Bảo hiểm

Ngân hàng kiếm trăm triệu USD nhờ bán bảo hiểm

28/12/2020, 06:38

Theo tiết lộ của Bloomberg, thương vụ Vietcombank - FWD lên tới 1 tỷ USD, trong đó FWD trả ngay cho Vietcombank 400 triệu USD.

img

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm lại, doanh thu, lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã được bù đắp đáng kể từ hoạt động bán bảo hiểm Ảnh minh họa: Tạ Hải

Các ngân hàng ồ ạt ký kết, hợp tác với các công ty bảo hiểm để phân phối độc quyền bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) nhằm tăng lợi nhuận, bù đắp cho các kênh truyền thống trong thời buổi dịch bệnh.

Ngân hàng ồ ạt phân phối bảo hiểm

Chị Lê Thùy Linh (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cuối tuần qua đã đến gửi tiền tiết kiệm tại chi nhánh Linh Đàm của một ngân hàng thương mại tầm trung có trụ sở ở Hà Nội.

Trong lúc chờ nhân viên ngân hàng hoàn tất thủ tục giao dịch để ký, chị Linh được một nhân viên ngay bàn kế bên “xin mấy phút” để giới thiệu về gói bảo hiểm nhân thọ mà ngân hàng này đang làm đại lý phân phối độc quyền cho một công ty bảo hiểm nhân thọ 100% vốn nước ngoài.

Trong vòng 5 phút, chị Linh được nhân viên này thông tin về số phí nộp hàng năm, mệnh giá bảo hiểm, các loại bệnh được bảo hiểm, danh sách bệnh viện bảo lãnh viện phí…

“Để dễ hình dung, nhân viên này còn nhiệt tình đề nghị chạy thử luôn bảng minh họa trong vòng 15 năm. Anh này còn nói, chỉ tầm hơn 10 triệu đồng mỗi năm là có thể mua được một gói bảo hiểm”, chị Linh kể.

Không chỉ tại đây mà tới giao dịch tại các tổ chức tín dụng khác, chị Linh cũng được nhân viên ngân hàng mời chào, giới thiệu các gói bảo hiểm, thậm chí còn muốn xin email gửi thông tin hay xin gặp trực tiếp ngoài giờ làm việc để tư vấn thêm.

Tương tự, rất nhiều khách hàng tới giao dịch tại các phòng giao dịch hay chi nhánh của các ngân hàng hiện nay đều được mời chào mua các gói bảo hiểm.

Có thể nói, chưa có khi nào ngân hàng lại đổ xô đi bán bảo hiểm nhiều như hiện nay: ACB “bắt tay” với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam, Vietcombank hợp tác với FWD, Techcombank và Manulife Việt Nam, VPBank và AIA, SHB và Dai-ichi Việt Nam, NCB và Prévoir Việt Nam…

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc “bắt tay” với các công ty bảo hiểm là một hướng đi mới.

“Ngân hàng kết hợp với công ty bảo hiểm là một dịch vụ mới của ngân hàng trong bối cảnh các kênh khác như tín dụng hay đầu tư tư đều tăng rủi ro do dịch bệnh. Mỗi ngân hàng có hướng đi riêng, có ngân hàng chọn phát triển thẻ, ngân hàng chọn thanh toán, có ngân hàng lại chọn phân phối bảo hiểm…”, ông Hùng nói. Ông Hùng đánh giá đây là hướng đi tích cực nhưng cũng lưu ý câu chuyện ngân hàng lợi dụng ép khách hàng mua bảo hiểm.

Hai bên có lợi, khách hàng dễ thiệt?

Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, trong bối cảnh kênh tín dụng truyền thống đang gặp khó khăn do dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp không vay vốn thì việc hợp tác với công ty bảo hiểm là cách tạo thêm nguồn thu từ mảng dịch vụ.

“Kênh này có mức độ rủi ro ít, tiền thu được ngay. Với những ngân hàng đẩy mạnh bán lẻ thì đây sẽ là mảng bù đắp rất tốt cho những thiếu hụt ở mảng chính trong bối cảnh hiện nay”, vị này nói và tiết lộ, chiết khấu hoa hồng để lại cho ngân hàng rất cao, từ 90-100% phí trong năm đầu của hợp đồng.

Theo một cách tính khác, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, phí phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng trung bình khoảng 30 USD/khách hàng. Trên cơ sở dữ liệu khách hàng khổng lồ của các ngân hàng, các thương vụ này có giá hàng trăm triệu USD.

Đơn cử như thương vụ Vietcombank - FWD (thời hạn 15 năm) theo tiết lộ của Bloomberg lên tới 1 tỷ USD, trong đó FWD trả ngay cho Vietcombank 400 triệu USD.

Sun Life cũng phải chi trả cho TPBank 75,3 triệu USD để hoàn tất thương vụ phân phối độc quyền. Hay Sun Life cũng phải trả trước cho ACB số tiền theo Công ty Chứng khoán Vietcombank là 370 triệu USD để hoàn tất thương vụ kéo dài 15 năm bắt đầu từ 2021…

Ngân hàng thu được lợi nhuận, công ty bảo hiểm có được nguồn khách hàng khổng lồ từ các ngân hàng và hệ thống phân phối hàng nghìn phòng giao dịch khắp các tỉnh thành.

Nhưng trong bối quan hệ ba bên ngân hàng - công ty bảo hiểm - khách hàng không phải cả ba đều có lợi.

Anh Nguyễn Văn Vinh (trú tại Dịch Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, cách đây mấy ngày phải nhờ bạn làm tư vấn bảo hiểm xem lại hợp đồng bảo hiểm mua cách đây 3 năm qua một ngân hàng.

Theo anh Vinh, mỗi năm anh đóng phí lên tới 35 triệu đồng cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cá nhân. Hiện mức phí này đang trở thành gánh nặng của anh trong bối cảnh công việc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Khi mời mua bảo hiểm, phía nhân viên ngân hàng nói đóng tiền giống như gửi tiết kiệm, lại được bồi thường nếu ốm đau nằm viện. Sau 8 năm có thể rút được toàn bộ tiền nên tôi mới đồng ý tham gia số tiền lớn như vậy”, anh Vinh nói.

Trên thực tế, số tiền phí anh Vinh nộp cho công ty bảo hiểm không thể coi là một khoản tiết kiệm bởi bản chất của bảo hiểm là bảo vệ và tích lũy.

Trong 5 năm đầu tiên, các công ty bảo hiểm sẽ trừ nhiều khoản phí vào số tiền mà khách hàng đóng. Trong năm đầu, số tiền bị trừ đi lên tới 100%, các năm sau sẽ giảm đi tới hết năm thứ 5 của hợp đồng.

Theo cách nói uyển chuyển là “phí rơi” nhưng theo cách nói thẳng của nhân viên ngân hàng tại phòng giao dịch SHB Linh Đàm thì đây là phí phạt chấm dứt hợp đồng trước hạn.

Nếu để “hòa vốn” thì khách hàng sẽ phải đóng phí đủ từ 10 năm. Nên trường hợp của anh Vinh nếu sau 8 năm rút tiền và kết thúc hợp đồng thì số tiền hoàn lại sẽ được đầy đủ.

Hiện, chưa có số liệu tính toán tỷ lệ hủy hợp đồng ở năm thứ hai của khách hàng nhưng con số này chắc chắn không thấp do các trường hợp khách bị ép mua khi vay vốn hay do tư vấn không đủ thông tin dẫn tới hiểu sai lệch như trường hợp của anh Vinh nêu trên.

Một nhân viên bảo hiểm có thâm niên 12 năm tại một công ty trong nước chia sẻ với Báo Giao thông, mỗi công ty bảo hiểm có hàng chục, thậm chí hàng trăm sản phẩm bảo hiểm và chính sách tương đối cạnh tranh. Một trong những giá trị quan trọng của hợp đồng bảo hiểm là chất lượng tư vấn và chăm sóc hậu kỳ hợp đồng. Một gói bảo hiểm giá trị là khách hàng chọn được sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu; đồng thời được hỗ trợ tốt nhất khi phát sinh tình huống chi trả bồi thường. “Nhân viên ngân hàng thường không có kinh nghiệm, kỹ năng cũng như điều kiện để chăm sóc khách hàng từ trước, trong và sau khi ký hợp đồng như nhân viên bảo hiểm. Đây là một “điểm trừ” mà các khách hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn mua bảo hiểm trong quá trình giao dịch tại ngân hàng”, nhân viên này nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.