ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đánh giá kết quả cải cách tổ chức bộ máy chưa vững chắc |
Biên chế hình phễu - đầu vào to, đầu ra nhỏ
Đề cập thẳng vào vấn đề chất lượng công chức, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đánh giá, với hơn 2 triệu cán bộ công chức, viên chức trong số 8 triệu người ăn lương, hàng năm ngân sách phải chi lượng tiền lớn để trả lương nhưng hiệu quả làm việc lại chưa cao. Thế nhưng, việc tinh giản biên chế cũng không đạt mục tiêu, bằng chứng là năm 2016 tổng biên chế tăng gần 4,8% so với năm 2011.
Theo báo cáo của đoàn giám sát, tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ còn nhiều đầu mối. Vào cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian. Hiện có 16 bộ, cơ quan ngang bộ duy trì phòng trong vụ, tổng số phòng là 320. Trong đó nhiều vụ có rất nhiều phòng, như ở Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ NN&PTNT có từ 5 - 7 phòng/vụ. Biên chế công chức được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm, trong những năm 2014 - 2016, mỗi năm bình quân giảm 4.000 người, nhưng nhìn chung, việc giao và quản lý biên chế chưa khoa học. Vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong 2 năm 2015 và 2016 là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế, mới đạt 0,83%. |
Với bộ máy cồng kềnh đó, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) lo ngại ngân sách dù có là “nồi cơm Thạch Sanh” cũng khó kham nổi. Theo ông, cần tính toán tổng thể để tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy với tinh thần không khoan nhượng. ĐB Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, tinh giản biên chế là đụng đến con người nên rất khó khăn, dễ bị phản ứng. Do vậy, tinh giản biên chế nên bắt đầu bằng thiết kế lại hệ thống chính trị, đối với các nhiệm vụ Nhà nước không cần thiết thực hiện thì đẩy mạnh xã hội hoá.
Ông cũng đề xuất nghiên cứu hợp nhất các tỉnh có ít đơn vị hành chính trực thuộc (huyện, xã), quy mô dân số thấp vì hiện một số tỉnh chỉ có khoảng 700.000 dân, thậm chí dưới 500.000, ít hơn một quận của TPHCM. “63 tỉnh, thành như hiện nay là quá nhiều khiến bộ, ngành quản lý rất vất vả. Cần nghiên cứu hợp nhất một số tỉnh cũng như một số bộ, ngành có điểm tương đồng về chức năng, nhiệm vụ”, ông Hoà đề xuất. Ông cũng đề nghị không thí điểm mà thực hiện luôn việc Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã thống nhất trong cả nước, có chế độ phụ cấp hợp lý hơn.
Cũng đưa ra một hình tượng so sánh, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) ví von, biên chế như “hình phễu”, đầu vào to và đầu ra nhỏ; ở T.Ư giảm thì dưới tăng, nghĩa là “bóp trên phình dưới”. Ông cho rằng, chưa có câu trả lời thoả đáng rằng có bao nhiêu phần trăm cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ khó tinh giản đúng đối tượng.
Cấp trên ôm đồm, cấp dưới đùn đẩy, công việc ách tắc
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đánh giá kết quả cải cách tổ chức bộ máy chưa vững chắc, còn tình trạng cấp trên “ôm đồm”, cấp dưới “đẩy việc” lên cấp trên. Việc gì cũng xin phép, dẫn đến quá tải ở T.Ư, còn cấp dưới bị động, ỷ lại, cơ chế xin - cho bị lạm dụng, cơ chế trách nhiệm không rõ ràng và cuối cùng công việc bị ách tắc... Nữ ĐB cũng cho rằng, đạo đức công vụ của một bộ phận công chức còn hạn chế, chưa ý thức rằng mình là công bộc của dân. Và nguyên nhân công chức vô cảm, quan liêu, hách dịch được chỉ ra là do họ ít phụ thuộc vào dân, từ tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng lương đều không phụ thuộc vào dân mà chỉ phụ thuộc vào cấp trên. Từ thực tế đó, Nhà nước cần xây dựng phương pháp đánh giá công chức trên cơ sở sự hài lòng của người dân.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng nêu ra một loạt dẫn chứng về việc cán bộ vô cảm, buông lỏng quản lý như vụ cà phê Xin Chào; lấn chiếm vỉa hè tại TPHCM... và đề nghị cần làm nghiêm. Lấy ví dụ từ “điểm sáng” Quảng Ninh trong đổi mới cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, ĐB đề nghị cần có giải pháp mạnh mẽ và coi việc để biên chế phình to là một loại tham nhũng để quyết tâm ngăn chặn, điều chỉnh.
Cấp thiết tinh giản cấp phó, dẹp bớt trung gian
Nhắc lại phần chất vấn Bộ trưởng Nội vụ cách đây 5 năm về tinh giản biên chế, sau đó bộ máy không gọn lại mà phình ra, ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đánh giá việc này vẫn còn kẽ hở, dẫn đến tình trạng hình thành một số chức danh không có trong quy định như “hàm Vụ trưởng”, “hàm Vụ phó”, hoặc là quy định các bộ không có quá 4 thứ trưởng nhưng thực tế đều nhiều hơn, có bộ đến 9 thứ trưởng... “T.Ư làm được, tỉnh làm được và tỉnh này làm được thì tỉnh kia cũng làm được; tỉnh làm được thì xã, phường, huyện làm được… Từ quan điểm đó mà cấp phó tăng nhanh, không chỉ trong cơ quan Nhà nước, mà còn cơ quan Đảng, đoàn thể”, ông Phương nêu thực tế và đề nghị việc cần làm ngay của bộ máy hành chính là “tinh giản cấp phó”.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An cho rằng, Đoàn giám sát nhiều lần đề cập đến tình trạng “bộ máy bên trong các bộ ngành nhiều tầng nấc trung gian; tình trạng bộ trong bộ”; đồng thời đề xuất “giảm cấp trung gian”. Tuy nhiên, cấp trung gian là cấp nào thì báo cáo của Đoàn giám sát chưa làm rõ. Theo ông, đã đến lúc Quốc hội cần chỉ rõ cấp trung gian ở đây chính là tổng cục, cục, vụ, chi cục, rồi trong bộ máy các đơn vị này lại có văn phòng cấp cục, vụ... “Đây là việc làm khó, nhạy cảm, khó cào bằng vì mỗi cơ quan có đặc điểm riêng nhưng không thể để nhiều như hiện nay”, ông Cầu nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng thẳng thắn: “Những năm vừa qua chủ trương, nghị quyết rất đúng, rất sát nhưng thực hiện chậm, không đầy đủ, thậm chí thực hiện sai, ngược dẫn đến dư thừa biên chế, dư thừa cấp phó. Nghị quyết nói nhiều việc trọng dụng nhân tài nhưng hiện tượng bổ nhiệm thân thích lại “nở rộng”, như vậy trách nhiệm thuộc về ai, cần phải có biện pháp kỷ luật chứ không thể để chung chung như vậy”.
Tinh giản biên chế chủ yếu người nghỉ hưu trước tuổi Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã giải trình làm rõ thêm các ý kiến của ĐBQH. Bộ trưởng cho biết, trong kiện toàn tổ chức bộ máy, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 giữ ổn định 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ, có 42 tổng cục (tăng 2 tổng cục). Từ đầu nhiệm kỳ, số lượng cấp phó giảm: Cấp Thứ trưởng cuối nhiệm kỳ trước bình quân 5,55 thì nhiệm kỳ này còn 4,7; Phó tổng cục trưởng từ 3,72, giảm còn 3; Phó cục, vụ cuối nhiệm kỳ 2,31 giảm còn 1,92... Sau khi sắp xếp lại thì số lượng cấp phó cơ quan chuyên môn có giảm. Phó trưởng phòng thuộc Sở cuối nhiệm kỳ từ 1,46 còn 1,4. Cấp huyện 1,73 tăng lên 1,74. Về tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, Bộ trưởng Tân giải thích do biên chế ít nên một số phòng có số lượng cán bộ lãnh đạo quản lý nhiều hơn nhân viên. Về tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến 30/9/2017 đã giảm được 29.945 biên chế, tuy nhiên, phần lớn đối tượng tinh giản là người nghỉ hưu trước tuổi. Bộ trưởng Tân cho biết, sắp tới Bộ Nội vụ sẽ thẩm định 21 tỉnh còn lại về việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Hà Nội xây dựng cơ chế “tự nguyện tinh giản” Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội về câu chuyện tinh giản biên chế, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, hiện TP Hà Nội đang đề nghị Chính phủ cho xây dựng cơ chế tự nguyện. “Tức là nếu tôi tự nguyên xin nghỉ để làm việc khác thì có cơ chế gì hỗ trợ cho tôi không, ngoài những chính sách của nhà nước. Thành phố muốn đề xuất như thế, giống như người ở lại hỗ trợ người đi ra để người ta sẵn sàng ra đi để nhận công việc khác. Các nước cũng làm như vậy và đây là việc làm rất nhân văn”, ông Hải giải thích. Theo Thành uỷ Hà Nội, tính đến tháng 8/2017, thành phố đã giảm 59 phòng, ban; 39 trưởng phòng, ban; 143 phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 ban quản lý dự án, 2 quỹ và giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các cơ quan này. Cùng với đó, toàn thành phố đã giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ cho 330 trường hợp. Khối các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố sau khi xây dựng đề án vị trí việc làm cũng giảm 108 biên chế. Hoài Vũ |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận