu: “Thế nào, còn chiến đấu được nữa không…?”.
Gác tình riêng vì sự bình yên của nhân dân
Sau khi nghỉ ngơi, tôi quyết định xuống núi “qua đêm” cùng cán bộ, chiến sĩ chốt taluy âm. Trời càng về khuya, sương càng dày. Từ lá cây, những giọt sương rơi xuống tấm bạt che trên chốt nghe rõ mồn một. Thương đàn gà con anh em tăng gia mới nở chịu rét, Trung úy Bùi Đình Tài cứ trằn trọc không thôi. Anh quyết định dậy cầm đèn pin kiểm tra rồi che chắn lại.
Ngồi kể chuyện mới biết, trước khi được chuyển vào Hà Tĩnh công tác, Trung úy Tài là chiến sĩ Đồn 559 đóng ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Sinh ra ở huyện Diễn Châu, nhưng sau đó anh theo bố mẹ lên huyện miền núi Quế Phong học tập.
Vợ và con (2 tuổi) đang sống cùng ông bà ngoại ở huyện Quỳnh Lưu, thành ra Trung úy Tài thành người “một chốn mà 4 quê”. Vì bận cùng đồng đội chống dịch nơi tuyến đầu nên 3 tháng anh chưa về nhà thăm vợ con.
“May mắn, ở chốt có điện, sóng điện thoại nên vẫn thường xuyên gọi được về nhà, nỗi nhớ vợ con cũng vơi bớt”, Trung úy Tài cười nói.
Tôi được bố trí ngủ tại chòi canh số 1 cùng Thiếu tá Lê Anh Giáp. Dù được che chắn khá kĩ nhưng gió vẫn lùa vào, từng luồng khí lạnh liên hồi chạy dọc sống lưng, lên đỉnh đầu.
Trong mơ màng, tôi nghe Thiếu tá Giáp kể: Tuyến biên giới giữa Việt Nam và Lào do đơn vị quản lý dài hơn 40km, có vô số đường mòn, lối mở.
Để chặn bắt người vượt biên trốn cách ly, Đồn đã lập 4 chốt tuần tra, kiểm soát, mỗi chốt từ 15 - 20 cán bộ, chiến sĩ. Nhiều người đã được tăng cường lên đây lần 2, lần 3. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng anh em đều động viên nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tất cả vì sự an toàn và sức khỏe của nhân dân.
Điển hình như Thượng úy Võ Anh Tuấn, Phó trạm trưởng phải hoãn cưới vợ vì bận chống dịch. Dịch được kiểm soát, lễ cưới được tổ chức nhanh chóng rồi anh lại lên trạm, vợ đi học thêm. Từ đó đến nay, vợ chồng cũng chỉ... gặp nhau qua điện thoại.
Tiếng cười nói rì rầm từ dưới chốt vọng lên đánh thức tôi. Vớ lấy chiếc điện thoại, chỉ mới 4h30 sáng, nhiệt độ ngoài trời lúc này là 5 độ C nhưng ca tuần tra tiếp theo đã chuẩn bị lên đường. Lò dò đi xuống, tôi mới biết tiếng rì rầm kia là mọi người đang chúc mừng Thượng úy Võ Đình Quân, Chốt trưởng nhân kỷ niệm tròn 2 năm ngày cưới.
Hóa ra Thượng úy Quân quê ở Đức Thọ, lập gia đình cách đây 2 năm, nhưng vợ mới sinh con được 6 tháng. Anh vốn công tác tại Đồn Biên phòng Lạch Kèn (đóng ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Dịch bệnh bùng phát, anh được tăng cường lên biên giới và đây đã là lần thứ 3 anh lên đây. Dù khoảng cách từ trạm về nhà không là bao, nhưng vì công việc, đến nay đã 2 tháng Thượng úy Quân vẫn chưa về thăm vợ, con. Sáng nay, đúng tròn 2 năm ngày cưới, anh vẫn cùng đồng đội đi tuần…
Thiếu tá Nguyễn Khắc Hào, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết, từ tháng 3/2020 đến nay, có hơn 18.700 công dân Việt Nam về từ Lào, Thái Lan, Myanmar và Malaysia nhập cảnh qua cửa khẩu được đưa đi cách ly 14 ngày phòng dịch Covid-19.
Trong đó, số người được đưa vào các khu cách ly tập trung của tỉnh Hà Tĩnh là hơn 10.300 người, số còn lại bàn giao cho các tỉnh khác tiếp nhận cách ly. Cũng trong gần một năm qua, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 28 người vượt biên trái phép; phá 17 chuyên án, bắt 22 đối tượng cùng tang vật là hơn 130kg ma túy các loại…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận