Niềm vui được tặng bò của người nghèo ở Như Xuân, Thanh Hóa cũng là niềm vui của đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (ngoài cùng bên phải) |
Duyên nợ “người đỡ đầu”
Có một ngân hàng đặc biệt luôn luôn tăng trưởng bởi ở đó, tất cả lãi mẹ, lãi con đều thuộc về người nghèo. Đó là “ngân hàng bò” do ông nghị Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội gây dựng.
Tính đến nay, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi đã có bốn khóa tham gia Quốc hội, trong đó có ba khóa giữ cương vị Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội. Bởi vậy, điều ông luôn trăn trở, canh cánh trong lòng, đó chính là an sinh xã hội, là vấn đề miếng cơm, manh áo của người lao động. Ông có lẽ cũng là người nhiều duyên nợ với người nghèo. Đi đến đâu, thấy hoàn cảnh khó khăn ông đều tìm cách giúp.
Khoảng năm 2008, khi đi tiếp xúc cử tri ở xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, ông đã rơi nước mắt khi chứng kiến 19 cô giáo mầm non chỉ được xã, huyện hỗ trợ 100 nghìn đồng/tháng. “Lúc ấy, tôi thấy thương vô cùng, nên tôi đã tình nguyện dùng tiền lương của mình để hỗ trợ 19 cô giáo đó, mỗi cô thêm 100 nghìn đồng/tháng, trong vòng một năm”, ông kể lại.
Cùng với đó, trên diễn đàn Quốc hội, ông liên tục phát biểu, chất vấn và kiến nghị các bộ, ngành liên quan phải nghiên cứu chính sách cho các giáo viên mầm non.
Nhờ sự nỗ lực kiến nghị của ông và một số ĐBQH khác, đến nay, Nhà nước đã từng bước xây dựng, hoàn thiện chính sách cho giáo viên mầm non, các cô giáo được vào viên chức hoặc hợp đồng, được trả lương, tham gia BHXH. Nhờ vậy mà đến bây giờ, giáo viên mầm non ở các vùng núi khó khăn đã có lương, có cuộc sống khá hơn với mức lương trên 5 triệu đồng.
Một kỷ niệm sâu sắc khác là khi ông vừa làm ĐBQH vừa làm Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thanh Hóa, có trường hợp một học sinh tên Tuấn thi vào Khoa Công nghệ thông tin của trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) và đạt điểm cao nhất, nhưng Tuấn lại bị tàn tật phải ngồi xe lăn, vì thế nhà trường không nhận và cho rằng, người tàn tật sau này không thể tìm việc làm được. Khi đó, ông nghị Bùi Sỹ Lợi đã trực tiếp làm văn bản gửi cho nhà trường, báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban và HĐND, cam kết và hứa khi Tuấn ra trường, ông sẽ nhận Tuấn về làm việc. Sau đó, ông còn tặng Tuấn một chiếc xe lăn đi học.
Cậu sinh viên tên Tuấn được nhận vào học, sau này tốt nghiệp đã tự mình mở một phòng dạy học tại nhà và bồi dưỡng kiến thức cho các học sinh cấp 3 thi đại học, với kết quả rất xuất sắc. “Giờ Tuấn đã có gia đình, nhờ việc mở lớp dạy học nên cuộc sống rất ổn”, ông kể, ánh mắt rạng ngời niềm vui.
Duyên nợ của ông vẫn chưa hết, khi mà chính tại lớp học của Tuấn lại có cô bé Lê Thị Thắm, cũng bị khuyết tật, chỉ có thể viết bằng chân. Ông tiếp tục nhận đỡ đầu cho Thắm và khi cô bé đỗ ĐH Hồng Đức, ông lại bỏ tiền túi hỗ trợ cô bé 2 triệu đồng/tháng để chi trả tiền ăn học cho đến khi tốt nghiệp. Cùng với đó, ông còn kiến nghị với hiệu trưởng nhà trường nhận mẹ Thắm vào làm hợp đồng phục vụ để vừa dọn dẹp ở trường, vừa đưa con lên lớp học.
Bỏ tiền túi lập “Ngân hàng bò” giúp dân thoát nghèo
Thế nhưng, tôi cảm thấy niềm hạnh phúc của ông đặc biệt toát lên khi nhắc tới “Ngân hàng bò”, một ngân hàng đặc biệt luôn tăng trưởng và tất cả lãi đều thuộc về người nghèo. Đó là ngân hàng mà ông đã bỏ tiền túi ra gây dựng, giúp hàng trăm hộ nghèo thoát khỏi cảnh khó khăn.
Trước đó, từ khi làm Chủ tịch Công đoàn ngành LĐ,TB&XH từ những năm 1993, ông đã đứng lên phát động phong trào xây nhà tình nghĩa cho mẹ Việt Nam anh hùng, nhà tình thương cho hộ nghèo. Nguyên tắc của ông là chỉ hỗ trợ mỗi nhà tối thiểu 5 triệu đồng để “làm mồi”, từ đó vận động, kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp, bạn bè, người thân, đồng nghiệp đóng góp thêm vào. Thế mà, đến hết năm 2012, ông đã kêu gọi xây dựng được hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, tình thương trên khắp cả nước.
Điều day dứt nhất Nói về điều day dứt trong cuộc đời, ông Lợi cho biết, đó chính là khi ông tham gia ra Nghị quyết dừng Điều 60 của Luật BHXH để người lao động được hưởng BHXH một lần. “Nghĩ lại, tôi thấy mình khi đó có phần nào đấu tranh không quyết liệt, và tôi nghĩ đó là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời ĐBQH của tôi. Vì tôi đã được chứng kiến thời kỳ của những năm 1990, cả nước ta có 70 vạn người về nghỉ chế độ lấy BHXH một lần, nhưng đến nay không có một đồng nào để chi tiêu, cuộc sống rất khó khăn, thậm chí có người đang muốn đóng lại”, ông Lợi nhớ lại. |
Đến năm 2013, nhận thấy việc xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương đã hoàn thành cơ bản khi Nhà nước đã rất quan tâm vấn đề này, ông nảy ra sáng kiến lập “Ngân hàng bò” cho người nghèo. Tất cả tiền vốn ban đầu để mua bò, ông đều tự bỏ tiền túi ra, sau đó được mọi người ủng hộ và cùng tham gia.
Ban đầu, ông giao cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa làm đầu mối thực hiện thí điểm về lựa chọn hội viên nghèo, ký kết hợp đồng, đối ứng vốn hỗ trợ. Sau đó, Hội Chữ thập đỏ Thanh Hóa là đối tác trực tiếp tổ chức hoạt động của “Ngân hàng bò” cùng ông Lợi. Phương thức của ngân hàng là hộ được lựa chọn tặng bò phải chăm sóc để có bê con sinh ra, nếu là bê cái sẽ tặng hộ nghèo khác, nếu là bê đực sẽ được bán đấu giá, rồi dùng tiền đó mua bê cái tặng gia đình hộ nghèo khác nữa. Cứ như vậy, số bò trong ngân hàng của ông nghị Bùi Sỹ Lợi ngày càng tăng lên, đồng nghĩa với việc càng có thêm nhiều hộ nghèo được tặng “đầu cơ nghiệp”.
Theo báo cáo của Hội Chữ thập đỏ Thanh Hóa với ông, từ cuối năm 2013 đến hết năm 2016, Hội Chữ thập đỏ đã trao tặng 59 con bò cho Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 và các hộ gia đình. Cứ mỗi con bò ĐB Bùi Sỹ Lợi tặng thì hội hỗ trợ kinh phí đối ứng 2 triệu đồng để giúp dân làm chuồng, mua thuốc phòng bệnh, hỗ trợ sinh sản và thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ. Từ 59 con bò cái ban đầu, đến cuối năm 2016 đã sinh sản thêm 26 bê con, trong đó 15 con bê cái đã được trao cho 15 hộ nghèo, còn 11 bê đực được bán để mua 11 bê cái tặng 11 hộ gia đình nghèo khác. Như vậy, sau 5 năm, tổng số bò sinh sản thuộc “Ngân hàng bò” do ông Lợi xây dựng là 102 con. Tất cả số bò này đều do Hội Chữ thập đỏ từ cấp tỉnh, huyện và xã quản lý theo chương trình “Ngân hàng bò”.
Từ năm 2016, ông phối hợp thêm với Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục kêu gọi và tặng bò cho hộ phụ nữ nghèo, đến cuối năm 2017, Hội Phụ nữ báo cáo ngân hàng bò của ông Lợi đã có 75 con, trong đó có 14 con bê được tặng hộ khác. Như vậy, “Ngân hàng bò” của ông đến nay do hai Hội quản lý lên đến 177 con. Hy vọng năm 2018 sẽ có nhiều con bê nữa ra đời.
“Làm được bao nhiêu tiền, ông đem hết đầu tư vào ngân hàng bò thế này, vợ ông không phàn nàn gì sao?”, tôi hỏi vui. Ông cười tươi và khoe rằng, toàn bộ tiền lương trong thẻ ngân hàng ông đưa vợ trang trải chi phí gia đình, còn lại tất cả các khoản khác như tiền đi giảng dạy, tiền làm đề tài nghiên cứu khoa học, ông đều đổ dồn vào “Ngân hàng bò” cho người nghèo.
Rồi ông kể, có lần đi công tác trên một tỉnh miền núi khó khăn, ông quyết định tặng cho bệnh viện đa khoa tỉnh này 20 triệu nhưng trong ví chỉ còn 10 triệu đồng, thế là ông gọi điện về “xin” vợ thêm 10 triệu nữa, vợ ông vui vẻ đồng ý ngay. Không ít lần, vợ ông cũng cùng với ông đi trao tặng bò cho người nghèo. Ông còn nói vui: “Bà ấy muốn đi trao bò với tôi, phải đóng góp 5 triệu đồng tôi mới cho đi!”.
Đến nay, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp và những doanh nghiệp thấy được việc làm ý nghĩa của ông nghị Bùi Sỹ Lợi nên cũng tình nguyện góp sức cùng ông, xây dựng “Ngân hàng bò” ngày càng phát triển. Có nhiều hộ nghèo sau khi được tặng bò đã làm ăn khấm khá, họ viết thư tay gửi ông nghị Bùi Sỹ Lợi và nói với ông lời cảm ơn chân thành.
Là người sinh ra trong một gia đình có 6 chị em, hoàn cảnh cũng hết sức khó khăn, nên có lẽ hơn ai hết, ông Lợi thấu hiểu nỗi khổ của những người nghèo, vì thế mà đi bất cứ đâu, gặp những hoàn cảnh khó khăn ông đều giúp đỡ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận