Chiến dịch ngăn chặn, xử lý xe quá tải đã được thực hiện từ năm 2013 bằng quy chế phối hợp liên ngành theo kế hoạch số 12593 giữa lực lượng Công an và lực lượng thanh tra giao thông (TTGT).
Sau các kế hoạch phối hợp liên ngành, chiến dịch ngăn xe quá tải đã rất hiệu quả trong những năm đầu tiên, khi CSGT, TTGT và chính quyền địa phương cùng vào cuộc. Sau 4 năm thực hiện, xe vi phạm về tải trọng còn khoảng 10%.
Tại đường tránh Túy Loan, thấy bóng dáng lực lượng CSGT, tài xế xe chở cát sỏi đóng cửa xe, rời khỏi hiện trường
Tuy vậy, khi kế hoạch chung không còn, vấn nạn xe quá tải đã tái bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, gây bức xúc và lo ngại. Xe quá tải ngang nhiên lưu thông trên hầu hết các tuyến quốc lộ. Đặc biệt phổ biến ở những nơi có mỏ vật liệu, nhà máy, khu công nghiệp. Không khó để ghi nhận tình trạng này, chỉ cần chốt chặn tại các cửa ngõ ra vào mỏ, nhà máy, cảng biển là thấy.
Trong khi đó, các chủ xe, lái xe cũng có nhiều cách đối phó với các chiến dịch kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, từ việc cho người theo dõi, cảnh giới, đến việc chống đối khi bị xử lý vi phạm. Lợi nhuận vẫn lớn hơn mức phạt phải đối mặt khiến các doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để lách luật. Vì lợi nhuận trước mắt, họ sẵn sàng phạm luật, cho dù xe chở quá tải còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Điều đó cho thấy, các biện pháp đã triển khai đang có “khoảng trống” nhất định.
Trước hết cần xác định là trách nhiệm kiểm soát xe quá tải được giao đã đủ cụ thể hay chưa? Những khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm trực tiếp sẽ như thế nào? Làm gì để xử lý kiên quyết, nghiêm minh trước sự “cù cưa”, không hợp tác của các tài xế? Vai trò, phạm vi của lực lượng CSGT sẽ như thế nào trong nhiệm vụ kiểm soát tải trọng?
Thiếu một sự phân định rõ ràng và ràng buộc trách nhiệm cụ thể, sẽ khó cho cả hai lực lượng trong tổ chức triển khai, đồng thời tạo kẽ hở cho xe quá tải hoành hành.
Với xe quá tải, cuộc chiến đã bắt đầu từ hơn 10 năm trước. Nhưng cuộc chiến dù trường kỳ, cam go song không thể cứ mãi triền miên.
Xe quá tải không phải là Covid-19 để tìm cách “sống chung”, mà chỉ có thể là “kẻ thù” của ATGT, cần kiên quyết loại bỏ.
Thực tế, “kẻ thù” đã được nhận diện, đã từng bị đẩy lùi nhưng nếu không có một cuộc “tổng tiến công” thực sự, thì vẫn chưa biết ngày nào vấn nạn này mới có thể dẹp yên.
Không thể phủ nhận nỗ lực của các lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý xe quá tải. Song, nếu chỉ dựa vào sức người thì không thể ngăn chặn hết, bởi nơi nào không có lực lượng chức năng hoặc khi các kế hoạch chùng xuống, xe quá tải lại bùng phát.
Từ giữa tháng 8/2020, sau khi trạm kiểm tra tải trọng xe tự động do Nhật Bản tải trợ, lắp đặt và chính thức hoạt động tại QL5, chiều từ Hải Phòng về Hà Nội, số xe vi phạm về tải trọng đã giảm gần 50 lần so với trước đó.
Ví dụ trên cho thấy, chỉ bằng những hệ thống công nghệ tự động, toàn bộ vi phạm của các phương tiện đều được giám sát và nắm bắt, qua đó có biện pháp xử lý phù hợp mà không cần sự có mặt của con người.
Rõ ràng qua một thời gian ngắn áp dụng, hầu hết các vi phạm đều bị xử lý. Chủ xe, lái xe, khi biết có hệ thống giám sát, khi biết chắc hành vi vi phạm sẽ bị phát hiện và xử lý, tự họ sẽ tự động chấp hành.
Chỉ khi việc ứng dụng công nghệ vào giám sát, phát hiện và xử lý, xe quá tải mới được ngăn chặn. Để làm được điều này, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, các khu vực khai thác mỏ… cần được lắp đặt hệ thống cân tải trọng tự động. Khi đó toàn bộ phương tiện vi phạm sẽ được phát hiện kịp thời.
Việc xử lý xe quá tải bằng công nghệ tự động không những giảm áp lực đối với các lực lượng thực thi công vụ, mà còn làm tăng tính minh bạch trong việc xử lý.
Khi việc xử phạt được chuyển qua hình thức xử “phạt nguội”, có thể kiểm soát hoặc loại bỏ hoàn toàn sự can thiệp của con người.
Binh chủng “công nghệ” đang ngày càng tham gia đắc lực để giảm sức người, tăng độ lợi hại, như các cân tự động trên QL5. Đã đến lúc cần nhìn nhận lại cách thức phát hiện và xử lý xe quá tải.
Nếu tất cả giải pháp vẫn dựa trên phương thức cũ, dù chúng ta có nỗ lực chừng nào cũng rất khó đạt hiệu quả cao.
Nếu vẫn chủ yếu dựa vào sức người, dù phân định lực lượng nào cũng khó có thể ngăn chặn xe quá khổ, quá tải.
Nguyễn Văn Quyền
(Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận