Phối cảnh dự án Gemek Premium tại khu đô thị Nam An Khánh. Dự án này mới xây xong phần móng chưa lâu, thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ chỉ còn hơn 2 tháng, nhưng các sàn phân phối dự án này vẫn "hồn nhiên" treo tấm biển "hỗ trợ vay ưu đãi. |
Mua nhà có thể... mất nhà?
Ngày 1/6/2016, việc giải ngân gói 30.000 tỷ sẽ kết thúc sau 3 năm đồng hành cùng những người có thu nhập thấp muốn có nhà ở.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là nhiều ngân hàng thương mại đã thông báo từ thời điểm này, các khoản vay của gói trên sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi mà phải chịu lãi suất thương mại.
Ví dụ, khoản vay từ gói 30.000 tỷ của người dân là 600 triệu đồng, trong đó 300 triệu đồng được giải ngân trước ngày 1/6/2016 thì được hưởng lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, phần giải ngân 300 triệu đồng sau ngày 1/6 phải tính theo lãi suất thương mại.
Liên quan đến nội dung trên, bà Đ.N.M (một khách hàng mua nhà) bức xúc nói: “Hợp đồng tín dụng không hề có thông tin về việc khoản giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ phải chịu lãi suất thương mại. Nếu sau 1/6, lãi suất bật tăng thì chúng tôi lấy tiền đâu để trả?".
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính: "Nếu sau 1/6, lãi suất bật lên cao thì sẽ gây thiệt hại cho khách hàng. Khi họ không có sự chuẩn bị hay dự trù về việc trả lãi suất cao thì có thể dẫn đến việc không tuân thủ hợp đồng tín dụng, không có tiền trả lãi ngân hàng và rủi ro lớn nhất là có thể... mất nhà".
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, sau khi ký hợp đồng tín dụng xong, ngân hàng tuyên bố "giải ngân sau 1/6 phải chịu lãi suất thương mại" thì người có thu nhập thấp sao gánh nổi?
"Cho vay mua bất động sản lãi suất không cố định, giống như đặt bẫy khách hàng. Thời điểm họ ký lãi suất thấp, sau đó tăng lãi suất là điều không thể chấp nhận được" chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nói.
Thông tin hợp đồng tín dụng... "mù mịt"
Thông tin "mù mịt" trong hợp đồng tín dụng của Ngân hàng SHB. |
Theo nội dung một số hợp đồng tín dụng PV thu thập được liên quan đến việc vay vốn mua nhà theo gói 30.000 tỷ, đa phần đều không ghi rõ điều khoản "giải ngân sau 1/6/2016 phải chịu lãi suất thương mại".
Cụ thể, trong hợp đồng tín dụng NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Chi nhánh Tây Nam Hà Nội với bà N.T.T (số tiền vay là 660 triệu đồng) chỉ quy định: thời hạn vay 180 tháng kể từ ngày giải ngân vốn vay đầu tiên.
Ngoài ra, trong mục lãi suất vay trong hạn được chia làm 2 giai đoạn, “giai đoạn trước ngày 1/6/2031 mức lãi suất là 5%...”; “giai đoạn từ ngày 1/6/2031 trở đi mức lãi suất được áp dụng theo quy định của ngân hàng trong từng thời kỳ” và không hề có thông tin về việc "giải ngân sau 1/6/2016 phải chịu lãi suất thương mại".
Trong hợp đồng tín dụng của NH TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Chi Nhánh Thăng Long cũng chỉ ghi là: "Mức lãi suất và phương thức điều chỉnh lãi suất đối với các khoản giải ngân trong khoảng thời gian được giải ngân để được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước".
Sắp hết hạn, vẫn chào mời vay gói 30.000 tỷ
Dự án chưa hoàn thành vẫn treo biển hỗ trợ vay gói 30.000 tỷ. |
Trong khi gói 30.000 tỷ chỉ còn đếm từng ngày để kết thúc, thì nhiều sàn phân phối sản phẩm vẫn treo biển "hỗ trợ vay gói 30 ngàn tỷ".
Cụ thể, tại khu đô thị Nam An Khánh, dự án Gemek Premium mới xây xong phần móng chưa lâu nhưng các sàn phân phối dự án này vẫn "hồn nhiên" treo tấm biển nói trên.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giải ngân đến ngày 1/6 /2016 là kết thúc thì chỉ nên cấp cho những dự án hoàn thành trước ngày này.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - đơn vị chủ trì xây dựng chính sách, quản lý, kiểm tra và giám sát gói 30 nghìn tỷ cho biết sẽ xử lý nghiêm các ngân hàng làm sai, không đúng chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
"Ngân hàng thương mại nào mập mờ, đưa ra điều khoản không rõ ràng sẽ bị xử lý nghiêm và công khai trước dư luận để đảm bảo đúng quyền lợi cho khách hàng”, ông Đông nhấn mạnh.
Báo Giao thông tiếp tục làm việc với các Ngân hàng, cơ quan chức năng để thông tin về vụ việc trên.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết, trong trường hợp đến 1/6/2016 mà chưa giải ngân hết số tiền 30.000 tỷ đồng, cơ quan này sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn để các đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình được tiếp tục giải ngân với lãi suất ưu đãi đến hết 30.000 tỷ đồng của toàn bộ Chương trình. Được biết, tính đến 10/3, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận