“Công nghệ” rửa đất thành cát
Theo ghi nhận, tại khu đất nằm bên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, một mặt giáp với quốc lộ 28 (thuộc thôn 3, xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), xung quanh khu đất rộng khoảng 3ha, được bao bọc bởi tường rào, có cổng ra vào. Bên trong, diễn ra hoạt động xẻ đồi, khai thác cát rầm rộ, xe ben liên tục ra vào “ăn hàng”.
Hiện trường khai thác cát trái phép tại thôn 3 (xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Ngọc Hùng
Tại đây, một nửa quả đã bị “xẻ thịt”, chiếc máy múc liên tục đưa đất lên xe ben, sau đó chở đổ xuống dòng nước để rửa lấy cát. Kế đó, chiếc máy bơm hoạt động hết công suất, bơm cát lên bãi. Sau đó, hai chiếc máy múc thi nhau đưa cát lên xe ben đợi sẵn rồi chở đi tiêu thụ.
Video: Ngang nhiên khai thác cát trái phép trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3.
Đầu tiên, chiếc xe BKS: 49C-204.59 (dán logo Thiên Phát) từ từ lùi vào bãi, trong tích tắc cát được múc lên xe đầy ắp, tài xế nhanh chóng phủ bạt để lộ “ngọn” cao ngút rồi ì ạch rời bãi. Tiếp đó, xe BKS: 49C-242.75 (dán logo Thanh Hằng) lùi vào, tương tự cát được đưa lên xe “có ngọn”, tài xế vội vàng phủ bạt và cho xe bò ra quốc lộ 28 đi về hướng ngã 3 Tân Lâm. Trong suốt quá trình thực tế, PV ghi nhiều xe khách cũng liên tục ra vào bãi “ăn hàng”.
Xe ben chở đất đồi đổ xuống lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 để rửa thành cát. Ảnh: Ngọc Hùng
Theo một tài xế chuyên lấy cát tại khu vực này tiết lộ, khu vực này toàn bộ là cát lậu, họ xẻ đồi chở cát đổ xuống nước rồi bơm lên bán, mỗi xe cát tại đây được chủ mỏ bán với giá 200 - 220 nghìn/1m3. Tuy nhiên, các xe vào được chủ mỏ bán theo xe, xe 7 khối có giá 1,6 triệu đồng; xe 13 khối với giá bán 2,6 triệu đồng và được khuyến mãi múc “có ngọn”.
Theo tìm hiểu, mỏ cát trên do một người đàn ông tên T. đứng chủ, mọi hoạt động tại đây do người này quản lý, điều hành. Cát tại đây, được chở đi tiêu thụ ở các huyện Di Linh, Bảo Lâm.
Tại sao chính quyền khó xử lý?
Xe ben liên tục ra vào lấy cát, chở "có ngọn". Ảnh: Ngọc Hùng
Ông K' Đô, Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng cho biết, về khai thác khoáng sản, trên địa bàn có 1 công ty được cấp phép nạo vét lòng hồ, tận thu cát tại lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3. Đối với khu vực PV phản ánh, đúng là khai thác cát lậu, về phía chính quyền địa phương đã nhiều lần lập biên bản và báo cáo với UBND huyện rất nhiều.
Xe ben dán logo Thiên Phát "ăn no hàng", chuẩn bị rời bãi. Ảnh: Ngọc Hùng
Cũng theo ông K’Đô, vị trí này khai thác không phép, chính quyền xã đã nhiều lần xử lý nhưng vẫn tái diễn. Địa phương chỉ được lập biên bản xử lý 4 đến 5 triệu đồng, không có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Có nhiều lần đoàn vào kiểm tra nhưng họ đóng cổng.
Theo UBND xã Đinh Trang Thượng, việc khai thác khoáng sản trái phép, trách nhiệm thuộc người đứng đầu địa phương, nhưng quyền hạn chỉ trong giới hạn cho phép nên rất khó xử lý.
“Tuần trước, anh em vừa mới đi kiểm tra, nhưng Phòng vào rất khó phát hiện. Đặc biệt, khi thành lập đoàn thì vào "vườn không nhà trống", thậm chí khi ngoài vào thì bên trong đã khóa cổng lại”, ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Di Linh khẳng định
Ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Di Linh khẳng định: “Hiện tại trên địa bàn xã Đinh Trang Thượng có một doanh nghiệp được cấp giấy phép tận thu cát trên lòng hồ Đồng Nai 3. Đối với khu vực PV phản ánh là không có giấy phép.
Việc để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, trách nhiệm ở xã vì đã giao cho xã quản lý. Trường hợp vượt thẩm quyền thì lập hồ sơ báo cáo huyện”.
Theo Phòng TN-MT huyện Di Linh, khu vực trên đã bị xử lý tịch thu phương tiện và 9m3 cát, đồng thời có quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với ông Vũ Hồng Biển.
“Tiếp nhận thông tin phản ánh, tôi sẽ vào trực tiếp hiện trường để có giải pháp báo cáo UBND huyện xử lý. Trước đó, Phòng cũng đã có văn bản gửi UBND xã Đinh Trang Thượng đề nghị phối hợp ngăn chặn tình trạng san gạt, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn”, ông Hùng khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận