Chưa đầy 10 năm, mạng lưới đường sắt miền Bắc được khôi phục cơ bản |
Tại miền Bắc sau năm 1954, hệ thống đường sắt bị bóc dỡ hầu hết, gần như toàn bộ cầu cống, nhà ga bị phá sập. Trong 1.152 km đường sắt chỉ có 118 km Hà Nội - Văn Điển và Hà Nội - Hải Phòng là có thể sử dụng được.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ngành GTVT có chủ trương dốc sức khôi phục lại mạng lưới đường sắt. Ngoài việc củng cố tuyến Hà Nội - Hải Phòng, ngành GTVT đã khôi phục lần lượt bốn tuyến đường sắt với tổng chiều dài 657 km, 75 ga chính và ga xép, 168 cầu cống, nối Thủ đô với các miền đất nước.
Khó khăn nhất trong việc khôi phục các tuyến đường sắt là phải sửa chữa nhiều cây cầu lớn như: Hàm Rồng (Thanh Hóa), Yên Xuân (Nghệ An), Việt Trì (Phú Thọ) và Phủ Lạng Thương (Bắc Giang)... Với cầu Hàm Rồng, lần đầu tiên thợ cầu Việt Nam đã hạ cọc đường kính lớn bằng phương pháp chở nổi và đổ bê tông cốt thép trong lòng cọc, lắp hẫng dàn dầm thép.
Ngày 28/2/1955, ngành GTVT đã nối thông được tuyến đường sắt Hà Nội - Bằng Tường (Trung Quốc) trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng. Tiếp đến, ngày 1/8/1955, tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Bắc Kinh - Moscow -Berlin được đưa vào sử dụng. Ngày 31/8/1955, thông tàu hỏa đến Bắc cầu Hàm Rồng.
Sau khi xây dựng xong cầu Hàm Rồng ngày 19/5/1964, tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh được khôi phục. Trên đoạn đường sắt Vinh - Quảng Bình, do có nhiều cầu lớn khó khắc phục, ngành GTVT chủ trương làm đường goòng, do vậy cùng với hệ thống tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh, đoạn đường goòng Vinh - Quảng Bình cũng được khơi thông. Đồng thời, nhánh đường sắt cầu Giát - Thái Hòa (Nghệ An) dài 58 km được xây dựng.
Chưa đầy 10 năm, mạng lưới đường sắt miền Bắc được khôi phục cơ bản, phục vụ đắc lực cho công cuộc khôi phục kinh tế, đáp ứng nhu cầu đi lại giao thương của người dân. Trong khi đó, ở miền Nam giai đoạn này, hệ thống đường sắt bị hư hỏng nặng, có nhiều đoạn không thể khai thác được… Đến năm 1964, mức độ khai thác đường sắt tụt giảm đáng kể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận