Sau nhiều nỗ lực của Bộ GTVT và các nhà đầu tư, đến nay, cả 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam triển khai theo hình thức PPP gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã tổ chức thi công.
Tuy vậy, thời điểm này chưa thể khẳng định các dự án sẽ triển khai thành công, bởi điểm nghẽn lớn nhất là nguồn vốn vay vẫn chưa thông.
Thi công bóc phong hóa tuyến chính cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt . Ảnh: Văn Thanh
Ba dự án rất khả thi, nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu vượt yêu cầu
Theo quy định, từ khi ký hợp đồng với Bộ GTVT, nhà đầu tư của 3 dự án có 6 tháng để huy động vốn thực hiện. Trường hợp nhà đầu tư không chứng minh được nguồn vốn huy động, Bộ GTVT sẽ tịch thu bảo lãnh và hủy hợp đồng.
“Tịch thu bảo lãnh, hủy hợp đồng là điều không ai mong muốn, bởi 3 dự án này là công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển KT-XH các địa phương nơi dự án đi qua nói riêng và của cả nước nói chung. Hơn nữa, các dự án này nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Quốc hội, Chính phủ và người dân”, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng PPP (Bộ GTVT) chia sẻ với Báo Giao thông.
Ba dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đều có quy mô rất lớn, ngoài phần vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhà đầu tư sẽ phải bỏ vốn chủ sở hữu và huy động vốn từ các nguồn khác để triển khai.
Trong đó, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng vốn đầu tư khoảng 11.157 tỷ đồng, nguồn vốn hỗ trợ Nhà nước khoảng 6.067 tỷ đồng (chiếm 54,4%), vốn chủ sở của nhà đầu tư tối thiểu 1.023 tỷ đồng, còn lại phần vốn vay khoảng 4.067 tỷ đồng.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (tổng mức đầu tư 5.524 tỷ đồng), vốn góp Nhà nước khoảng 2.967 tỷ đồng (chiếm 53,7%), vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu tối thiểu 511 tỷ đồng và vốn vay khoảng 2.045 tỷ đồng).
Còn lại, dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo (tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng), phần vốn góp của Nhà nước khoảng 5.139 tỷ đồng (chiếm 57,6%), vốn huy động của nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu tối thiểu 757 tỷ đồng và vốn vay khoảng 3.029 tỷ đồng).
“Đây là 3 dự án có phương án tài chính tốt nhất hiện nay trong số các dự án đường cao tốc đang triển khai theo hình thức PPP. Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tham gia vào mỗi dự án đều chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư, thậm chí có dự án gần 60%. Lưu lượng xe của 3 dự án này được dự báo rất lớn, phương án tài chính rất khả thi, nhà đầu tư quyết tâm cao, nếu ngân hàng không cho vay vốn tín dụng, các dự án khác không thể vay được”, ông Huy chia sẻ.
Theo báo cáo của Vụ PPP gửi Bộ GTVT vào ngày 1/10, đến nay, nhà đầu tư của 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đều đã cơ bản góp đủ vốn chủ sở hữu, thậm chí còn góp vượt cả quy định theo quy định hợp đồng đã ký với Bộ GTVT (tính theo từng tháng).
Cụ thể, nhà đầu tư cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã góp 278 tỷ đồng; nhà đầu tư cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã góp 471 tỷ đồng và nhà đầu tư cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã góp 614 tỷ đồng.
Ngân hàng đã phát hành cam kết nhưng chưa cho vay
Thi công đường công vụ cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Ảnh: Văn Thanh
Dù các dự án rất khả thi, nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu vượt yêu cầu, tuy nhiên, đến nay sau nhiều tháng ký hợp đồng dự án với Bộ GTVT, ngoài nhà đầu tư dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo tìm lối đi riêng trong việc huy động vốn bằng hình thức hợp tác đầu tư (BCC), phát hành trái phiếu… nhà đầu tư hai dự án còn lại vẫn chưa thể ký kết hợp đồng tín dụng đối với phần vốn đi vay với các ngân hàng: BIDV - Chi nhánh Nghệ An, BIDV - Chi nhánh Quảng Bình, VietcomBank, VietinBank, TP Bank…
Trong bối cảnh thị trường tài chính trong nước còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được tổ chức tài chính quốc tế, chưa có các quỹ đầu tư hạ tầng, việc huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các ngân hàng thương mại.
Dù vậy, trong số các ngân hàng thương mại hiện nay cũng chỉ có một số đơn vị còn hạn mức cho vay dài hạn do chủ trương thắt chặt vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.
“Nguyên nhân lớn nhất khiến một số ngân hàng thương mại chưa ký kết hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư là họ đưa ra điều kiện dự án phải được áp dụng điều khoản chia sẻ rủi ro doanh thu theo quy định của Điều 82, Luật PPP. Đồng thời, ngân hàng tài trợ vốn đề nghị Bộ GTVT phải giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc tại các dự án BOT trước đây họ tham gia tài trợ vốn thì mới ký hợp đồng dự án cao tốc với chúng tôi”, đại diện một nhà đầu tư (xin giấu tên) tiết lộ.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP nói thẳng: “Đòi hỏi của các ngân hàng rất vô lý.
Bởi, trước khi cam kết cho các nhà đầu tư vay vốn tham gia đấu thầu, các ngân hàng đều đã nghiên cứu kỹ quy định hồ sơ dự án”.
“Ba dự án đã được Quốc hội thông qua chủ trương từ năm 2017, trước khi Luật PPP được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Trong hồ sơ mời thầu, quy định chuyển tiếp của Luật PPP đều nêu rõ 3 dự án này sẽ không được bảo lãnh doanh thu theo quy định của Luật PPP. Đến nay, khi nhà đầu tư trúng thầu và đang tổ chức thi công, các ngân hàng lại cố tình đưa ra yêu cầu dự án phải được bảo lãnh doanh thu mới cho vay vốn tín dụng là vô lý và không phù hợp với quy định”, ông Huy nói thêm.
Về tồn tại của các dự án BOT giao thông cũ, đại diện Bộ GTVT cho biết, trong 2 năm qua, Bộ GTVT đã rất nỗ lực giải quyết khi nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho tăng giá vé theo lộ trình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân nên chủ trương cho phép tăng phí đối với các dự án BOT giao thông sẽ được xem xét giải quyết triệt để khi nền kinh tế dần hồi phục.
Lo lắng của ngân hàng về tồn tại trước đây của các dự án BOT là có cơ sở nhưng không thể vin cớ vào đó không cho các nhà đầu tư 3 dự án cao tốc Bắc - Nam vay vốn tín dụng.
Hơn nữa, trước khi các nhà đầu tư tham gia đấu thầu, các ngân hàng thương mại đều tìm hiểu rất kỹ hồ sơ dự án, phương án tài chính khả thi rồi mới phát hành cam kết cho nhà đầu tư vay vốn.
“Đến nay, các nhà đầu tư đã trúng thầu và tổ chức thi công dự án, ngân hàng lại “đem con bỏ chợ”. Không chỉ đơn thuần là lợi ích kinh doanh, ngân hàng cần phải tính đến khi bỏ vốn vay vào các dự án đường cao tốc còn là trách nhiệm với quốc gia, với nhân dân, bởi đường cao tốc đi đến đâu sẽ kéo theo phát triển KT-XH đến đó”, đại diện Bộ GTVT chia sẻ.
Bộ GTVT đề nghị các ngân hàng khẩn trương vào cuộc
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Văn phòng Bộ GTVT cho biết, ngày 1/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, nhà đầu tư để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về việc huy động vốn triển khai đầu tư 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP.
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính tháo gỡ vướng mắc về các chính sách trong đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư. Đối với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, Bộ trưởng đề nghị khẩn trương triển khai công tác thẩm định nguồn vốn vay, bởi đây là 3 dự án trọng điểm quốc gia có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của các khu vực và đất nước.
Bộ trưởng yêu cầu các ban quản lý dự án, cơ quan liên quan thuộc Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh công tác ký kết vốn tín dụng, trường hợp cần thiết báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý.
“Trong 7 - 10 ngày sau cuộc họp, các nhà đầu tư phải báo cáo Bộ GTVT tình hình huy động vốn cụ thể của từng dự án. Đồng thời, nhà đầu tư cần chủ động nghiên cứu các giải pháp huy động vốn hợp pháp khác để tăng tính hiệu quả, khả thi của dự án”, lãnh đạo Văn phòng Bộ GTVT dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận