Thương vụ sáp nhập PGbank vào Vietinbank đang thu hút sự quan tâm của dư luận |
Thời điểm này, hàng loạt ngân hàng (NH) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2015 và thông tin sáp nhập dồn dập được công bố. Hiệu quả hoạt động của các NH sau sáp nhập càng tạo thêm động lực để các NH gấp rút đẩy mạnh việc sáp nhập.
Qui mô, lợi nhuận đều tăng
Hôm nay (ngày 22/4), NH Sài Gòn (SCB) sẽ tiến hành tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2014. Theo tài liệu đại hội cổ đông, trong năm 2014, tổng lợi nhuận trước thuế của NH đạt 119 tỷ đồng, tăng 99,3% so với mức 60 tỷ đồng của năm 2013. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp, SCB hoạt động hiệu quả sau khi hợp nhất với NH Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiabank) và NH Đệ Nhất (Ficombank) vào cuối năm 2011. Ngoài tăng mạnh về lợi nhuận, tổng tài sản của SCB cũng tăng tới trên 33%. Ngân hàng này hiện đã hoàn tất các thủ tục pháp lý mời gọi cổ đông tham gia góp vốn để nâng vốn điều lệ đến cuối năm nay lên 14.295 tỷ đồng.
Không chỉ SBC, hầu hết NH đều cho biết, đã “lớn và khỏe” hơn sau sáp nhập. Như NH Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sau khi hợp nhất với NH Phát triển nhà Hà Nội (Habubank), thì lợi nhuận 2014 của NH là 783,3 tỷ đồng (tăng 32,4 tỷ đồng so với năm 2013, trước khi sát nhập); vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số đều tăng khá. NH Đại chúng (Pvcombank) sau khi hợp nhất từ NH Phương Tây (Western Bank) và Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) thì lợi nhuận cũng tăng mạnh từ mức 27,9 tỷ đồng năm 2013 lên mức 150,8 tỷ đồng năm 2014. Cổ đông của NH này hết sức vui mừng, bởi ngay năm đầu tiên đi vào hoạt động, lãi cơ bản trên cổ phiếu tăng từ 31 nghìn đồng lên 168 nghìn đồng.
“Ông lớn” cũng sáp nhập
Bước sang quý II/2015, khi các NH tiến hành đại hội cổ đông, các kế hoạch sáp nhập dồn dập được thông báo. NH TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập vào NH TMCP Hàng hải (Maritime Bank); NH TMCP Phương Nam (Southern Bank) sáp nhập vào NH TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank)...
Đáng chú ý, không chỉ NH nhỏ sáp nhập để “lớn mạnh hơn, mà nhiều “ông lớn” như NH TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank); NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)… cũng đã có kế hoạch sáp nhập để “lớn càng thêm lớn”.
"Với quy mô thị trường hiện nay, nếu nói nước ta chỉ cần 5, 10 hay 15 NH đều là khó, bởi số lượng NH cần thiết còn phụ thuộc vào quy mô, hiệu quả hoạt động hay độ phủ đối với dân số”. Võ Trí Thành |
Theo kế hoạch, việc BIDV sáp nhập với NH Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sẽ được hoàn tất trong tháng 5; NH TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) sáp nhập vào VietinBank đã được thông qua về đề án; NH TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) sáp nhập vào Vietcombank cũng đã được Thống đốc NH Nhà nước chấp thuận về mặt chủ trương...
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ, làn sóng sáp nhập NH hiện nay hoàn toàn theo logic thị trường để có những NH quy mô hơn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, xu hướng sáp nhập NH là tất yếu và tích cực. “Ngành NH phải tái cơ cấu mạnh hơn theo hướng gọn hơn, nhanh hơn để có thể đương đầu với cạnh tranh của NH ngoại. Bởi các NH ngoại đang ra sức đầu tư và “lấn sân” các NH nội ngay trên sân nhà. Hiện tại đã bị “lấn sân”, thì tương lai khi Việt Nam hội nhập sâu và phải mở cửa hơn nữa ngành Tài chính, sẽ không còn rào cản nào”, ông Hiếu nói.
Ông Võ Trí Thành cũng nhìn nhận, sự đe dọa mang tên “NH ngoại” rất đáng lưu ý. Do sự phát triển của dân số và thu nhập bình quân đầu người nên thị trường bán lẻ của Việt Nam đang rất được các NH ngoại chú ý và đây cũng là lợi thế của các NH trước các đối thủ nội. “Tài chính là huyết mạch của nền kinh tế, nên nếu ngành NH có sự tham gia quá lớn của các NH nước ngoài cũng là rủi ro đối với Việt Nam khi các nhà đầu tư ngoại rút vốn. Với mức độ mở cửa hiện nay, Việt Nam cũng phải trả giá ở chiến lược tỷ giá để hạn chế rủi ro nói trên”, ông Thành lưu ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận