Tín dụng tăng chậm, ngân hàng lại bước vào cuộc ”đua” hạ giá vốn |
Tăng trưởng tín dụng chưa đầy 10% kế hoạch
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của TP ước đạt 1,32% so với cuối năm 2013, chỉ bằng 40% mức tăng cùng kỳ năm ngoái là 3,3%. Với một địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp lớn như TP HCM mà mức tăng tín dụng thấp như vậy, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều rủi ro, khó khăn, khiến doanh nghiệp dè dặt trong mở rộng hoạt động.
Điều này cũng trùng khớp với kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014 do Tổng cục Thống kê vừa công bố. Theo đó, 50,5% doanh nghiệp không vay vốn để sản xuất kinh doanh, trong khi theo Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thì 80% thành viên phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Kết quả điều tra cũng cho thấy, chỉ có 34,8% doanh nghiệp lạc quan về thị trường, 16,2% cho rằng thị trường trong nước năm 2014 kém hơn năm 2013. “Tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan vào thị trường chưa cao và tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô về lao động và quy mô vốn năm 2014 đạt thấp cho thấy họ vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào sự phục hồi và tính ổn định của thị trường và nền kinh tế”, báo cáo nhận định.
Báo cáo trước đó của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới chỉ 1,31%, đạt xấp xỉ 10% kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm là 12-14%.
“Đua” hạ giá tín dụng
Sốt ruột với tình trạng tín dụng ì ạch, các ngân hàng tìm mọi cách kích cầu vốn, trong đó phổ biến nhất là hạ giá vốn. Ngân hàng này vừa tung ra chương trình lãi suất hấp dẫn, ngân hàng khác lập tức công bố gói tín dụng ưu đãi. Thậm chí, ngay cùng một ngân hàng, chương trình ưu đãi lãi suất này chưa kết thúc đã lại xuất hiện gói cho vay mới.
Lãi suất huy động cũng tiếp tục giảm
NHNN cho biết, tính đến giữa tháng 6, lãi suất huy động VND giảm nhẹ so với hồi đầu tháng. Một số ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank giảm 0,1-0,5%/năm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dưới 12 tháng. Hiện lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-6%/năm đối với kỳ hạn một tháng và kỳ hạn dưới 6 tháng; 6-7,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5-8,3%/năm... |
Như ngân hàng TPBank vừa công bố dành 1.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất dành cho các doanh nghiệp phụ trợ. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất có hợp đồng cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp lớn có thể vay tới 90% khoản phải thu bằng USD hoặc VND với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8.0%/năm đối với VND hoặc 3.2%/năm đối với USD cho các khoản vay ngắn hạn (lãi suất cố định 6 tháng), trung và dài hạn (lãi suất cố định tối đa 12 tháng). Cũng ngân hàng này trước đó tung ra gói tín dụng dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, xây sửa nhà, mua ô tô, vay tiêu dùng… với lãi suất chỉ 4,9%/năm, áp dụng trong 6 tháng đầu với khoản vay từ 36 tháng; Các khoản vay từ 24 tháng khách hàng được lựa chọn lãi suất 6,6%/năm cố định 6 tháng đầu hoặc 8.8%/năm cố định 8 tháng đầu.
Một chương trình ưu đãi lãi suất khá hấp dẫn khác cũng được ngân hàng LienVietPostBank vừa triển khai là cho vay tiêu dùng, mua và xây, sửa nhà, mua ô tô, sản xuất - kinh doanh... dành cho cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh và các DN siêu nhỏ. Cụ thể, ngân hàng dành 1.000 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm trong 2 tháng đầu tiên, những tháng tiếp theo được ngân hàng áp dụng 6,5%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 9%/năm trong một năm đầu tiên… Ngân hàng Agribank cũng công bố dành tới 10.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu với lãi suất chỉ từ 6 - 8%/năm…
Theo báo cáo của NHNN, tính đến giữa tháng 6, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa…, ở mức 7-8%/năm, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường khoảng 9-10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5-12%/năm với trung và dài hạn. Một số trường hợp khách hàng tốt lãi suất chỉ 6-7%/năm.
Thảo Nguyên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận