Quản lý

Ngăn thầy dạy lái xe bớt xén giờ học

28/12/2022, 10:00

Từ 15/6/2022 các cơ sở đào tạo bắt buộc phải bố trí thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành trên các xe tập lái.

Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện tình trạng một số cơ sở, giáo viên lách luật để gian lận.

Kiểm soát thời gian, chống bớt xén giờ học

Đã gần một tháng kể từ khi được nhận GPLX, chị Nguyễn Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa quên những ngày tháng vất vả học tập để có được tấm bằng lái xe ô tô.

img

Từ 15/6/2022 các cơ sở đào tạo lái xe bắt buộc phải bố trí thiết bị DAT trên các xe tập lái

“Trước khi đăng ký học tôi được nhiều người nói học lái xe giờ khó lắm vì phần thực hành lái xe trên đường sẽ được giám sát bởi thiết bị DAT (Distance and Time). Đây là thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe, được lắp trên xe ôtô để ghi, lưu trữ, xác thực và truyền nhận các thông tin bắt buộc liên quan trong quá trình dạy và thực hành lái xe. Cũng vì vậy, học viên khó có thể ăn gian được giờ học”, chị Hà nói và cho rằng việc giám sát của thiết bị này giúp tay lái của chị vững vàng hơn.

Theo chị Hà, sau khi có bằng lái, chị tự tin điều khiển xe ra đường mà không cần phải thuê thầy bổ túc thêm tay lái như bạn chị học trước đó.

Theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ GTVT, từ 15/6/2022 các cơ sở đào tạo bắt buộc phải bố trí thiết bị DAT trên các xe tập lái.

Người học sẽ được cấp một mã định danh riêng. Khi bắt đầu học thực hành trên đường, dữ liệu về thời gian và quãng đường của người học lập tức được truyền về hệ thống của Cục Đường bộ VN.

Cơ quan quản lý sẽ kiểm soát được từng học viên đã học đủ số giờ, số km theo quy định hay chưa. Trường hợp chưa đủ sẽ không được phép dự sát hạch cấp GPLX.

Khẳng định sự cần thiết phải áp dụng thiết bị DAT để giám sát quãng đường và thời gian học của học viên, lãnh đạo một trung tâm đào tạo lái xe tại Hà Nội cho biết: “Theo quy định, thời gian học thực hành trên đường đối với lái xe hạng B1 là 710km, hạng B2 là 810km. Chỉ khi học đủ số km này mới được lập danh sách đăng ký thi tốt nghiệp. Thiết bị DAT giúp giám sát đầy đủ số km và thời gian học, tránh tình trạng giáo viên, học viên chạy cho đủ số km theo quy định mà không chú trọng dạy các kỹ năng lái xe”.

Có tình trạng nhân bản dữ liệu DAT

Tuy nhiên, tìm hiểu của PV Báo Giao thông hiện đang có tình trạng một số cơ sở đào tạo, giáo viên dạy lái đang tìm cách “lách luật”, làm giảm hiệu quả của thiết bị này.

Cục Đường bộ VN sẽ nghiên cứu giải pháp để hoàn thiện phần mềm đảm bảo độ chính xác, tránh tình trạng gian lận của các cơ sở đào tạo. Gian lận là chống đối cơ quan quản lý, trung tâm nào cố tình chống đối sẽ có quy định để xử lý.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN

Là đơn vị quản lý 3 trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe, ông Nguyễn Viết Hậu, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Phước cho hay: Mục tiêu của các thầy giáo dạy lái xe đã chuyển hướng.

Trước khi có DAT, thầy giáo chú trọng dạy các kỹ năng điều khiển phương tiện, cho học viên chạy nhiều loại đường khác nhau.

Sau khi bị giám sát bởi thiết bị DAT, họ chuyển sang chỉ dạy học viên chạy đủ số km theo quy định mà không chú ý rèn luyện kỹ năng.

Một bất cập khác được ông Hậu chỉ ra, một xe tập lái đường trường có 5 người, vì lý do nào đó có một người nghỉ giữa chừng, dù 4 người còn lại đã hoàn thành chương trình học nhưng vẫn yêu cầu tất cả học viên phải học đủ.

Trung tâm không được nhận khóa tiếp theo, thầy giáo cũng phải nghỉ luôn. Đây là điều bất cập, thiệt thòi cho cả cơ sở đào tạo cũng như học viên.

Đáng nói hơn, theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN, đang có thông tin về việc nhiều cơ sở đào tạo lái xe nhân bản kết quả cho nhiều xe tập lái. Ngoài ra, cũng có tình trạng xe thì nằm ở nhà nhưng thiết bị DAT lại đang chạy trên đường ở một xe khác.

Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN, sau 6 tháng áp dụng, thiết bị DAT được học viên ủng hộ vì mang lại lợi ích cho họ: “Trước đây, sau khi học xong, có bằng lái rồi nhưng nhiều người vẫn phải thuê thầy để bổ túc thêm mới có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Sau khi được giám sát đầy đủ số km thực hành trên đường, giáo viên dạy bổ túc sẽ thất nghiệp vì học viên sau khi có GPLX đã tự tin chạy trên đường. Các cơ sở đào tạo cũng giữ được uy tín, không mang tiếng cắt giảm chương trình, thời gian học”.

Tuy nhiên ông Thống cũng thừa nhận, thời gian qua xuất hiện một số cơ sở đào tạo chỉnh phần mềm hay lắp nhiều thiết bị DAT trên 1 xe để gian lận thời gian và quãng đường học lái xe. Lãnh đạo trung tâm đào tạo lái xe có thể không có chủ trương nhưng do không quản lý được giáo viên nên xảy ra tình trạng gian lận. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ sở đào tạo.

“Cục Đường bộ VN đã giao các sở GTVT thường xuyên kiểm tra, từ khi lắp đặt đến quá trình đào tạo, nếu phát hiện trung tâm, giáo viên gian lận phải xử lý theo quy định. Trường hợp cố tình sửa đổi phần mềm để gian lận, có thể chuyển cơ quan điều tra xử lý”, ông Thống nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.