Nhằm khắc phục những lỗ hổng về quản lý Quỹ Bình ổn xăng dầu, Nghị định 80 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đã quy định trách nhiệm của các bên liên quan để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp "ôm" quỹ, hoặc bị ngân hàng (như vụ BIDV Chi nhánh Long Biên) cấn nợ doanh nghiệp từ quỹ này.
Xử phạt, tạm dừng kinh doanh doanh nghiệp vi phạm
Nghị định 80 nêu rõ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước. Toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng quỹ này bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Đồng thời, đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư quỹ bình ổn giá.
Định kỳ 6 tháng, trước ngày 15/8, ngày 15/2 hằng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán (độc lập) chuyên đề về Quỹ Bình giá xăng dầu gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công thương.
Báo cáo kiểm toán chuyên đề về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bao gồm: Số dư quỹ đầu kỳ báo cáo; tổng sản lượng, chủng loại xăng, dầu được thực hiện trích lập, chi sử dụng trong kỳ báo cáo; tổng số tiền trích lập quỹ trong kỳ báo cáo; tổng số tiền chỉ sử dụng quỹ trong kỳ bảo cáo; tiền lãi phát sinh trên số dư quỹ; số dư quỹ cuối kỳ báo cáo, chi tiết sao kê tài khoản ngân hàng trong kỳ báo cáo; báo cáo kiểm kê sản lượng, chủng loại xăng, dầu thực hiện trích lập, chi sử dụng quỹ của từng kỳ điều hành.
Ngoài ra, định kỳ trước ngày 15 hàng tháng, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lập và gửi báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công thương tình hình thực hiện Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của tháng trước liền kề các vấn đề nêu trên.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và báo cáo, công khai theo quy định. Nếu vi phạm, tùy mức độ của hành vi sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 109 và Nghị định 49 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 109) liên quan lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị xử phạt hành chính nhưng tái phạm nhiều lần liên quan Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, hoặc không thực hiện kết chuyển quỹ sẽ bị xem xét tạm dừng kinh doanh hoặc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thời hạn tạm dừng kinh doanh xăng dầu là 30 ngày hoặc 60 ngày tùy theo mức độ vi phạm.
Ngân hàng chỉ được giữ hộ quỹ bình ổn
Tại nghị định này, điểm mới khác để quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là quy định trách nhiệm của ngân hàng.
Cụ thể, ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản quỹ bình ổn phải thực hiện phong tỏa tài khoản quỹ đó. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương.
"Tức là, sau này doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có phá sản thì ngân hàng chỉ ở vai trò giữ hộ tiền quỹ, không có quyền thu số tiền này", đại diện Bộ Công thương giải thích thêm với Báo Giao thông.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng được giao trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng nơi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đăng ký mở tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu thực hiện tuân thủ các quy định liên quan đến quỹ bình ổn giá tại Nghị định này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận