Thị trường

Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp vẫn "đói"

26/02/2014, 06:47

Sau Tết, lượng tiền gửi tiết kiệm dồn về nhiều, các ngân hàng đã liên tục hạ lãi suất tiền gửi và cả lãi suất vay. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay.

Sau Tết, lượng tiền gửi tiết kiệm dồn về nhiều, các ngân hàng đã liên tục hạ lãi suất tiền gửi và cả lãi suất vay. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay.
 

Nguồn tiền ở nhiều ngân hàng đang thừa nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay
Nguồn tiền ở nhiều ngân hàng đang thừa nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay


Lãi suất giảm sâu

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước quy định, lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn dưới 6 tháng là 7%/năm, nhưng trên thực tế, mức trần này hiện đã bị nhiều ngân hàng thương mại phá vỡ. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng của BIDV là 5,8%, 2 tháng là 6,5%, 3 tháng là 6,75%. Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng của Agribank là 6%, 2 tháng là 6,5%. ACB Bank đưa ra mức lãi suất chung 6,5% cho kỳ hạn 1-3 tháng. Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng của SEAbank  là 6,8%, 2 tháng là 6,85% và 3 tháng là 6,9%. Mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng của An Bình Bank là 6,8%... Hàng loạt các ngân hàng VIB, Sacombank, Eximbank, Techcombank... có mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ 6,2-6,5%/năm.
 

"Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó vay vốn ngân hàng, nhưng chủ yếu là do doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện về tài sản đảm bảo. Nếu các quy định hiện hành không giảm bớt yêu cầu về tài sản đảm bảo thì dù lãi suất cho vay có hạ, dù nguồn vốn của ngân hàng có thừa, doanh nghiệp cũng khó có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay”.

TS. Cao Sĩ Kiêm
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa

Về nguyên nhân giảm lãi suất vay, hầu hết đại diện các ngân hàng đều lý giải: Sau Tết, nhiều người đem tiền đi gửi tiết kiệm, cộng thêm nhiều khoản tiền trước đây mua trái phiếu, tín phiếu được đáo hạn... nên dòng tiền đang quay trở lại hệ thống ngân hàng khá nhiều. Trong khi đó, tình hình kinh tế vẫn khó khăn, nguồn tiền cho vay - đầu ra bị hạn chế, tức cung nhiều mà cầu thấp nên các ngân hàng buộc phải cân đối giảm lãi suất huy động, tiết kiệm thêm chi phí đầu vào.

Đồng tình với những lý giải này, TS. kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, ngân hàng cắt giảm lãi suất đầu vào trong bối cảnh vốn đầu ra gặp khó là đương nhiên, bởi nếu ngân hàng huy động nhiều mà không cho vay ra được sẽ bị lỗ, ảnh hưởng đến lợi nhuận, việc giảm lãi suất huy động chính là cơ hội để giảm thêm lãi suất cho vay.

Doanh nghiệp vẫn khó vay

Mặc dù lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện chỉ còn 7-10% và còn có xu hướng giảm tiếp theo đà giảm của lãi suất huy động, nhưng nhiều doanh nghiệp cũng không thấy vui mừng bởi khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng vẫn rất khó khăn. Anh Trần Lâm - Giám đốc Công ty Đồ gỗ nội thất Sông Hồng cho hay, muốn được vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải có hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh, hồ sơ vay vốn, hồ sơ về tài sản đảm bảo... “Doanh nghiệp có thể chứng minh được năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự; Chứng minh được mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp; có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... nhưng rào cản vướng nhất là hồ sơ về tài sản đảm bảo. Những năm qua, doanh nghiệp làm ăn khó khăn và đã thế chấp bất động sản, xe hơi cho ngân hàng, giờ muốn vay vốn để “vượt khó” tiếp tục sản xuất, kinh doanh thì không ngân hàng nào chấp nhận cho doanh nghiệp dùng hợp đồng, hàng tồn kho làm tài sản thế chấp để đảm bảo cho vay nữa...”, anh Trần Lâm kể.

Đứng ở góc độ ngân hàng, Tuấn Dũng - nhân viên tín dụng của Agribank thừa nhận, đúng là hồ sơ xin vay thì nhiều nhưng hồ sơ được duyệt vay thì còn ít và điều kiện doanh nghiệp khó vượt qua nhất là tài sản đảm bảo. Anh Tuấn Dũng cho biết, nhiều doanh nghiệp đề nghị thế chấp bằng hợp đồng xuất khẩu, bằng hàng tồn kho... nhưng những tài sản thế chấp này dễ đem đến rủi ro lớn cho ngân hàng. Thực tế đã xảy ra trường hợp một kho cà phê được thế chấp nhưng bên trong toàn rác; hoặc đã có doanh nghiệp “móc ngoặc” với nhân viên bảo vệ kho hàng đánh tráo hàng đã thế chấp cho ngân hàng trong kho... “Quy định của ngân hàng là nhân viên tín dụng phải chịu trách nhiệm cho khoản tín dụng mình đã cấp, nếu biết doanh nghiệp đã từng có nợ xấu, không còn tài sản “cứng” như bất động sản, xe hơi để thế chấp thì dù có phương án sản xuất, kinh doanh tốt cách mấy, nhân viên tín dụng cũng chẳng dám nhận vì khả năng rủi ro, không đòi được nợ là rất cao, nhân viên tín dụng mất việc như chơi”, anh Tuấn Dũng chia sẻ.


Quỳnh Anh - Hoàng Minh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.