Đăng kiểm viên kiểm tra buồng máy tàu biển chạy tuyến quốc tế |
Ngành GTVT đang tích cực xây dựng kế hoạch ngăn ngừa ô nhiễm môi trường từ tàu biển, đồng thời thực hiện toàn diện các quy định của Công ước quốc tế về vấn đề này (Công ước MARPOL) mà Việt Nam đã tham gia.
Nhiều tàu đã đạt tiêu chuẩn quốc tế
Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu biển (Công ước MARPOL) ra đời năm 1973. Nội dung công ước gồm nhiều quy định và liên tục được bổ sung, nhằm ngăn chặn ô nhiễm gây ra do vận chuyển hàng hóa là dầu mỏ, hàng nguy hiểm, độc hại, cũng như do nước, rác và khí thải từ tàu. Đến nay Công ước Marpol có 6 phụ lục, mỗi phụ lục có thời gian hiệu lực khác nhau được nêu tại công ước và sự tham gia của quốc gia thành viên.
Việt Nam tham gia công ước từ tháng 3/1991 và đã thực hiện quy định tại phụ lục I, II. Mới đây nhất, ngày 11/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 795 phê duyệt kế hoạch thực hiện các phụ lục III, IV, V, VI còn lại của công ước với yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định tại mỗi phụ lục và tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động hàng hải.
Theo kế hoạch thực hiện Công ước MARPOL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực từ 11/5/2016, việc đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường do tàu biển gây ra, tình hình quản lý chất thải tại các cảng biển Việt Nam và mức độ đáp ứng các quy định của Công ước MARPOL được thực hiện hàng năm. |
Theo Cục Đăng kiểm VN, hiện đội tàu biển Việt Nam có hơn 500 tàu chạy tuyến quốc tế với dung tích từ 500GT trở lên và thuộc đối tượng điều chỉnh của Công ước MARPOL. Dù trước đây Việt Nam chưa chính thức tham gia một số phụ lục của công ước, ngành Đăng kiểm đã chủ động áp dụng tiêu chuẩn một số quy định của công ước đối với tàu biển chạy tuyến quốc tế. Trong đó, một số tiêu chuẩn được áp dụng vào thời điểm trước khi công ước có hiệu lực với đội tàu biển Việt Nam.
Đơn cử, từ năm 2000 các tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế đóng mới buộc phải lắp đặt động cơ thỏa mãn tiêu chuẩn về giới hạn khí thải. Tiếp đó, việc kiểm soát ngăn ngừa ô nhiễm dầu từ buồng máy của tàu cũng được thực hiện. Và để thỏa mãn những yêu cầu này, trên tàu phải trang bị các thiết bị xử lý nước thải phải được phê duyệt; Động cơ (máy) tàu phải được chứng nhận đạt tiêu chuẩn về hạn chế thải các chất bị giới hạn.
Theo ông Trần Hiếu Nhân, Phó phòng Tàu biển VN của Cục Đăng kiểm VN, trước thời điểm Việt Nam tham gia các phụ lục còn lại của công ước, đội tàu chạy tuyến quốc tế đã thỏa mãn một số tiêu chuẩn quốc tế (như về dầu thải, không khí, rác thải…) và thường xuyên được kiểm định chặt. “Việc chủ động áp dụng tiêu chuẩn giúp tàu biển đến quốc gia đã tham gia công ước tránh được việc bị lưu giữ do mắc các khiếm khuyết kỹ thuật”, ông Nhân nói.
Lên kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 - 2020
Theo Quyết định số 795 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài chính được giao các nhiệm vụ cụ thể để triển khai kế hoạch thực hiện 4 phụ lục còn lại của Công ước MARPOL. Trong đó, giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do tàu gây ra và quản lý chất thải phát sinh từ tàu trong hoạt động hàng hải, hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi, công tác điều tra, phát hiện vi phạm, tai nạn hàng hải để triển khai đầy đủ, toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định của các Phụ lục III, IV, V và VI của công ước. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng chỉ đạo Cục Hàng hải VN và Vụ Hợp tác quốc tế khẩn trương trình dự thảo kế hoạch thực hiện của ngành GTVT.
Được biết, Cục Hàng hải VN đã hoàn thiện dự thảo và đang lấy ý kiến các đơn vị chức năng về kế hoạch thực hiện, với vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị trong ngành. Trong đó, một số nhiệm vụ cụ thể được đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 như: Tăng cường năng lực để thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam; đào tạo sỹ quan kiểm tra Nhà nước cảng biển, các công tác kiểm tra Nhà nước cảng biển (PSC) và đăng kiểm viên thực hiện đánh giá, kiểm tra, kiểm soát hệ thống, kỹ thuật của tàu. Nghiên cứu cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, nâng cấp các hệ thống tiếp nhận chất thải tại các cảng biển theo quy định của Phụ lục IV, V và VI. Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất thiết lập các biện pháp bảo vệ môi trường nhằm ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra trong vùng biển VN để trình Tổ chức Hàng hải quốc tế thông qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận