LTS: Từ những bài học thực tiễn trong quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, bước sang 12 dự án thành phần giai đoạn 2, loạt cơ chế đặc thù về cấp phép mỏ vật liệu đã được Nghị quyết 18 của Chính phủ cho phép áp dụng nhằm tăng tính chủ động cho nhà thầu.
Tuy nhiên, đến nay nhiều nhà thầu vẫn đang rơi vào cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”.
Báo Giao thông khởi đăng loạt bài Ngăn nguy cơ trục lợi vật liệu làm cao tốc, phản ánh những vướng mắc trong việc huy động vật liệu hoàn thành dự án giao thông trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ.
Công ty TNHH MTV Vận tải Phúc Bảo An khai thác đất tại mỏ Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Ảnh: Lê Đức.
Kỳ 1: Trữ lượng đủ, công suất thiếu, giá “nhảy múa”
Gần 3 tháng kể từ khi dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được khởi công, tại một số địa phương, giá chào bán vật liệu của chủ mỏ thương mại có dấu hiệu vượt giá niêm yết gây khó khăn cho các nhà thầu.
Lo thiếu hàng triệu m3 vật liệu
Đứng đầu liên danh nhà thầu thi công gói thầu XL2 dự án đoạn Vũng Áng - Bùng, những ngày qua, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành không ngừng tận dụng tối đa diện tích mặt bằng sạch được bàn giao để mở rộng phạm vi thi công. Từ 1km ban đầu, đến nay, chiều dài công trường đã là 10km.
Tiến độ cơ bản được đảm bảo, nhưng nỗi lo lớn nhất của nhà thầu lúc này là nguồn cát đắp để tăng tốc hạng mục nền đường. Riêng năm 2023, nhu cầu vật liệu cát khoảng 600.000 - 700.000m3.
Kết quả khảo sát cho thấy, trữ lượng cát tại các mỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đáp ứng đủ cho dự án. Song, do công suất cấp phép quá thấp, khối lượng nhà thầu dự kiến huy động được tính đến nay mới chỉ được khoảng 100.000m3.
Tại khu vực ĐBSCL, dù trữ lượng cát theo quy hoạch đáp ứng đủ nhu cầu, song hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đang thường trực nguy cơ thiếu cát đắp.
Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, theo tính toán, tổng nhu cầu cát đắp thi công đoạn Cần Thơ - Cà Mau khoảng 18,5 triệu m3 cát. Riêng năm 2023, khối lượng cát cần có là 11 triệu m3.
Tuy nhiên, hiện tại, các địa phương mới có chủ trương bố trí khoảng 3 triệu m3 trong năm 2023, chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu.
Trong đó, tỉnh An Giang đã có chủ trương nâng công suất 4 mỏ đang khai thác lên 1,1 triệu m3 cấp cho dự án. Tỉnh Đồng Tháp đã có quyết định nâng công suất các mỏ đang khai thác thêm 371.000m3 cấp cho dự án.
Hai mỏ mới cũng được địa phương giới thiệu với trữ lượng 1,52 triệu m3. Nếu thuận lợi, qua tháng 6/2023, nhà thầu có thể bắt đầu khai thác.
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), số liệu thống kê từ Chi cục Khoáng sản Miền Nam cho thấy, khu vực ĐBSCL đến nay đã cấp phép 66 giấy phép khai thác với tổng trữ lượng khoảng 71 triệu m3, công suất khai thác khoảng 15,6 triệu m3/năm. Song, hiện nay, một số giấy phép đã hết hạn, một số giấy phép không được gia hạn.
Theo báo cáo của tư vấn và các địa phương, tổng trữ lượng các mỏ trong quy hoạch khoảng hơn 215 triệu m3.
Đối với các mỏ dự kiến sử dụng (82 mỏ đá, trữ lượng hơn 152 triệu m3; 103 mỏ cát, trữ lượng khoảng 32 triệu m3; 89 mỏ đất có trữ lượng hơn 113 triệu m3) đều đáp ứng về trữ lượng, chất lượng để phục vụ dự án nhưng khả năng khai thác, cung ứng theo giấy phép khai thác như hiện nay chưa đáp ứng tiến độ thi công.
So với tổng nhu cầu vật liệu cát của các dự án (khoảng 9,04 triệu m3, trong đó, dự kiến lấy tại các mỏ chưa cấp phép 4,41 triệu m3; từ các mỏ đang khai thác 4,63 triệu m3), với tổng công suất khai thác hiện nay (1,73 triệu m3/năm) và nếu tính nhu cầu cát cho thời gian thi công 1,5 năm thì các mỏ đang khai thác còn thiếu khoảng 2,03 triệu m3.
So với tổng nhu cầu vật liệu đá của các dự án (khoảng 17,37 triệu m3, chủ yếu lấy từ các mỏ đang khai thác), với tổng công suất khai thác hiện nay (khoảng 6,4 triệu m3/năm) và nếu tính nhu cầu đá cho thời gian thi công 1,5 năm thì còn thiếu khoảng 7,8 triệu m3…
Giá vật liệu bắt đầu “nhảy múa”
Tại khu vực Quảng Bình, theo phản ánh của một nhà thầu thi công dự án Vũng Áng - Bùng, giá chào bán của nhiều đơn vị cung cấp lên tới 170.000/m3 cát, trong khi dự toán giá chỉ hơn 90.000 đồng/m3 (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình)
Trong bối cảnh việc xin cấp phép các mỏ đặc thù (giao trực tiếp cho nhà thầu khai thác) phải trải qua nhiều thủ tục, thời gian qua, các đơn vị thi công đã nỗ lực tìm kiếm nguồn vật liệu từ các mỏ thương mại để đảm bảo nguồn vật liệu thi công trước mắt. Tuy nhiên, không ít chủ mỏ lại đưa ra giá bán “trên trời” khiến nhà thầu đối diện nguy cơ chưa làm đã thấy lỗ.
Vào vai một nhà thầu đang thi công cao tốc Bắc - Nam tại Quảng Bình, PV Báo Giao thông liên hệ với ông Trần Văn Vĩnh, Công ty TNHH Đức Toàn thì được báo giá cát vàng (ngày 23/2) mua tại bãi tập kết công ty là 170.000 đồng/m3 (đã bao gồm VAT). Trong khi, báo giá liên sở do Sở Xây dựng Quảng Bình công bố tháng 2/2023, giá cát vàng tại đơn vị cung cấp này là 88.000 đồng/m3.
Cũng tại khu vực Quảng Bình, theo phản ánh của một nhà thầu thi công dự án Vũng Áng - Bùng, giá chào bán của nhiều đơn vị cung cấp lên tới 170.000/m3 trong khi dự toán gói thầu, giá cát chỉ hơn 90.000 đồng/m3.
Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Ban QLDA 6 cho biết, đơn vị này chưa nhận được báo cáo đầy đủ về thực tế giá cả mua bán vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam đối với các dự án thành phần Ban phụ trách.
“Sau khi các nhà thầu có báo cáo cụ thể, với vai trò chủ đầu tư, Ban QLDA 6 sẽ làm việc hoặc kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm việc tự ý tăng giá, trục lợi của chủ mỏ (nếu có), đảm bảo việc huy động vật liệu của nhà thầu được thuận lợi nhất”, vị này nói.
Tại dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Đình Ngân, Giám đốc Ban Điều hành dự án thuộc Tổng công ty 319 cho biết, dự án cần 2,1 triệu m3 đất đắp, 210.000m3 cát đắp và 116.000m3 cát hạt trung, cát vàng.
Thế nhưng, qua khảo sát tại 4 mỏ, bãi tập kết cát theo sơ đồ vật liệu thì có 2 bãi không xuất được hóa đơn VAT cho dự án, 1 bãi chỉ cung cấp 10% hóa đơn khối lượng mua, còn 1 mỏ chưa đủ thủ tục để khai thác.
Ngoài ra, báo giá đất, cát tại mỏ đang rất cao so với giá dự toán và thông báo giá liên sở tháng 12/2022 của tỉnh Hà Tĩnh. Cụ thể, giá đất đắp tại mỏ là 59.000 đồng/m3, cao hơn 28% giá dự toán, cao hơn 11.000 đồng so với báo giá liên sở; Cát vàng bê tông là 309.000 đồng/m3, cao hơn 81,7% so với dự toán, cao hơn 114.000 đồng/m3 so với báo giá liên sở (giá này đã bao gồm VAT).
Là đơn vị tham gia thi công cao tốc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, ông Nguyễn Văn Thỏa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập cũng đứng ngồi không yên khi tính từ tháng 1 đến giờ, đơn vị đã phải mua 4.000m3 đất theo giá tại mỏ là 65.000 đồng/m3. Trong khi giá dự toán chỉ 47.000 đồng/m3, cao hơn 17.000 đồng so với giá niêm yết tại địa phương.
“Ở khu vực này mỏ gần dự án thì chưa quy hoạch. Mỏ có trong quy hoạch ở vùng Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đã có chủ hoặc bị mua gom hết. Nếu giá bán của các chủ mỏ không được kiểm soát, với giá hiện nay thì nhà thầu lỗ không làm được”, ông Thỏa than.
Có dấu hiệu găm hàng
Bên cạnh tình trạng chào giá vượt mức niêm yết, một số chủ mỏ cũng có dấu hiệu găm hàng.
Tại mỏ đất Phú Lâm Tây (xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, do Công ty TNHH MTV Vận tải Phúc Bảo An khai thác), trong vai nhà thầu phụ có nhu cầu mua đất số lượng lớn thi công cao tốc, PV đã liên hệ để đặt mua số lượng đất đắp lớn.
Qua tiếp xúc, người này giới thiệu tên A., là quản lý của mỏ và cho biết, do trữ lượng mỏ chỉ hơn 180.000m3 và công suất khai thác là 45.000m3/năm, đơn vị đã ký hợp đồng cung cấp đất đắp với một số nhà thầu thi công các khu tái định cư nên cơ bản không còn đất để bán.
Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề là cần trữ lượng lớn, ông A. nói rằng để xem xét lại. Còn về giá sẽ thương thảo tiếp, hiện tại nói chưa tiện. Khi PV nài nỉ cần mua gấp và cho mức giá cụ thể để báo lại lãnh đạo công ty, người này khẳng định giá bán ra cũng tương tự như bán cho các nhà thầu thi công các khu tái định cư.
Tìm hiểu của PV, hiện các nhà thầu thi công khu tái định cư đang mua đất tại mỏ Phú Lâm Tây với giá 38.000 đồng/m3. Trong khi đó, giá đất đắp bán tại mỏ Phú Lâm Tây được chủ mỏ kê khai giá và Sở Xây dựng công bố là 34.000 đồng/m3 tại mỏ, chưa có VAT.
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, nhà thầu cũng đối diện với tình trạng giá bán vật liệu ở các mỏ thương mại tăng vọt gấp 2 - 3 lần so với giá dự toán.
Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, tại gói thầu XL-01 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, nhà thầu khảo sát các mỏ cát dự toán 190.000 đồng/m3. Mặc dù vậy, giá bán thực tế lên tới gần 300.000 đồng/m3.
Lý giải về tình trạng chênh giá hiện nay, một chủ doanh nghiệp vừa khai thác, vừa có bãi tập kết cát ở Hà Tĩnh cho biết, khai thác cát là ngành nghề đặc thù liên quan đến sông nước, bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố: “Như mỏ chúng tôi đang bán cát san lấp là 70.000 - 80.000 đồng/m3, cát vàng từ 140.000 - 200.000 đồng/m3. Tại sao giá lại dao động và cao hơn giá liên sở công bố?
Thứ nhất, giá liên sở là giá Nhà nước. Tự cán bộ về khảo sát, định giá, mục tiêu là làm sao cho giá thấp nhất để đưa vào dự toán, để tính giá công trình Nhà nước. Còn giá bán hiện nay là giá thị trường. Giá lúc khai thác thuận lợi khác giá lúc nước dâng, khi bùn nhiều. Giá lúc nhiều người cùng mua, khan hiếm cũng khác”.
Làm rõ cơ cấu giá, nguyên nhân tăng giá
Liên quan đến vấn đề xây dựng dự toán vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI khẳng định, giá dự toán vật liệu đều được đơn vị tư vấn xây dựng dựa trên công bố giá của địa phương có dự án đi qua.
Riêng về chuyện chênh lệch giá tại một số nơi hiện nay, trường hợp giá hiện hữu vượt xa giá niêm yết, cơ quan chức năng cần có sự rà soát, yêu cầu doanh nghiệp mỏ chứng minh phần tăng nằm ở chi phí nào, cơ cấu giá thành ra sao để kịp thời ngăn chặn.
Tuy nhiên, đại diện TEDI cũng nhận định, có trường hợp, khi dự án cao tốc Bắc - Nam được triển khai, khối lượng vật liệu cần cung cấp trong cùng một thời điểm tăng lên rất nhanh, từ đó giá bán phải điều chỉnh. Đó là tăng do nguyên nhân khách quan, là chi phí hợp lý, khác với việc lợi dụng nhu cầu tăng cao để đẩy giá trục lợi.
“Những trường hợp trên đòi hỏi địa phương vào cuộc xác minh bản chất của việc chênh lệch giá để có giải pháp quản lý, điều chỉnh phù hợp. Trường hợp tăng giá của chủ mỏ là hợp lý khiến giá niêm yết của địa phương điều chỉnh tăng cao hơn dự toán, nhà thầu cũng sẽ có cơ sở đề nghị được điều chỉnh giá theo điều khoản hợp đồng ký kết với chủ đầu tư”, vị này nói.
Cần hợp đồng ràng buộc để chủ mỏ nâng công suất
Đối với việc nâng công suất các mỏ khai thác đã được cấp phép nằm trong hồ sơ thiết kế dự án làm đường cao tốc, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT Hà Tĩnh) cho biết, vừa qua, tỉnh đã làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu, các chủ mỏ.
Tại buổi họp này, các chủ mỏ muốn nâng công suất khai thác để phục vụ dự án. Song, họ vẫn lo ngại khi đã nâng công suất khai thác nhưng nhà thầu không lấy nữa sẽ không bán được cho ai vì theo quy định, việc nâng công suất theo cơ chế đặc thù chỉ được bán cho dự án cao tốc. Các nhà thầu phải làm việc cụ thể với chủ mỏ và phải có hợp đồng ràng buộc về việc lấy nguồn vật liệu xây dựng từ họ.
Ở góc độ nhà thầu, một lãnh đạo doanh nghiệp giao thông có tiếng (xin giấu tên) khẳng định, trong bối cảnh cao tốc cần khối lượng lớn vật liệu như hiện nay, nhà thầu sẵn sàng ký hợp đồng nếu các chủ mỏ thương mại cam kết đáp ứng đủ nhu cầu cho nhà thầu.
Cơ quan chức năng địa phương cần giới thiệu mỏ vật liệu phù hợp nhất với khối lượng nhà thầu cần huy động; đứng ra làm “nhạc trưởng” trong vấn đề thương thảo, cam kết ràng buộc trách nhiệm trong cung ứng - tiêu thụ giữa chủ mỏ và nhà thầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận