Trước đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc lãi suất điều hành để gián tiếp có thêm nguồn vốn “giá rẻ” bơm ra nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN luôn cân nhắc và tính toán khi nào điều kiện chín muồi để thực hiện giảm lãi suất điều hành hay có sự thay đổi đối với các công cụ điều hành chính sách tiền tệ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Ông Tú lý giải, khi đưa ra quyết định thay đổi chính sách tiền tệ không chỉ theo ý chí chủ quan của nhà điều hành mà phụ thuộc vào tính khách quan của nền kinh tế.
“Để đưa ra mức độ, thời điểm điều chỉnh phải tính toán dựa trên yêu cầu của thực tiễn mà trước hết phải đảm bảo được những yêu cầu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp nữa đảm bảo ổn định vĩ mô, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân, hoạt động của ngân hàng để đảm bảo sự ổn định tài chính của ngân hàng thương mại”, Phó Thống đốc nói.
Đại diện NHNN cho hay, năm 2020, NHNN có 3 lần giảm lãi suất điều hành. Đến thời điểm hiện nay, mặt bằng lãi suất vẫn đang ổn định, tương đối phù hợp với diễn biến thực tế. Việc duy trì lãi suất tiền gửi như hiện nay để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.
“Hơn nữa trong điều kiện thực tế hiện nay, vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại, hay đúng hơn là thanh khoản của các ngân hàng thương mại rất dồi dào thể hiện qua lãi suất thị trường liên ngân hàng đang ở mức thấp. Chưa kể, cầu tín dụng của nền kinh tế chưa tăng cao trong thời điểm giãn cách xã hội. Do đó, NHNN nhận thấy việc giảm hệ thống lãi suất điều hành là chưa thích hợp”, ông Đào Minh Tú khẳng định.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng thông tin, NHNN vẫn đang theo dõi chặt các diễn biến để có các công cụ hữu hiệu, vận dụng linh hoạt chính sách tiền tệ đúng thời điểm, từ đó phát huy tác dụng, đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với cam kết giảm lãi suất được 16 ngân hàng thương mại đồng thuận, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ giám sát việc thực hiện các cam kết này theo hướng giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất nhất.
“Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, ông Tú nói.
Được biết, theo tính toán của NHNN, lợi nhuận của 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất sẽ giảm khoảng 20.300 tỷ đồng.
Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết thêm khoảng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch Covid-19 và phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận