LTS: Nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam châu Á tạo thuận lợi cho các chuyến bay nối chuyến trên các đường bay Đông - Tây, Bắc - Nam, Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành khi đưa vào khai thác sẽ từng bước phát triển, trở thành cảng hàng không trung chuyển, góp phần tạo động lực phát triển KT-XH, du lịch của khu vực Đông Nam Bộ và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu cơ bản hoàn thành đồng bộ vào cuối năm 2025. Thế nhưng, tiến độ đầu tư các tuyến giao thông kết nối với sân bay này lại đưa đáp ứng kỳ vọng.
Báo Giao thông khởi đăng loạt bài: Ngăn nguy cơ thiếu kết nối khi cảng hàng không Long Thành vào khai thác phản ánh thực trạng, giải pháp để lộ trình triển khai các tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Kỳ 1: Phương tiện tăng nhanh, đường hiện hữu cần "chia lửa"
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được đẩy tiến độ hoàn thành trước 31/12/2025. Các tuyến giao thông kết nối kịp thời được đưa vào khai thác, bảo đảm sự lưu thông thuận tiện giữa TP.HCM, các tỉnh lân cận với "siêu sân bay" lớn nhất cả nước là vấn đề được nhiều người quan tâm…
Loạt tuyến đường quá tải
Chiều 21/12, trước khi chuẩn bị hành trình chở khách từ TP.HCM đi Vũng Tàu, anh Bùi Công Tuấn (Q.11, TP.HCM) lên ứng dụng bản đồ để xem tình hình giao thông, nhất là đoạn qua cao tốc TP.HCM - Long Thành.
Từ quận 11 đến Vũng Tàu theo chỉ dẫn của bản đồ điện tử, thời gian khoảng 4 giờ cho quãng đường 103km. Song, đó chỉ là tính toán lý thuyết.
"Tuần trước, tôi cũng chở khách đi Vũng Tàu nhưng mất hơn 5 tiếng mới đến nơi. Từ nhà cũng đã xem trước lộ trình thấy đường thoáng. Ra đến nút giao An Phú, CSGT chặn đường không cho lên vì trên cao tốc có sự cố, phải đi theo quốc lộ 1 về ngã tư Vũng Tàu, theo quốc lộ 51 xa hơn rất nhiều, lại kẹt xe, về đến nơi là tối", anh Tuấn kể.
Là lái xe chuyên chở khách hợp đồng từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Vũng Tàu, anh Bùi Văn Chiến cũng ngao ngán với "đặc sản" ùn ứ giao thông trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
"Nút thắt lớn nhất phải kể đến là cầu Long Thành", anh Chiến nói và cho biết, cây cầu này chỉ có 2 làn xe, không có làn khẩn cấp, sự cố xảy ra dòng xe gần như "giậm chân tại chỗ" trong khoảng thời gian dài.
"Mới đây nhất, sáng 24/12, tôi nhận chở 5 khách từ Tân Sơn Nhất đi Vũng Tàu. Đi một đoạn trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là cùng hàng chục xe khách xếp hàng dài. Tìm hiểu mới biết có chiếc xe container bị cháy ở khu vực dốc cầu. Lực lượng chức năng phải rất vất vả mới có thể thông đường.
Hôm đó, sau hành trình khoảng 6 tiếng chúng tôi mới về đến Vũng Tàu trong khi bình thường, thời gian chỉ mất khoảng 3 tiếng", anh Chiến nói.
Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E - đơn vị quản lý vận hành) cho biết, trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, lưu lượng phương tiện tăng trung bình 10-11%/năm. Tình trạng kẹt xe, ùn tắc diễn ra thường xuyên vào dịp cuối tuần, lễ tết.
Ở hướng từ TP.HCM đi Long Thành, thời gian ùn ứ thường từ 6 giờ đến 11 giờ sáng tại đoạn Km4 - Km12. Hướng từ Long Thành đi TP.HCM thường ùn ứ đoạn Km12 - Km23 vào chiều và tối.
Đặc biệt, cầu Long Thành mỗi bên chỉ có 2 làn xe, độ dốc cao, thường xảy ra va chạm giao thông. Mỗi lần như vậy, các phương tiện chôn chân nhiều giờ liền trên cao tốc, buộc CSGT phải đóng đường, hướng dẫn tài xế lưu thông qua hướng khác.
"Đoạn tuyến từ TP.HCM đi Long Thành đã vượt quá giới hạn thông hành năng lực 4 làn xe, khó đáp ứng được khả năng thông hành khi CHK quốc tế Long Thành đưa vào sử dụng", bà Phương nói và dẫn chứng, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, xe lưu thông trên tuyến cao tốc đạt gần 12 triệu lượt, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2023. Lưu lượng đã vượt 25% so với năng lực.
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, dự kiến 80% lượng hành khách quốc tế từ Tân Sơn Nhất sẽ chuyển về Long Thành.
Công suất thiết kế giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách/năm của sân bay Long Thành sẽ tạo áp lực lớn lên các tuyến đường kết nối, đặc biệt là cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Hạn chế tình trạng ùn tắc mỗi khi trên cao tốc xảy ra sự cố, QL51 là tuyến đường được lựa chọn điều tiết phương tiện về Long Thành.
Thế nhưng, Khu Quản lý đường bộ 4 cho biết, tuyến quốc lộ dài gần 74 km này cũng đang xuống cấp trầm trọng. "Lưu lượng xe qua tuyến lên tới 60.500 xe/ngày đêm, gấp 5-6 lần so với thiết kế ban đầu. Dự án BOT quốc lộ 51 cũng đã dừng thu phí từ tháng 1/2023 nên nhà đầu tư dừng duy tu, một số đoạn trên tuyến đã xuống cấp", đại diện Khu Quản lý đường bộ 4 thông tin.
Dưới góc độ cơ quan nghiên cứu, ông Lê Văn Đạt, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, các tuyến đường bộ kết nối hiện nay đến CHK quốc tế Long Thành còn rất hạn chế, nhiều đoạn tuyến đã mãn tải.
Tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, "nóng" nhất là các tuyến: QL1 (đoạn qua Bến Lức, Long An; Xuân Lộc - Đồng Nai); QL.51 (đoạn Long Phước - Long Thành, nút giao QL.51 với ĐT.25B - ra vào Khu công nghiệp Nhơn Trạch); cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao QL51 đến đầu tuyến; nút giao thông An Phú, nút giao với QL.51 và tại các trạm thu phí); Cao tốc TP.HCM; QL22 (đoạn qua Củ Chi - TP.HCM)…
"Ngoài ra, hướng kết nối qua phà Cát Lái không thuận tiện, thời gian di chuyển lâu, đường Nguyễn Thị Định lưu lượng giao thông lớn, ùn tắc giao thông diễn ra "như cơm bữa", ông Đạt cho hay.
Lo chậm tiến độ các cao tốc nối sân bay
Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng cho khu vực phía Nam, tạo thuận lợi kết nối khi CHK quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác, nhiều dự án giao thông lớn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư. Thế nhưng, việc triển khai các dự án vẫn đang gặp nhiều thách thức, chưa đạt được tiến độ như kỳ vọng.
Như dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, phương án mở rộng từ 4 làn lên 8 - 10 làn xe đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Song, phương án vốn cho Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện dự án đến nay vẫn chưa được chốt.
Lãnh đạo VEC cho biết, để thực hiện dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành phải mất từ 24 - 30 tháng. Nếu triển khai từ đầu năm 2025 phải đến năm 2026 mới hoàn thành.
Một hướng khác là cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến sân bay Long Thành, không phải đi ngang qua TP.HCM sau nhiều năm tạm dừng vì vướng mắc đã được tái khởi động từ cuối năm 2023.
Ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc VEC cho biết, theo kế hoạch, trước tết sẽ đưa vào khai thác đoạn 3,4km phía Tây từ cao tốc Trung Lương đến quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) và hơn 6 km đoạn phía Đông từ cảng Phước An đến quốc lộ 51.
Đến 30/4/2025, dự án sẽ thông xe 22 km, phía Tây từ cao tốc Trung Lương đến đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè); Dự kiến đến 2/9/2025, cầu Bình Khánh sẽ được hoàn thành.
Nỗ lực thi công dự án nhưng mục tiêu nối thông toàn tuyến Bến Lức - Long Thành trong năm 2025 không thể thực hiện bởi công trình cầu Phước Khánh (gói J3-1) đến nay chưa thể tái khởi động.
Mới đây, Bộ GTVT đã có cáo báo Thủ tướng Chính phủ xin lùi thời hạn thực hiện dự án một năm, từ tháng 9/2025 sang tháng 9/2026.
"Theo phương án đề xuất, VEC sẽ sử dụng nguồn vốn tự thu xếp cho gói thầu J3-1, tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, huy động công trường và triển khai thi công xây dựng.
Dự kiến, đến tháng 1/2025, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư sẽ hoàn thành. Đến tháng 2/2025 hoàn thành thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư. Từ tháng 3/2025, việc thi công cầu Phước Khánh sẽ được triển khai và hoàn thành vào tháng 4/2026", đại diện VEC thông tin.
Chia tải cho quốc lộ 51, tuyến đường bộ cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu cũng đang được đầu tư.
Trái ngược với đoạn từ Vũng Tàu đến Long Thành đang thi công tốt, có thể hoàn thành dịp 30/4/2025, đoạn từ Biên Hoà về Long Thành tiến độ lại đang rất chậm.
Báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho thấy, tính đến cuối tháng 12/2024, dự án thành phần 1 qua tỉnh Đồng Nai mới đạt 11% sản lượng thi công, chậm tiến độ tới 23% so với kế hoạch. Dự án thành phần 2 cũng mới đạt 21% sản lượng, chậm 10%. Nguyên nhân chính được xác định do công tác GPMB còn rất chậm.
Đáp ứng mục tiêu sớm đưa dự án vào khai thác năm 2025, Bộ GTVT đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ GPMB, vận động người dân bàn giao mặt bằng trong quý 1/2025 để nhà thầu tăng tốc. Song, mốc thời gian này được nhận định tương đối khó khăn bởi khối lượng công việc còn lại quá lớn.
Tín hiệu tích cực tại khu vực là cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A Vành đai 3 TP.HCM đang có tiến độ tốt, đang chạy đua hoàn thành 30/4/2025.
Công trình này hoàn thành, các phương tiện từ TP.HCM về Long Thành có thể rẽ phải để đi cầu Nhơn Trạch, tránh cầu Long Thành đang quá tải.
Nút thắt hiện nay là đường Vành đai 3 qua TP.HCM và Đồng Nai phải đến cuối năm 2025 mới thông xe kỹ thuật, năm 2026 mới đưa vào khai thác. Đồng nghĩa, phương tiện qua cầu Nhơn Trạch cũng phải sử dụng tạm các tuyến đường chật hẹp trong đô thị Nhơn Trạch mới đến được sân bay Long Thành.
Khẳng định việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối sân bay Long Thành với khu vực Đông Nam Bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, theo TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn, giai đoạn trước mắt, hệ thống đường cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cần mở rộng, Bến Lức - Long Thành, Biên Hoà - Vũng Tàu phải tăng tốc đầu tư, hoàn thiện đưa vào khai thác khi sân bay hoàn thành.
"Sau đường bộ, chúng ta mới tính tới đầu tư dự án giao thông kết nối khác, đặc biệt là hệ thống đường sắt kết nối với TP.HCM.
Hệ thống giao thông kết nối sân bay với các khu thương mại, văn phòng, đô thị trong bán kính 5 - 10km như thế nào cũng phải tính tới, đảm bảo điều kiện phát triển Long Thành là thành phố sân bay theo quy hoạch", ông Sơn chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận