Bất động sản

Ngăn hệ lụy khi đất đấu giá bị “thổi”, bỏ cọc

25/09/2024, 09:01

Khởi điểm thấp đã thu hút nhiều khách hàng tham gia đấu giá đất, song mặt khác làm gia tăng trường hợp bỏ cọc, gây rối loạn thông tin thị trường bất động sản.

Buôn cọc kiếm lời

Cuộc đấu giá 68 thửa đất, diện tích từ 60 - 85m2/thửa, tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội hơn một tháng trước đã gây xôn xao dư luận. Những lô đất có giá khởi điểm từ 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2, được trả lên tới 51 - 100 triệu đồng/m2, tổng giá khởi điểm lô đất 1 tỷ đồng được "thổi" lên 7 tỷ đồng. 

Ngăn hệ lụy khi đất đấu giá bị “thổi”, bỏ cọc- Ảnh 1.

Khu đất vừa được đưa ra đấu giá tại huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Đáng nói, đến nay, chỉ có 13 khách hàng đóng tiền, là những người trúng đấu giá ở mức 55 triệu đồng/m2. Mức giá này được cho là tương ứng với giá mặt bằng chung trên địa bàn. Còn 55 thửa đất có giá trúng đấu giá cao hơn, trong đó có lô được trả 105 triệu đồng/m2 đã bỏ cọc.

Việc bỏ cọc xuất hiện và dự báo sẽ lan rộng trong thời gian tới khi nhiều lô đất đấu giá tại Hà Nội được trả giá cao gấp 18 lần giá khởi điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do nhiều địa phương xác định giá khởi điểm, tiền đặt cọc thấp, tạo khe hở cho nhiều cá nhân lợi dụng đấu giá, bán lướt cọc kiếm lời.

Người tham gia đấu giá đánh đổi, bỏ ra tiền cọc 100 - 200 triệu đồng/lô để có cơ hội thu về 400 - 600 triệu đồng/lô. Không may mắn, họ bỏ cọc thay vì phải đóng vào vài tỷ đồng, rồi "đắp chiếu" trên đống đất.

Nhiều hệ lụy

Với các nhóm đầu tư bất động sản chung, nếu bỏ cọc, mỗi người chỉ mất vài chục triệu đồng, việc này không ảnh hưởng nhiều đến của họ. Thế nhưng, bỏ cọc tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản. 

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, việc đấu giá cao rồi bỏ cọc vừa qua là có chủ đích, toan tính; có thể thông qua đấu giá để tạo độ nóng tại khu vực người tham gia đấu giá có sở hữu nhiều đất đai. "Bỏ cọc làm chính sách đấu giá bị ảnh hưởng, làm nhiễu loạn, gây méo mó thị trường bất động sản", ông nói.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Property Guru Miền Nam cho rằng, sau những cuộc đấu giá gây xôn xao thị trường, không chỉ các nhà đầu tư mà những người dân bình thường sẽ nghĩ tới mốc 100 - 130 triệu đồng/m2 khu vực vùng ven.

Mốc này cũng là mốc để giá đất ở trong khu vực bán kính đấu giá tăng theo một cách bất thường, bất chấp giá trị kinh doanh hay giá trị sử dụng mang lại. Bên cạnh đó, những phiên đấu giá tiếp theo nếu có ở các khu vực khác sẽ lại có những mức giá cao hơn nhiều.

Người dân có nhu cầu mua thật sẽ rất khó mua trong giai đoạn này khi người bán sẽ giữ tâm lý tăng giá lên so với giá trị thị trường. Người có tiền sẽ đổ xô đi mua đất hy vọng kiếm lợi nhuận. Bên cạnh đó, người không có nhu cầu ở thật sẽ tập trung dòng tiền vào bất động sản thay vì cho hoạt động kinh tế khác. Người cần nhà không có đủ tiền mua, người có tiền thì lại găm vào đất.

Ghi nhận của PV, những khu vực xung quanh khu đất đấu giá được đẩy lên 5 - 10 triệu đồng/m2, thậm chí có những chỗ cao hơn. Điều này cũng có nghĩa, giá tham chiếu để xác định giá thu hồi đất giải phóng mặt bằng làm hạ tầng giao thông nói riêng, hạ tầng nói chung tới đây sẽ tăng, gây áp lực cho nguồn vốn ngân sách.

Người bỏ cọc sẽ bị cấm đấu giá?

TS Đinh Thế Hiển cho rằng, để "trị bệnh" bỏ cọc đấu giá đất, các địa phương cần có phương án chặt chẽ và an toàn. Mức giá khởi điểm đưa ra phải phù hợp với thị trường. Từ đó, xác định tiền đặt cọc cũng phải tương xứng. 

"Cần cấm hoặc không cho phép tham gia đấu giá trong thời gian nhất định với những người từng bỏ cọc đấu giá", ông Hiển nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, sở đang xem xét một số giải pháp, trong đó tập trung đấu giá đất cho các tổ chức thay vì đấu giá cho các cá nhân hiện nay. "Những trường hợp bỏ cọc sẽ lựa chọn hình thức xử phạt nghiêm, công khai thông tin người bỏ cọc, hạn chế người bỏ cọc tham gia đấu giá 5 năm, thậm chí dài hơn theo quy định của pháp luật", ông Nam chia sẻ.

Ông Nguyễn Công Quảng, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết thêm, giải pháp nào cũng dựa theo quy định, nếu không thay đổi bảng giá đất thì khởi điểm vẫn vậy. Do đó, Hà Nội cần ban hành bảng giá đất mới. 

"Nhìn đi cũng phải nhìn lại, điều chỉnh giá đất tác động lớn đến người dân - những người có nhu cầu chuyển đổi đất an sinh, đền bù thu hồi giải phóng mặt bằng. Do đó, giá đất mới cũng cần điều chỉnh từ từ, có lộ trình, không đột ngột, tăng sốc, dẫn đến bất ổn thị trường bất động sản. Việc TP.HCM dự thảo bảng giá đất gây sốc khi có nơi lên 800 triệu đồng/m2 là một ví dụ điển hình", ông Quảng bày tỏ. 

Trước đó, UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường trên địa bàn, như tại huyện Thanh Oai, giá trúng cao gấp 7 - 8 lần giá khởi điểm; huyện Hoài Đức cao nhất gấp 18 lần.

Lãnh đạo TP Hà Nội đánh giá, việc trúng giá cao bất thường nêu trên có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở, bất động sản. Do đó, UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp ngay với các sở, ngành liên quan kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.