"Đói" vốn ưu đãi
Nhà ở xã hội vốn đã thiếu nguồn cung khiến giá "đội" lên cao; thì nay, Ngân hàng Nhà nước lại loại bỏ nhóm khách hàng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội khỏi danh sách đối tượng được vay ưu đãi tại ngân hàng thương mại khiến ước mơ có nhà của nhiều người càng trở nên xa vời.
Nhà ở xã hội tại Hà Nội (ảnh minh hoạ).
Anh Nguyễn Xuân Đạt (quê Lạng Sơn) chia sẻ, hai vợ chồng anh lên Hà Nội gần 10 năm. Lao động tự do, cuộc sống bấp bênh, thuê trọ "nay đây, mai đó" nên mua một căn nhà xã hội vẫn là điều mơ ước bấy lâu của gia đình họ.
Thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (đến năm 2020), mới xây dựng được hơn 5,2 triệu m2 với đạt 41,7% so với mục tiêu.
Tính riêng trong quý II/2021, theo số liệu tổng hợp từ 55/63 địa phương có báo cáo, có 3 dự án cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hóa và Lạng Sơn; 94 dự án đang triển khai chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Thanh Hóa; có 02 dự án với 264 căn hoàn thành tại Phú Thọ và Long An; 05 dự án với 1.855 căn hộ tại Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên và An Giang được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Bộ Xây dựng khẳng định, hiện nay nhà ở xã hội vẫn là thiếu so với nhu cầu thực tế.
Sau thời gian dài ngắm nghía, anh chị đã chọn được căn hộ hợn 800 triệu tại một dự án nhà ở xã hội trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Tuy nhiên đến nay họ vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách bởi những quy định ngặt nghèo như: Có tiền gửi trước 6 tháng, chứng minh thu nhập, hộ khẩu thường trú ổn định và hạn mức chỉ cho vay đến 70%.
Anh Đạt quyết định quay sang vay ngân hàng thương mại với mức ưu đãi hơn, thủ tục cũng có phần "dễ thở" hơn.
Khi nghe tin ngân hàng "siết" việc cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội tại các ngân hàng thương mại, anh sững sờ lo lắng vì đang chờ xét duyệt hồ sơ.
"Nếu dự thảo có hiệu lực mà hồ sơ của tôi chưa được duyệt thì bao mơ ước, công sức chạy vạy bấy lâu đổ xuống sông xuống bể", anh Đạt nói.
Cũng không đáp ứng được quy định của ngân hàng chính sách, anh Nguyễn Viết Chiến (trú tại Từ Liêm, Hà Nội) chấp nhận vay ưu đãi mua nhà ở thương mại với lãi suất gần 7%/năm, ân hạn nợ gốc trong thời gian này là 24 tháng. "Nếu ngân hàng "siết" không cho vay ưu đãi tại các ngân hàng thương mại để mua nhà ở xã hội thì không chỉ riêng tôi mà nhiều người khó có thể mua được nhà giá rẻ", anh Chiến nói.
Không chỉ những khách hàng mua nhà ở xã hội khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách, mà chính các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng kêu khó.
Một chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội chia sẻ, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng thuộc đối tượng được vay ưu đãi, được hưởng chính sách như: Không phải trả sử dụng đất, ko phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp, giá bán cộng lãi 10%... Nhưng để đáp ứng được các điều kiện vay là rất khó, thậm chí không có tiền để vay.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy nguồn vốn ưu đãi cho nhà ở xã hội thông qua tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách đang thiếu. Giai đoạn 2018-2020, vốn đã bố trí cho nhà ở xã hội mới đạt 1.261,208 tỷ đồng, chỉ bằng 12% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Riêng năm 2018, Ngân hàng Chính sách Xã hội mới chỉ được cấp 500 tỷ đồng. Hiện Bộ này vẫn đang phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ "nút thắt" vốn.
Sửa luật đáp ứng thực tế
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, ngân hàng nhà nước yêu cầu người vay ưu đãi mua nhà ở xã hội đến ngân hàng chính sách là đúng.
Ngân hàng thương mại là làm kinh doanh nên họ huy động vốn và cho vay theo lãi suất thị trường, cũng có thể về yêu cầu trong thủ tục vay "dễ thở" hoặc linh động hơn.
Nhưng cho vay ưu đãi và các điều kiện theo Chính phủ thì rõ ràng Chính phủ phải lo khoản chi. Ngân hàng chính sách yêu cầu chặt chẽ và đòi hỏi điều kiện đầy đủ, đúng theo quy định của nhà nước.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các điều khoản khác của Luật Nhà ở 2014. Đồng thời giữa nguyên quy định khoản 3, Điều 6, Thông tư 25 về quy định, cho người mua, thuê mua nhà ở thương mại được tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng thương mại.
“Hiệp hội đã nghiên cứu rất kỹ các chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2014 thì nhận thấy rất rõ là Luật Nhà ở 2014 không hề cấm cho vay ưu đãi đối với các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 Luật Nhà ở 2014 để mua, thuê mua nhà ở xã hội”, ông Châu nói.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhu cầu vay vốn ưu đãi để mua nhà xã hội là rất cao. Nếu Ngân hàng Nhà nước loại bỏ ưu đãi trong thời điểm hiện nay thì cũng nên khuyến khích các ngân hàng có chính sách cho vay khác dễ dàng hơn. Mục đích nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ đáp ứng để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 9/12/2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Theo đó, dự thảo thay đổi quy định đối tượng áp dụng. Cụ thể, người mua, thuê mua nhà ở xã hội không còn nằm trong nhóm được hưởng chính sách ưu đãi vay vốn tại các ngân hàng thương mại.
Lý giải về điều này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nguyên nhân sửa đổi là do Luật Nhà ở quy định các chính sách hỗ trợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Còn tại tổ chức tín dụng được chỉ định chỉ có chính sách hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, không có chính sách hỗ trợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Với đề xuất quy định trên, người dân muốn mua nhà ở xã hội chỉ còn một phương án duy nhất là tới Ngân hàng Chính sách xã hội vay vốn ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm. Thế nhưng, theo quy định hiện tại, người dân muốn được vay tiền tại Ngân hàng Chính sách xã hội phải chịu chi phối của nhiều quy định nghặt nghèo, thậm chí không có vốn vay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận