Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng phải bơm ra thị trường hơn 600.000 tỷ đồng mới đủ để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm - Ảnh: Tạ Tôn |
3 tháng cuối năm: tín dụng “phải” tăng 10%?
Theo chỉ đạo của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2017 của nền kinh tế được nới từ mức 18% lên 21%. Tuy nhiên, đến ngày 20/9/2017, tín dụng mới chỉ tăng 11,02%. Vậy, tăng trưởng tín dụng có thể đạt thêm 10% trong thời gian chưa đầy 3 tháng nữa không?
Khảo sát thị trường cho thấy, tính đến ngày 30/6/2017, nhiều ngân hàng (NH) thương mại đã tăng trưởng tín dụng gần hết “room”. Cụ thể, VIB đã tăng trưởng dụng 15,7% trên chỉ tiêu 16% cho cả năm 2017. ACB tăng trưởng 11,15% so với chỉ tiêu 16%. HDBank đã tăng gần 18% trên chỉ tiêu 20%. MBBank là 14,6/16%. Đặc biệt, 3 NH lớn: BIDV, Vietcombank, Vietinbank cũng tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm khá cao. Cụ thể, Vietcombank đã tăng 13,86/15%; BIDV tăng 11,4%/18%; Vietinbank tăng 10,2%/16%...
Ông Trần Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc NH Eximbank cho hay, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của cả năm là 12%, nhưng đến nay Eximbank mới tăng trưởng trên 7%. Tuy nhiên, trong 3 tháng còn lại nhu cầu vốn tăng cao nên khả năng NH sẽ hoàn thành kế hoạch như mục tiêu đề ra.
“Việc một số NH xin thêm hạn mức tăng trưởng cũng là điều bình thường và mang tính quy luật trong những tháng cuối năm. Mỗi NH có chiến lược, phân khúc khách hàng, mục tiêu và thế mạnh khác nhau, làm cơ sở để tính toán và cân đối bài toán kinh doanh. Những tháng cuối năm, nhu cầu vốn thường cao gấp nhiều lần các quý, chưa kể đây cũng là những tháng chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh đầu năm nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống có thể cán mốc 21%. Điều này cũng không gây áp lực lên NH thương mại. Vì thực tế, nhiều NH gần như hết “room” từ giữa năm”, ông Lộc nói.
Đại diện VIB thừa nhận tính đến tháng 6/2017, VIB đã dùng gần hết “room” tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 16%. Chính vì thế, ngay từ giữa năm NH đã lên kế hoạch xin nới “room” để có thêm dư địa cho vay những tháng cuối năm. Bởi vậy, việc Chính phủ yêu cầu tăng trưởng từ mức 18% như kế hoạch đã đề ra lên mức 21% không gây áp lực cho các NH thương mại.
Áp lực lên lãi suất trong tương lai
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH cho rằng, nếu từ giờ đến cuối năm chúng ta phải đẩy 10% trên tổng dư nợ của hệ thống, nghĩa là phải bơm ra khoảng 600.000 tỷ đồng trong 3 tháng tới, tương đương tổng tài sản của một NH cấp trung tại Việt Nam. Như vậy, mỗi tháng hệ thống NH sẽ bơm 200.000 tỷ đồng ra thị trường. “Tôi cho rằng, chúng ta không nên lo ngại nền kinh tế có hấp thụ được vốn hay không, bởi nền kinh tế của chúng ta vẫn phụ thuộc vào NH là chính”, ông Hiếu nói.
Vậy, làm cách nào để NH đẩy được 200.000 tỷ đồng mỗi tháng ra thị trường? Chuyên gia tài chính Dương Vũ cho hay, nhu cầu vay vốn vào những tháng cuối năm của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phục vụ hàng Tết, xuất nhập khẩu… rất lớn.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động Ngân hàng SHB mới tung chương trình ưu đãi đến cuối năm 2017: Với khách hàng từ 45 tuổi trở lên gửi tối thiểu từ 20 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng trở lên, sẽ được tặng lãi suất lên đến 0,7%/năm. Còn khách hàng dưới 45 tuổi gửi từ 100 triệu đồng trở lên sẽ được nhận quà tặng. Tại Sacombank áp dụng cho thẻ tiết kiệm kỳ hạn dài hơn là 36 tháng với khoản tiền gửi tối thiểu từ 10 triệu đồng, ưu đãi lãi suất cộng thêm 0,2% so với lãi suất kỳ hạn gốc và thưởng tiền mặt 0,2% tính trên số dư tiền gửi khi khách hàng mở thẻ tiết kiệm. Trong khi đó, huy động kỳ hạn 4-5 tháng tại Sacombank cũng ở mức trần 5,5%. Tương tự như thế, tại Eximbank ưu đãi tăng từ 0,4-0,8% so với lãi suất tiết kiệm thông thường tại nhà băng này và kèm thêm quà tặng tại các kỳ hạn khác nhau. Và hàng loạt NH huy động ngắn hạn đã ở mức kịch trần như Ngân hàng VietABank, VPbank, DongAbank, SCB, Vietbank, VNCB, GPBank, Saigonbank kỳ hạn từ 3-5 tháng cũng ở mức trần 5,5%. |
Bên cạnh đó, ông Hiếu dự báo, bất động sản sẽ là kênh hút vốn nhanh nhất và nhiều nhất. “Trong dòng tiền bơm ra thị trường, tôi cho rằng tỉ lệ dành cho bất động sản và chứng khoán chiếm tỉ lệ nhiều nhất”, ông Hiếu nói và cho biết thêm, điều đáng lo ngại nhất là chất lượng tín dụng. Với một lượng tiền lớn được bơm ra như vậy, nếu không kiểm soát thận trọng thì có thể xảy ra những hệ lụy về sau. Như xảy ra lạm phát mà không phải năm nay mà năm sau và sau nữa.
Mới đây, Công ty tư vấn thị trường DKRA Việt Nam đưa ra nhận định, trong quý 4/2017, thị trường căn hộ TP HCM sẽ tung ra khoảng 10.000-14.000 căn. Phân tích thị trường cho thấy nhu cầu vẫn tăng, sức hấp thụ tiếp tục được duy trì. Như vậy, nếu tính phân khúc căn hộ trung bình có giá khoảng 2 tỷ đồng/căn và khoảng 60-70% số lượng căn hộ giao dịch thành công thì sẽ bơm ra thị trường khoảng 16.000 tỷ đồng, chưa tính tiền bơm vào phân khúc nhà trên 2 tỷ, phân khúc nhà phố, biệt thự, đất nền. Khảo sát này cũng chỉ mới thống kê thị trường TP.HCM chứ chưa thống kê thị trường khác như: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… Điều đó cho thấy, tăng trưởng tín dụng bơm ra nhanh nhất, nhiều nhất vẫn nhờ vào thị trường địa ốc.
Đồng quan điểm này, một lãnh đạo NH cho rằng, từ đầu năm đến nay tăng trưởng huy động chỉ chiếm 10% tuy nhiên tăng trưởng cho vay tới 11%. Điều đó cho thấy NH đang khát vốn. Với áp lực tăng trưởng tín dụng cao từ giờ đến cuối năm, sẽ tạo áp lực lên NH phải tăng huy động và tăng cho vay. Các NH muốn tăng cho vay để bơm tiền ra thị trường sẽ buộc phải tăng lãi suất để huy động vốn ra. Bởi vậy, việc kìm hãm lãi suất cả hai đầu là điều vô cùng khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận