Kinh tế

Ngân sách hai năm không chi gì mới trả đủ nợ công

31/03/2014, 07:01

Nợ công thực tế tại Việt Nam còn cao hơn mức 80 tỷ USD vừa được cập nhật bởi Đồng hồ Nợ công thế giới của Tạp chí The Economist.

Ông Phạm Thế Anh
Ông Phạm Thế Anh

Nợ công của Việt Nam, theo The Economist, hiện chiếm 48% GDP, trong khi theo báo cáo năm 2013 của Bộ Tài chính chiếm 55,7% GDP. Sự khác biệt này, phải chăng vì chúng ta có tiến bộ trong xử lý nợ công?


Tôi cho rằng, con số của The Economist chưa chính xác. The Economist không cho biết nợ công họ thống kê được cấu thành bởi những thành phần cụ thể nào, nhưng tôi đoán rằng, sau khi Tổng cục Thống kê đổi phương pháp tính GDP, GDP của chúng ta tăng lên (bởi tính thêm một số giá trị nhà ở xây dựng, dân cư, giá trị ngành ngân hàng…), nhờ vậy tỉ lệ nợ công/GDP giảm đi. Mặt khác, ngay cả khi chúng ta chưa điều chỉnh cách tính GDP thì con số của họ công bố gần đây chỉ khoảng 49 - 50% GDP, thấp hơn con số của chúng ta công bố là 55 - 56% GDP. 

Theo góc nhìn của ông, nợ công của Việt Nam đang ở mức độ nào?


Phương pháp tính của chúng ta lâu nay chủ yếu so sánh quy mô của nợ công với GDP. Mà GDP, theo tôi là con số khá mơ hồ, vì năng lực thống kê nói chung cũng như thống kê GDP của chúng ta hạn chế. Mặt khác, GDP của Việt Nam có phần đóng góp của người nước ngoài rất lớn (vốn trực tiếp, gián tiếp…); Nên nếu tính nợ/GDP sẽ không phản ánh đúng năng lực trả nợ của Chính phủ, cũng như rủi ro về nợ công. Tôi cho rằng, phải so sánh nợ công trên tổng thu ngân sách (NS) - tổng thu của Chính phủ - mới phản ánh sát sao hơn. Trong khi đó, nếu tính nợ công/tổng thu của Chính phủ thì tỉ lệ này tăng rất nhanh trong thời gian qua, vì chúng ta thu NS rất khó khăn. Báo cáo của Chính phủ về nợ công thời điểm cuối năm 2013 (cập nhật nợ công năm 2012), đã thể hiện gấp hai lần khoản thu NS, hàm í rằng, với nguồn thu nhập đó, Chính phủ không chi gì thì cũng phải mất 2 năm mới trả được nợ. Song, trong điều kiện thâm hụt NS năm nào cũng diễn ra, thì chúng ta chả bao giờ trả được nợ, điều đó có nghĩa rủi ro nợ công càng gia tăng. Đó là chưa tính, nợ của khối Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), mà nếu cộng cả vào, nợ công/GDP của chúng ta phải xấp xỉ 98,2%, vượt xa ngưỡng an toàn (65% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế.


Ông đánh giá như thế nào về khả năng trả nợ của chúng ta?


Trong một vài năm trước mắt, nợ nước ngoài của chúng ta chưa đến mức lo ngại, do hầu hết có kỳ hạn dài, lãi suất thấp, trong khi vừa qua Ngân hàng Nhà nước gia tăng dự trữ ngoại tệ, cán cân thanh toán tổng thể dương nhẹ. Tuy nhiên, trong điều kiện của chúng ta, thâm hụt cán cân thanh toán có thể thay đổi rất nhanh, trong khi dự trữ dù đã tăng lên nhưng vẫn mỏng thì về lâu dài, nợ nước ngoài vẫn là đáng lo và chúng ta không thể cứ thế mà đi vay ồ ạt được. 
 

Trong một vài năm trước mắt, nợ nước ngoài của nước ta chưa đến mức lo ngại
Trong một vài năm trước mắt, nợ nước ngoài của nước ta chưa đến mức lo ngại

Những đồng vốn vay đó đã được sử dụng hiệu quả chưa, theo ông?


Chúng ta đi vay chủ yếu để tiêu dùng, vì chi tiêu thường xuyên của chúng ta rất lớn, chiếm 80% tổng chi tiêu của Chính phủ, phần còn lại để đầu tư. Việc đánh giá hiệu quả kinh tế cho các dự án về chi tiêu công thì không có số liệu. Mặt khác, các dự án này cũng khó để đánh giá về hiệu quả kinh tế, bởi nhiều trong số đó là phục vụ an sinh xã hội, tiện ích cộng đồng, ví dụ, một cây cầu phục vụ học sinh đi qua suối thì chả ai đánh giá dự án này thu được bao nhiêu tiền.


Khía cạnh hiệu quả mà chúng ta có thể đề cập là hiệu quả xã hội và thất thoát trong quá trình sử dụng vốn. Tuy nhiên, ngay cả khía cạnh đó thì chúng ta cũng có rất ít thông tin, bởi từ trước đến nay, chưa có một cơ quan nào tổ chức nghiên cứu đầy đủ về vấn đề này. 

Giải pháp nào giảm thiểu rủi ro cho nợ công? 


Việc đầu tiên, theo tôi là cơ quan giám sát phải có bộ chỉ tiêu các quy tắc, kỉ luật tài khóa, chẳng hạn như tỉ lệ thâm hụt NS tối đa; Mức giới hạn an toàn nợ công/thu NS; Giới hạn tối đa nợ nước ngoài/dự trữ ngoại hối; Giới hạn chi thường xuyên/tổng chi... Tất cả những chỉ tiêu này phải được chấp hành nghiêm túc, nhất định không có chuyện năm nào cũng xin nới trần bội chi ngân sách như vừa qua. Chính vì vậy mới có tình trạng nguồn thu mấy năm gần đây giảm đi, song chi mỗi năm vẫn cứ tăng đều 20% . 


Ở cấp độ thấp hơn, phải chấm dứt tình trạng Chính phủ bảo lãnh cho DNNN vay nợ hay Chính phủ đi vay rồi cho DN vay lại. Hoạt động đầu tư, chi tiêu tại các địa phương cũng phải lập kế hoạch, quy hoạch tổng thể thay vì mỗi lúc lại nghĩ ra một vài dự án rồi tìm cách kéo vốn NS về, dẫn tới tình trạng mỗi địa phương thực hiện theo quy hoạch riêng của mình… Ngoài ra, phải tăng cường quản lý, giám sát, xử lý nghiêm để có thể phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn công. 

Cảm ơn ông!

 

Xuân Thu (Thực hiện)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.