Hollywood gặp biến cố chưa từng có trong lịch sử
Đúng 4h ngày 14/7 (giờ Mỹ), Nghiệp đoàn diễn viên màn ảnh - Liên đoàn nghệ sĩ truyền hình và phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA) cùng Hiệp hội Biên kịch Mỹ tuyên bố đình công vì không tìm được tiếng nói chung với Liên minh các nhà sản xuất Điện ảnh và Truyền hình Mỹ (AMPTP) để ký kết thỏa thuận giữa hai bên.
Lãnh đạo SAG-AFTRA kêu gọi đình công. Ảnh: Reuters.
Theo IGN, lý do quan trọng nhất dẫn đến cuộc biểu tình của SAG-AFTRA là: Các studio Hollywood muốn sử dụng AI sao chép gương mặt diễn viên cho mục đích lâu dài, chẳng hạn như thay đổi hoặc tái tạo chân dung của diễn viên đó trong nhiều dự án.
Phía SAG-AFTRA nói không tìm cách cấm AI, nhưng muốn đảm bảo mọi hoạt động sử dụng hình ảnh của diễn viên đều được người đó đồng ý và được đền bù xứng đáng.
Đối mặt làn sóng phản đối, Variety cho biết, phía AMPTP khẳng định, đã đưa ra mức tăng phần trăm cao nhất cho thù lao tối thiểu trong 35 năm qua, đồng thời tăng các đãi ngộ và đưa ra đề xuất AI mang tính đột phá nhằm bảo vệ chân dung các diễn viên trên nền tảng kỹ thuật số, tránh việc sử dụng bất hợp pháp.
"Thay vì tiếp tục đàm phán, SAG-AFTRA khiến hàng nghìn người phụ thuộc vào ngành công nghiệp này thêm khó khăn", đại diện của AMPTP nói.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành hãng Disney Bob Iger cho rằng kỳ vọng của các diễn viên và các biên kịch là "phi thực tế", trong khi việc đình công lại dẫn đến nhiều hệ lụy.
Đây là lần đầu tiên Hollywood chứng kiến cuộc đình công kép toàn ngành kể từ sau năm 1960 và cũng là cuộc đình công đầu tiên của các diễn viên kể từ năm 1980.
Hội Nhà văn Mỹ, một bộ phận ngành giải trí Mỹ, đình công trước văn phòng Netflix. Ảnh: Reuters.
Cuộc đình công SAG-AFTRA diễn ra hai tháng sau cuộc đình công liên tục của Hội Nhà văn Mỹ hồi tháng 5, khiến một loạt show truyền hình dài tập và các bộ phim mới của Hollywood phải tạm dừng sản xuất.
Hồi tháng 5, các biên kịch từng biểu tình trước những lo ngại về điều kiện làm việc và những thách thức của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngành công nghiệp phim.
Còn lần này, theo NYTimes, nguyên nhân chính của cuộc đình công chủ yếu liên quan đến tiền lương. Sự gia tăng của các nền tảng chiếu phim cũng như thách thức của giai đoạn hậu Covid-19 đang đặt ra sức ép rất lớn lên cả ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ.
Cụ thể, các hãng phim phải hứng chịu các vấn đề về mặt tài chính, còn các diễn viên và biên kịch thì lại đang tìm kiếm mức lương cao hơn, đi kèm với sự bảo đảm về điều kiện làm việc trước những biến đổi nhanh chóng của thời cuộc.
Cả diễn viên và biên kịch đều yêu cầu mức thù lao từ các dịch vụ phát trực tuyến (một loại tiền bản quyền) phải được tăng lên. Các seris phim được sản xuất bởi nền tảng phát trực tuyến thường có ít tập hơn nhiều so với các series phim truyền hình.
Trước đây, với một bộ phim truyền hình ăn khách, các diễn viên và biên kịch đều được nhận một khoản thù lao mỗi khi một tập phim được chiếu đi chiếu lại. Tuy vậy, sự xuất hiện của các nền tảng chiếu phim trực tuyến đã làm thay đổi hệ thống này và gây thiệt hại cho họ.
Tương lai khó đoán cho ngành sản xuất phim ảnh
The Shine nhận định, cuộc đình công có thể khiến dừng toàn bộ việc sản xuất tại Hollywood. Năm nay, đài truyền hình Fox cũng chưa công bố lịch phát sóng giải Emmy do bị ảnh hưởng, có thể dời sang tháng 9 hoặc đầu năm sau.
Đại diện các diễn viên yêu cầu giới chủ tại Hollywood tăng lương cơ bản và chia sẻ lợi nhuận. Ảnh: Reuters.
Giám đốc Disney Bob Iger cảnh báo cuộc đình công sẽ có “tác động rất nghiêm trọng đối với toàn ngành giải trí Mỹ”. “Đây là thời điểm tồi tệ nhất trên thế giới để gây ra sự gián đoạn này”, ông Bob Iger trả lời phỏng vấn của CNBC.
Trong khi đó, NYTimes cho rằng các cuộc đình công có thể phá vỡ ngành công nghiệp giải trí Hollywood, đe dọa trực tiếp đến số lượng và doanh thu phòng vé năm 2024.
Theo thống kê mới nhất, cả hai mảng kinh doanh truyền thống của Hollywood, doanh thu phòng vé và thuê bao truyền hình, đều trong tình trạng sụt giảm nghiêm trọng.
Năm 2023 là thời điểm bước ngoặt cho sự phục hồi của các rạp phim sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh thu bán vé tại Mỹ và Canada vẫn giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019.
Thống kê của Công ty kiểm toán PwC cho thấy điềm báo về một ngành công nghiệp đang thụt lùi khi số lượng vé phim trên toàn cầu có thể đạt 7,2 tỷ vào năm 2027. Trong khi đó, tổng số lượt người mua vé đến rạp vào năm 2019 là 7,9 tỷ.
Ở mảng truyền hình, PwC dự đoán chưa đến 50 triệu gia đình sẵn sàng trả tiền cho truyền hình cáp hoặc vệ tinh vào năm 2027. Con số này từng đạt đến 100 triệu vào năm 2016.
Tuy nhiên, ông Michael Nathanson - chuyên gia truyền thông tại SVB MoffettNathanson cho rằng, khách quan để nói, cuộc đình công có thể mang đến cả tác động tích cực và tiêu cực.
Theo ông Michael, nếu cuộc đình công kép chỉ kéo dài trong một hoặc hai tháng, các công ty có thể coi đây là cơ hội để tiết kiệm chí phí - mà lẽ ra họ vẫn phải chi trả để duy trì toàn ê-kíp. Thời gian này, công ty có thể thực hiện các khâu tiền kỳ như lựa chọn kịch bản, bối cảnh... để sẵn sàng bắt tay sản xuất khi mọi thứ đã sẵn sàng.
Nếu các diễn viên không trở lại làm việc vào mùa thu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hợp đồng truyền thông. Nhất là khi Netflix và các nền tảng phát hành trực tuyến chiếm thế thượng phong trước các công ty truyền thống, các hợp đồng quảng cáo "béo bở" cũng có thể bị vụt mất.
Diễn viên và giới biên kịch tham gia cuộc đình công tại Hollywood. Ảnh: CNN.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, không ai biết các cuộc đình công tại Hollywood sẽ kéo dài bao lâu. Tương lai nào cho ngành sản xuất phim ảnh ở Hollywood vẫn là điều khó đoán.
Các nhà biên kịch Mỹ đã xuống đường trong hơn 70 ngày để biểu tình và chưa có dấu hiệu dừng lại. Lần cuối cùng các diễn viên tổ chức cuộc đại đình công là vào năm 1980, kéo dài hơn ba tháng.
Trong khi đó, cuộc đình công gần đây nhất của đội ngũ biên kịch là năm 2007, kéo dài 100 ngày, gây thiệt hại hơn hai tỷ USD của bang California.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận