Thị trường

Ngân hàng giảm lãi suất, đầu tư vào đâu có lợi?

19/03/2014, 06:08

Trong bối cảnh các kênh đầu tư như vàng, bất động sản, tỷ giá giảm sức hút, thị trường chứng khoán đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhất của dòng vốn.

Trong bối cảnh các kênh đầu tư như vàng, bất động sản, tỷ giá giảm sức hút, thị trường chứng khoán đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhất của dòng vốn. Tuy nhiên, chứng khoán chỉ là sân chơi hẹp, nên tiết kiệm ngân hàng vẫn là sự lựa chọn của số đông, dù lãi suất chưa ngừng hạ giá. 
 

Trên thực tế nhiều khách hàng vẫn đang phải vay với mức lãi suất cao hơn mức trần lãi suất huy động ngắn hạn hiện nay
Trên thực tế nhiều khách hàng vẫn đang phải vay với mức lãi suất cao hơn mức trần lãi suất huy động ngắn hạn hiện nay


Chứng khoán thêm “nóng”

Hôm qua (18/3), hàng loạt lãi suất chủ chốt đã giảm từ 0,5 - 1%/năm, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đồng loạt hạ lãi suất huy động kỳ hạn ngắn về dưới 6%/năm, song tại nhiều ngân hàng, các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đều như nhau và xoay quanh mức trần này. Chẳng hạn, tại Ngân hàng Techcombank, các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng đến 6 tháng đều có lãi suất 6%/năm; tại Eximbank từ 1 đến 5 tháng là 5,8%/năm; tại VIB, kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng cùng 5,9%/năm...

Mặt bằng lãi suất huy động hạ đều trong suốt năm 2013 và tiếp tục giảm từ đầu năm 2014 đến nay đã đẩy người có tiền nhàn rỗi vào những sự lựa chọn khó khăn. Từ nửa năm trở lại đây, vàng - kênh đầu tư truyền thống của người dân rơi vào đồ thị đi xuống, sức hút từ vàng giảm mạnh. Thị trường bất động sản, ngoại trừ phân khúc căn hộ chung cư giá thấp nhúc nhích tăng giá và mãi lực, còn lại vẫn trong tình trạng đóng băng, do vậy, cơ hội lợi nhuận vẫn mong manh trong khi rủi ro còn lớn. Thị trường ngoại hối vừa đi qua một năm “lặng sóng”, và được nhận định tiếp tục dao động trong biên độ hẹp cả năm nay, khiến kênh đầu tư này không còn được mặn mà. Hai tháng đầu năm 2014, vốn huy động  ngoại tệ của hệ thống ngân hàng giảm nhẹ 0,09% cho thấy điều đó.
 

"Giảm lãi suất trong lĩnh vực tiền tệ sẽ tạo cơ hội, động lực cho các nhà đầu tư khác. Nhưng tôi cảnh báo các nhà đầu tư mới rằng, cần phải tham khảo thêm những nhà đầu tư đã từng có nhiều “tang thương” trước khi đầu tư vào lĩnh vực mong muốn”.

Phó Thống đốc NHNN
Nguyễn Đồng Tiến

Giữa bức tranh nhạt nhòa đó, chứng khoán đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhất hiện nay của dòng vốn. Đầu tuần này, chỉ số VN-Index đã có lúc lên 600 điểm - vượt mức đỉnh, tính từ giữa năm 2012 và tăng xấp xỉ 30% từ đầu năm đến nay. Dòng tiền đổ vào thị trường ào ạt, trong đó ít nhiều được san sẻ bởi dòng vốn từ ngân hàng. Phiên giao dịch hôm qua (18/3), chỉ số VN-Index đóng cửa giảm nhẹ, còn 599,85 điểm, song sàn HSX khớp lệnh ở mức lớn nhất trong hai tuần nay, cho thấy, sức hấp dẫn từ kênh đầu tư này tiếp tục gia tăng.

Tuy nhiên, để kiếm lời từ thị trường này đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức, kinh nghiệm và cả sự may mắn. Đó cũng là thông điệp của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, khi trả lời câu hỏi của phóng viên, về nguy cơ dòng vốn ngân hàng bị san sẻ cho các kênh đầu tư khác.

Lãnh đạo NHNN phân tích, về lý thuyết, ở một thị trường hoàn hảo, lãi suất giảm thì các thị trường như chứng khoán, bất động sản… sẽ hưởng lợi. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam và bối cảnh lần cắt giảm này, các tác động phản ứng sẽ không lớn. Minh chứng cho nhận định của Phó Thống đốc NHNN, 2 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn đạt 1,92%. Điều đó cho thấy, gửi tiết kiệm vẫn là toan tính hàng đầu của người có tiền. Mặt khác, mức khống chế 6%/năm chỉ áp dụng với lãi suất kỳ hạn ngắn, nên nếu muốn được hưởng biên độ cao hơn, người gửi tiền có thể cân nhắc kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Lãi suất cho vay giảm cục bộ

Ngược với lợi ích của người gửi tiền, quyết định giảm một loạt lãi suất chủ chốt của NHNN làm gia tăng cơ hội cho người vay vốn. Ngay trong ngày 18/3, một số ngân hàng đã công bố tiếp tục giảm lãi suất tín dụng. Tại BIDV, lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các đối tượng ưu tiên gồm: Nông nghiệp nông thôn, tài trợ xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... còn tối đa 8,0%/năm; cho vay các đối tượng thông thường tối đa 13%/năm... Ngân hàng LienvietPostbank công bố dành 2.000 tỷ đồng và 100 triệu USD, lãi suất từ 7%/năm, cùng nhiều ưu đãi linh hoạt khác như ưu đãi về thời gian vay vốn, hạn mức vay và tốc độ giải ngân cho vay nhóm khách hàng cá nhân, hộ gia đình. Khách hàng có thể tự lựa chọn thời hạn ưu đãi tương ứng với mức lãi suất ưu đãi...  

Tuy nhiên, theo quan sát của Báo Giao thông, việc giảm lãi suất huy động được thực hiện đồng loạt, mức giảm thấp nhất 1%/năm ở các kỳ hạn ngắn, trong khi lãi suất cho vay giảm chậm và có giới hạn. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, có tới hơn chục ngân hàng công bố các chương trình vay ưu đãi, tổng giá trị vài chục ngàn tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ tín dụng của hệ thống tới cả triệu tỷ đồng. Như vậy, lượng vốn “rẻ” chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong nền kinh tế. Còn lại, trên thực tế, nhiều khách hàng vẫn đang phải vay vốn mức lãi suất gấp đôi, gấp ba so với mức trần lãi suất huy động ngắn hạn hiện nay, nhất là các khoản vay tiêu dùng.

Mặt khác, theo đánh giá của Ngân hàng HSBC, động thái giảm lãi suất cho thấy NHNN nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng mục tiêu này vẫn nhiều thách thức, vì vấn đề chính yếu của Việt Nam là nợ xấu mà phần lớn vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Thảo Nguyên
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.