Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ ra một số ngân hàng rót mạnh vốn vào lĩnh vực chứng khoán là MSB, TPBank, VIB, Techcombank, Vietinbank…
Danh sách này được NHNN nêu trong cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 1/2021 chiều 22/4.
Dư nợ chứng khoán tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước chiếm tới 43,47%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khác chiếm 48,42%.
Một số ngân hàng được NHNN chỉ tên có dư nợ chứng khoán lớn là: Vietcombank (chiếm 25,75% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), BIDV (chiếm 13,47% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương - Techcombank (chiếm 12,46% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank (chiếm 8,91% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), Ngân hàng TMCP Quốc tế - VIB (chiếm 5,25% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), Vietinbank (chiếm 4,25% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), Ngân hàng TMCP Hàng Hải – MSB (chiếm 4,16% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống).
Thống kê theo thời gian của NHNN cho thấy, đến hết tháng 2 dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 42.590 tỷ đồng (giảm 7% so với cuối 2020); Đến tháng 3 tăng lên 45.326 tỷ đồng Chỉ còn giảm 1% so với cuối năm 2020) và đến ngày 14/4 tín dụng cho vay chứng khoán đạt khoảng 46.000 tỷ đồng (tăng 0,7% so với cuối năm ngoái).
Theo số liệu của NHNN, dư nợ cho vay ngắn hạn đối với chứng khoán chiếm tỷ trọng chủ yếu với 96,21%. Còn theo nhu cầu vốn, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán khác chiếm tỷ trọng cao nhất với 70,54%; Tiếp đến là dư nợ đầu tư kinh doanh cổ phiếu chiếm 26,93%.
Trao đổi với báo chí về công tác điều hành chính sách tiền tệ quí 1/2021 của NHNN chiều 22/4, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, sáng 22/4, NHNN có buổi làm việc riêng với Thủ tướng Chính phủ. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ đã nghe các vấn đề liên quan tới thị trường bất động sản và chứng khoán.
“Thủ tướng đã kết luận và giao NHNN phân tích chi tiết tình hình tín dụng vào các lĩnh vực này và phân tích dòng tiền. NHNN đã hoàn thành báo cáo này để ngày mai (23/4 – PV) báo cáo chính thức Thủ tướng các số liệu cụ thể về dòng tiền vào các lĩnh vực này”, ông Tuấn Anh thông tin.
Ông Tuấn Anh cũng cho biết, “Ủy ban Chứng khoán đánh giá tăng trưởng thị trường chứng khoán chưa có vấn đề gì nóng và chưa vượt tầm kiểm soát”, ông Tuấn Anh nói.
Với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9,5 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng cho vay chứng khoán chiếm chưa đến 0,5%.
“Đây là tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, NHNN vẫn tiếp tục theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro là bất động sản, chứng khoán,” ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin.
Trong Hội nghị triển khai công tác tín dụng năm 2021 của ngành ngân hàng ngày 14/4 vừa qua, trước tình trạng tín dụng đổ nhiều vào bất động sản, chứng khoán, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã nhấn mạnh các ngân hàng: “Không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro vì trong hđ NH rủi ro của một tổ chức tín dụng cũng là rui ro của cả hệ thống”.
NHNN cho biết, thời gian tới sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp với định hướng chung, tăng trưởng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Cơ quan này cũng sẽ định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững; Đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; Tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận