Không phải đến khi xảy ra vụ Vạn Thịnh Phát, liên quan đến ngân hàng SCB, mà thời gian qua, vấn đề an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng luôn rất được quan tâm, bởi nó ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội.
Những con số siêu khủng về số tiền mà SCB bị chiếm đoạt, số tiền hối lộ quan chức, số bị hại đầu tư mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát… đủ cho thấy đây là một "đại án" tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay, có sự tiếp tay rất lớn của các cán bộ thoái hóa biến chất.
Ở đây có thể thấy nguyên nhân lớn dẫn đến sai phạm trong vụ án này là các cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm khi thực hiện vai trò quản lý Nhà nước. Đó còn là sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ khi thực thi công vụ. Đây là vấn đề rất cấp bách phải xem xét.
Cơ chế để kiểm soát ngược trở lại đối với tất cả những cơ quan thực thi đó hiện nay đang chưa được chặt chẽ, cần thiết phải có giải pháp.
Chẳng hạn, khi một đoàn thanh tra xuống làm việc, sau đó trình lên báo cáo, nhưng không có kiểm tra, không có đối chiếu, kiểm soát lại… Ngoài ra, còn có nguy cơ rất lớn khi kết quả thanh tra đúng hay sai đều có thể sửa đổi bởi chính đoàn thanh tra đó. Đó chính là những kẽ hở.
Nhìn từ vụ Vạn Thịnh Phát, trách nhiệm chính được xác định là cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra. Do đó, để đảm bảo thị trường tài chính lành mạnh, các tổ chức tín dụng hoạt động đúng luật, khâu kiểm tra giám sát kết quả thanh tra, kiểm tra có vai trò cực kỳ quan trọng.
Hiện nay, dư luận cũng rất quan tâm đối với quy định mới về cấm sở hữu chéo trong Luật Các tổ chức tín dụng mà Quốc hội đang bàn. Nếu không có những quy định chặt chẽ để kịp thời phòng ngừa ngăn chặn, rất dễ xảy ra các vụ tương tự như Vạn Thịnh Phát.
Chúng ta không chỉ xử lý mà phải chấm dứt tình trạng sở hữu chéo. Thực tế, qua vụ việc SCB có thể thấy việc sở hữu chéo, chi phối, thao túng hệ thống tín dụng đã tạo nên rủi ro, cần tiếp tục nhìn nhận để xử lý triệt để.
Sở hữu chéo, thao túng là các thủ thuật rất tinh vi, thường vô hình. Với đối tượng vô hình thường xuyên biến đổi này mà dùng các công cụ thông thường, chắc chắn khó giải quyết được triệt để.
Để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng thì yếu tố hàng đầu phải xác định được cá nhân, tổ chức nào là sở hữu thực sự của ngân hàng. Nói cách khác, phải xác định được ông chủ thực sự của ngân hàng là ai.
Trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đang được trình Quốc hội, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý để xác định cá nhân tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng tới quyền ra quyết định với hoạt động của ngân hàng.
Để làm được, cần minh bạch thông tin cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại, thay vì giảm tỉ lệ sở hữu. Cần xác định nghĩa vụ công bố thông tin với cổ đông cả tổ chức và cá nhân, nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng trên một mức cụ thể.
Bên cạnh đó, cần phải kiểm soát dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân. Phải quy định hết sức cụ thể liên quan tới dòng tiền. Vì dòng tiền không phải tự nhiên mà có, nó phải xuất phát từ một cá nhân, tổ chức chuyển đi – đây chính là bài học rút ra từ vụ Vạn Thịnh Phát.
Liên quan tới vấn đề nghĩa vụ cổ đông không được góp vốn cổ phần dưới tên của pháp nhân, cá nhân khác dưới mọi hình thức trừ trường hợp được ủy thác, vấn đề này đã thể hiện rõ qua vụ SCB vừa qua.
Vì thế, cần quy định rất cụ thể để có cơ sở, phương pháp cách thức phòng ngừa trước những ma trận này.
Là dự án luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu. Do đó, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng để tránh trường hợp sau khi ban hành sẽ nảy sinh bất cập.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận