Y tế

Ngăn hệ lụy từ trầm cảm sau sinh

13/10/2022, 06:26

Dù trầm cảm sau sinh đã được nhắc tới trong nhiều năm qua, song thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc.

Các bác sĩ đưa ra khuyến cáo cần thiết để tránh hệ lụy từ căn bệnh này.

Mất kiểm soát hành vi

img

Một ca trầm cảm sau sinh đang được điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai

Cách đây không lâu, tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang xảy ra sự việc đau lòng khi một người mẹ đã đạp gãy xương đùi cậu con trai nhỏ.

Tại cơ quan công an, người mẹ khai, bực tức việc con trai nghịch ngợm làm mất chìa khóa xe nên đã mất bình tĩnh, không kiểm soát được hành vi. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn được xác định là do bà mẹ này bị trầm cảm sau sinh.

Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, BV Bạch Mai cũng từng tiếp nhận một nữ bệnh nhân trẻ tuổi tên T.B.T, trong tình trạng tinh thần bất ổn, la hét và cáu gắt.

Người nhà bệnh nhân cho hay, T. đang là sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học tại Quảng Bình, đã tạm nghỉ học để lập gia đình. Do có thai khi đang học và chưa cưới nên T. đã trải qua những ngày tháng căng thẳng. T. luôn có cảm giác mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực.

Đỉnh điểm, T. đã tự rạch bụng mình, may mắn gia đình phát hiện kịp thời, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Cu Ba. Tại đây, T. được chẩn đoán trầm cảm sau sinh.

Tuy nhiên, sau khi điều trị ổn định, về nhà chỉ thời gian ngắn sau đó, T. trở lại trạng thái trước và nhiều lần có ý định tự sát. Chính vì vậy gia đình đưa T. phải đưa ra Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, BV Bạch Mai khám và điều trị.

May mắn hơn vì chưa gây tổn hại đến sức khỏe bản thân hay con nhỏ, H., một bà mẹ trẻ đã tự tìm đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần sau khi có suy nghĩ “không muốn nhìn thấy mặt con, vì ám ảnh tiếng khóc ngằn ngặt mỗi đêm” và đã từng hành động tì chặt bầu vú vào mặt trẻ khi trẻ đang bú, nhưng rồi kịp thời dừng lại.

Ths. BS. Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, ông cũng đã từng điều trị cho những bà mẹ trầm cảm nặng sau sinh và mất kiểm soát về hành vi: “Nhiều trường hợp mẹ quá stress vì con quấy khóc, đã quăng con mạnh xuống giường nhiều lần, may mắn là bé không bị chấn thương sọ não. Một vài trường hợp khác thì người mẹ rạch tay, rạch bụng hoặc dọa tự tử. Thậm chí, có những người mẹ không buồn chăm sóc, cấu véo để lại vết bầm tím trên da trẻ”.

Không được chủ quan

TS. Vũ Thy Cầm, Trưởng Phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ trầm cảm sau sinh như thay đổi nội tiết, thay đổi hoóc môn, thay đổi về tâm lý, xã hội.

Việc trẻ quấy khóc đêm khiến cho phụ nữ căng thẳng nhiều hơn, là yếu tố thúc đẩy việc trầm cảm bởi sau sinh, cơ thể người mẹ đã phải đối mặt với việc nồng độ estrogen và progesterone giảm mạnh đột ngột, khiến các bà mẹ nhạy cảm, dễ buồn phiền; không được nghỉ ngơi, được chăm sóc và vỗ về từ người thân.

80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm đúng mức. Nhưng, hiện nay ước tính gần 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán kịp thời tại các cơ sở y tế, gây khó trong việc phát hiện, can thiệp, hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia

ThS. BS. Nguyễn Minh Mẫn phân tích: Có nhiều triệu chứng về rối loạn trầm cảm sau sinh, trong đó triệu chứng đầu tiên liên quan về thể chất.

Người phụ nữ không muốn chăm sóc bản thân, họ chán mọi thứ, đồng thời, không muốn giao tiếp với xã hội, cảm thấy cuộc đời bế tắc.

Khi có dấu hiệu bất ổn kéo dài trên 2 tuần thì sản phụ nên đi gặp chuyên gia tâm lý lâm sàng hoặc bác sĩ về tâm thần để can thiệp kịp thời.

BS. Mẫn khuyến cáo, đề phòng tránh trầm cảm sau sinh, người phụ nữ khi mang bầu phải được hỗ trợ chăm sóc đúng cách, giúp cho họ không bị mặc cảm về hình thể khi mang bầu và sau sinh.

Đồng thời, gia đình và người thân giúp cho họ không bị cô đơn khi khi vượt cạn. Bên cạnh đó, phụ nữ sau sinh cũng nên có những bài tập thể dục phù hợp giúp lấy lại được vóc dáng, sự tự tin; chủ động tương tác với mọi người xung quanh.

Cùng quan điểm. BS. Cầm khuyến nghị: Người phụ nữ sau sinh cần học cách thư giãn, giải tỏa căng thẳng mệt mỏi; không nên áp đặt bản thân làm những việc quá sức, cố gắng ngủ đủ giấc. Khi có dấu hiệu trầm cảm cần được khám sớm tại chuyên khoa tâm thần.

“Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh có thể khởi phát ở bất kỳ thời điểm nào trong vòng 1 năm đầu sau sinh. Biểu hiện trầm cảm sau sinh ở nhiều mức độ khác nhau và thường có các triệu chứng như bồn chồn, lo lắng, mất ngủ, lo âu, nghĩ bản thân và đứa bé là gánh nặng, có ý định tự sát hoặc sát hại con...”, BS. Cầm lưu ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.