Việc miễn, giảm phí dịch vụ có thể giúp các ngân hàng thu hút thêm nhiều khách hàng mới và gia tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn
Các ngân hàng khởi động một cuộc chạy đua giảm các loại phí để thu hút khách hàng. Rất nhiều dịch vụ như mở thẻ, duy trì tài khoản, chuyển tiền, rút tiền, thông báo số dư tài khoản… đều được miễn phí.
Cuộc đua lại “nóng”
Chị Nguyễn Kim Thoa (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một người bán hàng online có doanh thu mỗi tháng trên dưới 60 triệu đồng.
Chị cho biết, trước đây khi chị còn dùng dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking của một ngân hàng lớn, mỗi lần thanh toán, chị phải trả phí 0,2% khi chuyển tiền nội mạng và 0,3% cho giao dịch thanh toán ngoại mạng. “Mỗi tháng gọn nhẹ cũng tầm 100 nghìn đồng tiền phí chuyển tiền”, chị Thoa tính toán.
Tính trung bình một năm, chị Thoa mất phí chuyển khoản khoảng 1,2 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm chị còn phải thanh toán tiền duy trì dịch vụ gần 30 nghìn đồng. Tuy nhiên, gần một năm nay, chị Thoa mở thêm tài khoản tại một ngân hàng tư nhân, nhờ vậy được miễn phí cả mấy loại dịch vụ nói trên.
Với những người kinh doanh online quy mô lớn, số tiền giao dịch lên đến tỷ, thậm chí cả trăm tỷ, khoản phí giao dịch (chuyển khoản nội và ngoại mạng) lên đến nhiều triệu đồng thì việc miễn, giảm phí giúp khách hàng tiết kiệm được một khoản đáng kể.
Việc giảm phí ngân hàng diễn ra mạnh mẽ kể từ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, những ngày gần đây, cuộc chiến giảm phí tiếp tục “nóng” lên khi hàng loạt ngân hàng “tung” ra các chiến dịch miễn hầu hết các loại phí giao dịch cơ bản. Có thể nói, chưa khi nào khách hàng được miễn nhiều loại phí ngân hàng như vậy.
Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn kèm điều kiện khi áp dụng chính sách miễn phí như khách hàng phải có thẻ ghi nợ quốc tế, cài app hoặc sử dụng ví điện tử của ngân hàng… hoặc các loại phí ban đầu, phí bất thường vẫn được phần đông các ngân hàng thu.
Đơn cử, theo biểu phí đang được niêm yết trên website của Agribank, ngân hàng này đang thu phí phát hành 50 - 100 nghìn đồng thẻ ghi nợ nội địa, 100 - 300 nghìn đồng thẻ quốc tế; Phí phát hành lại thẻ từ 15 - 150 nghìn đồng. Đối với phí thường niên, Agribank thu 10 - 50 nghìn đồng với thẻ nội địa, 100 - 500 nghìn đồng với thẻ quốc tế.
Nếu khách hàng rút tiền mặt phải trả phí 1.000 đồng/lượt, in sao kê 500 đồng/giao dịch. Một số loại phí khác như phí tra soát khiếu nại 20 nghìn đồng/lần, phí yêu cầu cấp lại mã pin 10 nghìn đồng/lần, phí mở/khóa thẻ 10 nghìn đồng/lần… Nếu sử dụng hết các dịch vụ này thì phí “cứng” khách hàng phải trả khoảng 850 nghìn - 1 triệu đồng.
Giảm phí, ngân hàng được lợi gì?
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích, các ngân hàng giảm phí thường xuyên phục vụ nhiều mục đích, trong đó nhằm tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (vốn có chi phí thấp, lãi suất gần như bằng 0%).
Có số tiền đó, các ngân hàng cho vay ra thu được lợi nhuận lớn. “Việc giảm phí sẽ giúp ngân hàng thu hút được nhiều khách mới, đây là điều rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh của ngân hàng. Việc giảm phí có thể coi là chiến lược “bỏ con tôm bắt con cá”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng cho biết, phí dịch vụ đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng chỉ chiếm một phần rất nhỏ, gần như không đáng kể. Hiện nay, với việc đa dạng hóa nguồn thu, việc giảm phí cũng gần như không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu, lợi nhuận của các ngân hàng.
Ngược lại, nếu giảm phí các ngân hàng còn được nhiều hơn trong doanh thu từ những dịch vụ khác thông qua khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng kiểu “bán bia kèm kẹo lạc”: Dịch vụ chuyển tiền, dùng ví điện tử, vay tiền, đóng bảo hiểm, tiền gửi bảo hiểm hay các dịch vụ khác để khuếch trương kinh doanh.
Đơn cử như Techcombank, một trong những ngân hàng đi đầu trong chính sách miễn phí dịch vụ cho khách hàng. Chiến lược này đã góp phần giúp Techcombank thu hút được lượng rất lớn tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng. Theo ghi nhận của định chế tài chính JP Morgan đầu năm nay, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên vốn huy động của Techcombank đạt 46,1% - con số kỷ lục mà các ngân hàng đều mơ ước.
Không dừng ở đó, ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Techcombank tiết lộ, giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân Techcombank năm 2020 tăng hơn 108% lên 383 triệu giao dịch, giá trị đạt 5 triệu tỷ đồng với sự đóng góp của khoảng 1,1 triệu khách hàng mới mở tài khoản. Có nguồn vốn giá rẻ, ngân hàng này có điều kiện đầu tư các sản phẩm ngân hàng số, quản lý tài chính, mua bán các sản phẩm đầu tư.
Hiện, nhiều ngân hàng vẫn đang tiếp tục chạy đua miễn giảm phí giao dịch để tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn và coi đây là một trong các mục tiêu phải hoàn thành để góp phần tăng lợi nhuận.
Tại BIDV, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, kế hoạch lợi nhuận trước thuế của BIDV năm nay là tăng 40% lên 13.000 tỷ đồng, trong đó thu nhập ròng từ lãi tăng khoảng 19% kèm với động lực tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí vốn.
Do đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn năm nay BIDV phải đạt tối thiểu tăng 16%. MSB, duy trì tốp đầu thị trường về chiến lược sản phẩm với nguồn vốn huy động giá tốt với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao 20 - 30% trong hai năm qua, cũng đặt chỉ tiêu phải đạt mốc 40.000 tỷ đồng vào năm 2023.
Ngân hàng Bản Việt vừa thông báo miễn phí mở thẻ ATM, miễn phí chuyển tiền, miễn phí duy trì số dư, miễn phí nhận thông báo biến động thông tin tài khoản.
Vietcombank sau 3 năm duy trì chính sách thu phí chuyển tiền online cũng đã miễn phí chuyển tiền với điều kiện khách hàng sử dụng dịch vụ VCB Digibank, nhận thông báo số dư qua ứng dụng VCB Digibank và duy trì một số dư tài khoản nhất định.
Trong khi đó, SHB miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng nhanh 24/7, miễn phí quản lý tài khoản, số tài khoản đẹp. Hay HDBank cũng “tung” chính sách miễn phí dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking, miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, miễn phí rút tiền ATM nội mạng, miễn phí SMS và ATM thường niên…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận