Bộ Công thương vừa thông tin về Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Công nghiệp.
Tăng trưởng cao nhất trong 5 năm
Báo cáo kết quả năm qua, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay, quy mô sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục được mở rộng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, giữ vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Cụ thể, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%). Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay.
"Với đà tăng như hiện nay, dự kiến cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng trên 8%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7-8%)", lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu.
Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành và toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao.
Trong tháng 11, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Ngoài ra, các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế tiếp tục phát triển như: Khai thác, chế biến dầu khí; khai thác, chế biến khoáng sản, điện, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy...
Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, những kết quả này tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cụ thể, một số ngành công nghiệp xuất khẩu như dệt may, da giày, điện tử… đã hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh cao và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế.
Nhiều mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới…
Công nghiệp có tính gia công, giá trị thấp
Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nói rằng, sự phát triển còn thiếu cơ sở vững chắc.
"Mặc dù tăng trưởng nhưng chủ yếu là công nghiệp có tính gia công, giá trị thấp. Hay nói cách khác, chúng ta mới phát triển những ngành công nghiệp và những phân khúc có giá trị gia tăng thấp", ông Diên nói.
Điểm hạn chế khác, theo ông Diên, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị công nghiệp của cả nước. Đối chiếu sang lĩnh vực xuất khẩu sẽ thấy 74,6% giá trị xuất khẩu là từ khu vực FDI. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp nội chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của các ngành.
Bên cạnh đó, công nghiệp nhìn chung chưa tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự dịch chuyển đầu tư từ các công ty đa quốc gia sang nước thứ ba và cũng chưa tận dụng tối đa được các hiệp định thương mại tự do.
"Bằng chứng là chúng ta chỉ có 24%, còn 76% là doanh nghiệp FDI, một số doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng nhìn chung còn ở khu vực thấp. Rõ ràng doanh nghiệp chưa tận dụng được Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chưa tận dụng được xu thế dịch chuyển, chưa thu hút được FDI", Bộ trưởng nêu rõ.
Tư lệnh ngành Công thương nhấn mạnh: "Thu hút FDI không chỉ đơn giản tính bằng giá trị xuất khẩu mà phải tính bằng năng lực và nội lực của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng ra sao? Chúng ta xem trong hệ sinh thái của Samsung hay một số tập đoàn điện, điện tử của Nhật Bản và Hàn Quốc thì các doanh nghiệp của chúng ta tham gia được bao nhiêu trong phân khúc này?".
Ngoài ra, ông Diên cho rằng, ngành công nghiệp còn rất gian nan mới có thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu bởi chưa đủ sức làm chủ cuộc chơi. Ông lưu ý, đây là điều phải nhìn lại, chúng ta vẫn nói về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
"Đây là vấn đề phải rất thẳng thắn, chứ không thể nói cho hài lòng", ông Diên nhấn mạnh
Mặt khác, công nghiệp vẫn thiếu những ngành công nghiệp có tính nền tảng, như: Công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, chế tạo chế biến, điện tử, hóa chất, năng lượng.
Lấy ví dụ về công nghiệp hóa chất, theo ông Diên, hóa chất cơ bản chúng ta chưa làm chủ được, hầu như phải nhập khẩu. Hay về công nghiệp vật liệu cũng tương tự. Giá trị xuất khẩu hơn 400 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay là hơn 800 tỷ USD, có thể đạt ngưỡng 800 tỷ USD nhưng xuất siêu chỉ đạt 23-24 tỷ USD.
"Điều đó chứng tỏ chúng ta đang ở một phân khúc rất mỏng. Dày hơn lại là phân khúc khác, đó là phân khúc vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo", Bộ trưởng phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận