An ninh hình sự

Ngăn thói côn đồ sau va chạm giao thông

21/12/2020, 06:10

Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng hành xử côn đồ sau va chạm giao thông? Cần phải làm gì để dẹp bỏ thói ứng xử côn đồ?

img

Hình ảnh đối tượng Thành đánh đập dã man nữ sinh sau va chạm giao thông khiến dư luận phẫn nộ (Ảnh cắt từ clip)

Khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới nhau, nặng thì lao vào ẩu đả, hành hung, thậm chí giết người. Điều đáng lo ngại là hiện tượng này có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, điển hình nhất là các vụ việc vừa xảy ra ở Bình Dương và Tây Ninh.

Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng kể trên? Cần phải làm gì để dẹp bỏ tận gốc thói ứng xử côn đồ, thể hiện sự xuống cấp đạo đức đáng báo động này?

Kỳ 1: Cái giá của sự hung hãn

Bị khởi tố, bắt giam hay phải nhận những bản án gần 20 năm tù là điều mà các đối tượng có lẽ đã không ý thức được khi xuống tay với các nạn nhân sau va chạm giao thông rất nhẹ. Thậm chí, trong nhiều vụ, lỗi hoàn toàn thuộc về các đối tượng, người bị đánh thậm chí còn là trẻ em gái, không có lỗi gì.

Xử nghiêm để răn đe

Đến ngày 19/12, sức khỏe của nữ sinh Võ Ngọc Khánh Vy (15 tuổi) bị đánh sau va chạm giao thông ở Bình Dương đã khá lên nhiều. Theo kết quả giám định, cháu Vy bị thương tật 2%.

Tuy nhiên, tinh thần của Vy vẫn hoảng loạn, chưa thể bình thường trở lại, nhất là mỗi khi cháu nhớ lại cảnh bị đối tượng Lê Tấn Thành liên tục đạp vào mặt, dùng gậy 3 khúc vụt vào đầu.

Theo LS. Thái Văn Chung, Đoàn luật sư TP HCM, trong vụ việc này, Thành đã phạm tội đối với trẻ em (dưới 16 tuổi), dùng cây ba trắc vụt liên tiếp vào đầu nạn nhân khiến cháu phải khâu 10 mũi. Hành vi rất côn đồ, hung hãn, gây nguy hiểm cho xã hội nên Thành vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự dù thương tật của nạn nhân dưới 11%.

Trước đó, khoảng 16h30 ngày 7/12, Lê Tấn Thành (29 tuổi, ngụ TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) đi xe máy chở theo vợ trên đường Bùi Ngọc Thu (phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một).

Đang di chuyển, bất ngờ Thành đột ngột quay đầu xe ngang đường khiến cháu Vy điều khiển xe đạp điện chở theo bạn (trên đường đi học về) ngay phía sau không kịp xử lý nên xảy ra va chạm với xe máy của Thành. Cú va chạm bất ngờ này cũng làm một phụ nữ điều khiển xe máy khác phía sau va chạm và té ngã.

Tuy nhiên, thay vì hỏi han, giúp đỡ các nạn nhân, Thành lao tới đánh đập nữ sinh rất dã man. Đối tượng này dùng chân đạp liên tiếp vào người và dùng cây sắt đập vào đầu cháu Vy. Chỉ khi người dân đến can ngăn, thanh niên này mới dừng lại nhưng vẫn không quên chỉ mặt đe dọa 2 nữ sinh.

Đoạn clip ghi lại toàn bộ vụ việc sau đó được đưa lên mạng xã hội khiến cộng đồng vô cùng phẫn nộ.

Ngay sau đó, Công an TP Thủ Dầu Một đã bắt khẩn cấp, khởi tố bị can đối với Thành - đối tượng từng có tiền án 8 năm tù về tội danh cố ý gây thương tích. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương xác định vụ án này sẽ được đưa ra xử án điểm để tạo sự răn đe.

Trong khi đó, chiều 18/12, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh vẫn đang điều tra, làm rõ vụ em H.B.B.N. (12 tuổi, học sinh lớp 7, trường THCS) bị đánh, đạp xuống mương sau va chạm giao thông trên địa bàn xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu.

“Sự việc trên là nghiêm trọng và tất cả những hành vi liên quan đến bạo hành trẻ em đều phải xử lý nghiêm theo quy định”, vị này cho biết.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tín, Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho hay, hiện tại Cơ quan CSĐT Công an huyện vẫn đang thụ lý, giải quyết vụ việc.

Theo Công an huyện Dương Minh Châu, khoảng 7h30 ngày 12/12, em H.B.B.N. chở bạn bằng xe đạp điện lưu thông trên đường nội bộ Khu công nghiệp Chà Là.

Khi cả hai chạy đến gần nhà xe công nhân Công ty Pou Hung thì va chạm với chị Lê Thị Mộng Tr. (25 tuổi, công nhân) đang đi bộ. Cú va chạm khiến cả ba ngã ra đường, chị Tr. bị nứt xương cánh tay phải, em H.B.B.N. bị trầy xước trên trán.

Sau đó, chị Tr. gọi điện cho chồng là Trần Văn Mẫn. Khi Mẫn chạy đến đã chửi mắng em N., N. có xin lỗi nhưng bị Mẫn tát vào mặt. Sợ hãi, N. bỏ chạy thì bị Mẫn đuổi theo và đánh vào đầu, đạp em N. té xuống mương cạn. Cảnh sát xác định nguyên nhân chính xảy ra va chạm giao thông là do chị Tr. đi bộ sai quy định.

Giọt nước mắt muộn màng

img

Bị cáo Hoàng Văn Tuyền khóc suốt phiên tòa, cuối cùng bị tuyên 19 năm tù do đánh chết người sau va chạm giao thông

Đáng nói, những vụ việc nêu trên không phải là lần đầu xảy ra ẩu đả sau va chạm giao thông. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, chỉ từ tháng 4 đến nay đã xảy ra 2 vụ đánh chết người, nguyên nhân đều xuất phát từ những vụ va chạm giao thông rất nhẹ.

Điển hình như chiều 11/4, anh Phạm Văn Hà (40 tuổi, quê Thái Bình) và Hoàng Văn Tuyền (31 tuổi, quê Thanh Hóa) điều khiển 2 xe máy di chuyển trên đường Nguyễn Chí Thanh (phường An Thạnh, TP Thuận An).

Khi đến ngã tư gần chợ Búng thì xảy ra va chạm. Dù vụ va chạm không gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe nhưng 2 bên xảy ra cự cãi, đánh lộn, Tuyền đã đấm đá anh Hà khiến anh này tử vong do chấn thương sọ não.

Tại phiên tòa sơ thẩm (hồi cuối tháng 9), Tuyền khóc từ đầu đến cuối, nói mình không cố ý giết người. Ở phần nghị án, bị cáo liên tục xin lỗi cha mẹ và phía gia đình bị hại.

HĐXX nhận định, chỉ vì va chạm giao thông rất nhỏ nhưng bị cáo Tuyền đã hung hãn đánh nạn nhân đến chết. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội nên quyết định tuyên phạt bị cáo Tuyền mức án 19 năm tù. Buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại theo quy định của pháp luật và hàng tháng phải chu cấp cho ba người con của bị hại đến khi 18 tuổi.

Sau khi tòa tuyên án, Tuyền cố ngoái lại tìm gia đình vừa khóc vừa xin lỗi cha mẹ. Bị cáo cũng cố nói lời xin lỗi với người vợ của bị hại: “Chị ơi em xin lỗi, em không hề muốn như thế đâu chị ơi…”.

Ngày 10/12 vừa qua, TAND tỉnh Bình Dương cũng đã đưa ra xét xử bị cáo Hoàng Thái Sơn (28 tuổi, ngụ tại Bình Dương) về tội “Giết người”. Theo cáo trạng, tối 27/7, Sơn điều khiển xe mô tô lưu thông trên đường Phú Lợi, hướng từ ngã tư Chợ Đình về ngã tư Lê Hồng Phong.

Khi đang lưu thông, Sơn suýt xảy ra va chạm giao thông với xe mô tô do anh Tạ Văn Luận (20 tuổi, ngụ tại Ninh Thuận) điều khiển lưu thông cùng chiều. Anh Luận bỏ đi, Sơn tăng ga truy đuổi, đạp ngã xe của anh Luận rồi dùng dao tấn công. Anh Luận bỏ chạy bộ thì Sơn tiếp tục dùng xe mô tô truy sát. Anh Luận được người dân đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong tại bệnh viện.

Tại phiên tòa, Sơn bị đề nghị mức án từ 15 - 16 năm tù. Tuy nhiên, luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nạn nhân cho rằng, mức án này là quá nhẹ, VKS chưa đánh giá đúng tính chất mức độ, hành vi của bị cáo. Hiện nay HĐXX vẫn đang nghị án, dự kiến tuần này sẽ tuyên án.

“Phải biết kiềm chế cảm xúc”

img

Lê Tấn Thành bị khởi tố, bắt giam về tội cố ý gây thương tích, đối diện với mức án 3 năm tù giam

Theo PGS. TS. Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, việc sử dụng vũ lực khi xảy ra va chạm giao thông thời gian gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, do nền tảng nhận thức về pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân của một số người còn thấp. Chính vì vậy khi xảy ra bất kỳ xung đột nào đó thì người ta không hành xử theo quy định của luật pháp và các quy tắc đạo đức khác.

Thứ hai, đó là tâm lý khi va chạm giao thông, nhiều người luôn luôn cho mình đúng, đó là một trong những yếu tố khiến va chạm nhỏ cũng dẫn đến những ẩu đả không đáng có.

Thứ ba là một số người là khi va chạm giao thông không muốn sử dụng các quy định pháp luật để giải quyết, mà muốn dùng bạo lực như một dạng “phủ đầu” đối phương.

Thứ tư là bị kích động bởi tâm lý đám đông, thích thể hiện cá nhân, ra oai với mọi người xung quanh.

“Đôi khi va chạm chỉ xước xe, thậm chí phương tiện và người không bị làm sao, họ vẫn sẵn sàng lao vào đánh đấm lẫn nhau.

Tất cả hành vi sử dụng bạo lực để giải quyết va chạm giao thông đều dẫn đến hậu quả bất lợi cho hai bên. Nhẹ thì bị xã hội tẩy chay, lên án, nặng thì bị xử phạt hành chính và nặng nữa thì có thể bị xử lý hình sự”, ông Thìn nói.

Theo ông Thìn, giải pháp để hạn chế việc này là, đầu tiên những người tham gia giao thông phải tuân thủ nghiêm luật lệ. Nếu chấp hành tốt luật thì dường như rất ít xảy ra va chạm, từ đó không dẫn đến xung đột.

Tiếp đến là người tham gia thao thông phải kiềm chế, ứng xử văn minh nếu không may va chạm trên đường, ai đi sai, gây tai nạn thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

PGS. TS. Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho rằng, trong khi ở nhiều nước, sau một va chạm, người trong cuộc thường quan tâm nhất đến tính mạng của bản thân và bên còn lại.

Người ta xuống xe xin lỗi và nhận trách nhiệm bồi thường, thậm chí bắt tay, ôm nhau nếu người và phương tiện không bị thiệt hại nặng. Còn ở ta thì ngược lại.

“Điều quan trọng nhất là phải biết kiềm chế cảm xúc, không nên chỉ vì nóng giận tức thì mà hành động bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức thì việc xử nghiêm các hành vi vi phạm cũng rất quan trọng”, ông Trung nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.